Triển khai Luật Đất đai 2024

Thanh Hóa đưa Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống:Phát triển từ phát huy nguồn lực đất đai

Thanh Tâm 28/03/2024 - 09:36

(TN&MT) - Bám sát quy định từ hệ thống pháp luật đất đai, nêu cao tinh thần trách nhiệm, linh động trong triển khai thực tiễn... công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Phát triển dự án ở các đô thị, đồng bằng, huyện ven biển

Cụ thể về tình hình sử dụng đất, đầu tư xây dựng: Tổng số dự án 3.912 trung bình 145 dự án/huyện; trong đó các huyện có nhiều dự án như: Quảng Xương 523 dự án, Hậu Lộc 203 dự án, Hoằng Hóa 316 dự án, Nga Sơn 214 dự án, Thiệu Hóa 228 dự án, Thọ Xuân 258 dự án, Vĩnh Lộc 371 dự án, huyện Yên Định 353 dự án… Tổng diện tích đất các dự án trên địa bàn toàn tỉnh là 23.252.643,2m2 (tương đương 2.325,3ha), diện tích thực hiện dự án trung bình đạt 861.209m2/huyện.

Diện tích thực hiện các dự án cơ bản đã phản ánh đúng tình hình phát triển của các địa phương trên địa bàn tỉnh: Tăng trưởng mạnh ở các huyện đồng bằng, ven biển có nhiều lợi thế phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, tăng trưởng dân số; Tăng trưởng chậm hơn ở các huyện miền núi có điều kiện còn nhiều khó khăn. Các khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt trong công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa gắn liền với đô thị hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, tạo động lực tăng trưởng vùng và địa phương.

Diện mạo các khu đô thị, vùng nông thôn đang dần khởi sắc, hệ thống hạ tầng dân cư, đô thị được cải thiện rõ rệt, nhiều vùng nông thôn, khu đô thị cũ được cải tạo, nâng cấp và được đầu tư xây dựng mới kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; nhiều đô thị mới, quy mô lớn ra đời, với những công trình kiến trúc hiện đại.

anh-2-tp-thanh-hoa.jpg
TP. Thanh Hóa được quy hoạch khang trang

Việc phát triển các khu dân cư, khu đô thị trong giai đoạn 2014 đến nay có sự phát triển mạnh do thuận lợi trong việc thực thi pháp luật hiệu quả (Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở,... ra đời cùng một thời điểm đã tạo nhiều thuận lợi trong việc thực thi chính sách); đồng thời với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cơ quan, tổ chức Đảng và các cấp chính quyền địa phương đã kịp thời ban hành những quy định, hướng dẫn, tháo gỡ đối với các dự án đầu tư khu dân cư, khu đô thị, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện để các nhà đầu tư tiếp cận đất đai, đầu tư dự án.

Nâng cao chất lượng sử dụng đất

Tuy nhiên, trừ một số huyện kể trên, giai đoạn từ năm 2014 đến nay, tỷ lệ hoàn thành xây dựng nhà ở, công trình các khu dân cư, khu đô thị theo quy hoạch tại các địa phương còn tương đối thấp. Tập trung vào một số nguyên nhân như: Chủ đầu tư chưa tập trung nguồn lực, chậm triển khai đầu tư xây dựng; vướng mắc trong thực hiện thủ tục; vướng mắc trong các khâu đấu giá quyền sử dụng đất; người sở hữu đất đai vào mục đích đầu tư, kinh doanh không có nhu cầu xây dựng. Bên cạnh đó, còn có một phần ảnh hưởng không nhỏ từ những bất ổn trong thị trường bất động sản.

Trong giai đoạn suy thoái kinh tế (các năm 2014, 2015) và dịch bệnh Covid-19 kéo dài, diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư tại các dự án khu dân cư, khu đô thị, một số chủ đầu tư không huy động được nguồn vốn vay, vốn tự có như đã cam kết để thực hiện đầu tư dự án theo tiến độ đã được chấp thuận, chỉ đầu tư cầm chừng dẫn đến chậm đầu tư thực hiện các dự án theo quy định.

Một nguyên nhân khác là sự phối hợp giữa các ngành và UBND cấp huyện, cấp xã trong quá trình theo dõi, kiểm tra việc sử dụng đất, đầu tư xây dựng tại các khu dân cư, khu đô thị chưa chặt chẽ, kịp thời; việc thanh tra, kiểm tra chưa sát sao, chưa kịp thời uốn nắn, nhắc nhở các chủ đầu tư, người sở hữu đất đai hoàn thành đầu tư xây dựng, đưa đất vào sử dụng có hiệu quả; việc xử lý vi phạm có lúc, có nơi chưa kiên quyết, kịp thời.

Với việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai 2024 và các Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai đang trong quá trình hoàn thiện, dự kiến ban hành cùng thời điểm Luật có hiệu lực, Thanh Hóa kỳ vọng Luật và các văn bản dưới Luật sẽ là công cụ đắc lực để Thanh Hóa khắc phục những hạn chế, vướng mắc khó khăn, phát huy nguồn lực đất đai, xây dựng, cải tạo diện mạo đô thị, nông thôn, đồng bằng ven biển, miền núi đồng bộ, phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, chất lượng sống của người dân.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân

Hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất

anh-4-ong-nguyen-huu-dung-pho-chu-tich-ubnd-huyen-tho-xuan.jpg

Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới quan trọng, thể chế hóa tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; góp phần phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất.

Trong đó, Luật đã đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai. Phân cấp hoàn toàn, triệt để thẩm quyền cho các địa phương trong xác định chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, định giá đất trên địa bàn được giao quản lý. Mặt khác, thiết lập các cơ chế giám sát, theo dõi thông qua quy định về hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu về đất đai tập trung, thống nhất và hoàn thiện các quy định kiểm soát quyền lực thông qua hậu kiểm của các cơ quan Trung ương bằng công cụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đất đai.

Để đảm bảo các điều kiện thi hành Luật Đất đai 2024, nhanh chóng đưa Luật vào cuộc sống ngay khi có hiệu lực thi hành, UBND huyện Thọ Xuân sẽ chỉ đạo Phòng TN&MT huyện chủ trì, xây dựng kế hoạch phối hợp với các ban, ngành liên quan phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai và nâng cao nhận thức chính sách, pháp luật về đất đai cho cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư, đặc biệt là trong cộng đồng người dân tộc thiểu số.

Ông Nguyễn Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung

Luật Đất đai 2024 góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế địa phương

anh-5-ong-nguyen-xuan-dung-pct-ubnd-huyen-ha-trung.jpg

Luật Đất đai 2024 với nhiều nội dung mới mang tính đột phá, quan trọng góp phần vào hoàn thiện chính sách pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai…

Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, Luật Đất đai 2024 đã mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân, cụ thể: Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 176 Luật Đất đai 2024. Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp vẫn được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (hiện nay, theo khoản 3 Điều 191 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa)… Đây là những điểm mới và vô cùng quan trọng cho huyện phát triển nông nghiệp như Hà Trung phát triển nông nghiệp xanh - sạch - an toàn; góp phần vào phát triển kinh tế địa phương toàn diện.

Để đưa Luật vào cuộc sống, UBND huyện Hà Trung chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện chủ trì, phối hợp với các ban, ngành liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai và nâng cao nhận thức chính sách, pháp luật về đất đai cho cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư, để người dân và doanh nghiệp hiểu và thi hành nghiêm Luật Đất đai 2024.

Nguyễn Thị Xuân - Trưởng Phòng TN&MT huyện Triệu Sơn:

Sẽ tuyên truyền Luật theo phương châm "mưa dầm thấm lâu"

anh-6-ba-nguyen-thi-xuan-truong-phong-tn-mt-huyen-trieu-son.jpg

Xét về góc độ chính sách đổi mới, đất đai đã và đang đóng góp nguồn lực rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Với sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, Luật Đất đai sẽ sớm đi vào cuộc sống, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế sâu rộng, từng bước hiện thực hóa mục tiêu cuộc cách mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đề ra; kịp thời đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của nhân dân.

Để Luật sớm đi vào cuộc sống, huyện Triệu Sơn sẽ chú trọng công tác tuyên truyền, triển khai thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú, lồng ghép qua các hội nghị, các hoạt động của đoàn thể, phương tiện truyền thanh địa phương…, phù hợp với từng địa bàn dân cư, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất, đưa Luật Đất đai đi vào thực tiễn cuộc sống một cách sinh động, thiết thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa đưa Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống: Phát triển từ phát huy nguồn lực đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO