Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa |
PV: Xin ông cho biết những kết quả đạt được sau 9 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai ở Thanh Hóa?
Ông Lê Đức Giang:
Sau khi Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Luật Đất đai 2013 được ban hành, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cho các huyện, thị xã, thành phố. Việc quản lý đất đai theo Quy hoạch đã giúp nâng hiệu quả tài nguyên đất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng được thực hiện theo đúng quy định. Từ năm 2013 - 2020, đã có 6.559 dự án được chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất, với diện tích 9.277,48ha. Công tác giao đất, cho thuê đất bảo đảm theo đúng trình tự pháp luật, phát huy hiệu quả sử dụng đất đai. Tỉnh đã thực hiện giao đất, cho thuê đất 1.769 dự án, với tổng diện tích 8.394,03ha; xác định giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa 3 doanh nghiệp Nhà nước; từng bước quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp thông qua sắp xếp, đổi mới 9 công ty nông, lâm nghiệp với diện tích 25.872,93ha.
Thanh Hóa đã thực hiện đấu thầu dự án sử dụng đất 22 dự án với diện tích 233,06ha; đấu giá quyền sử dụng đất 2.647 dự án, diện tích 1.038,1ha; tổng số tiền trúng đấu giá thu được 22.685 tỷ đồng. Việc tích tụ đất đai được tăng cường với 26.660ha đất sản xuất nông nghiệp...
Thanh Hóa có 10.682 dự án quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội cần thu hồi 21.895,991ha đất. Một số dự án trọng điểm như: Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn; Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A; Cao tốc Bắc Nam, Đường dây 500kV…
PV: Cụ thể việc sử dụng nguồn tài nguyên đất đai bền vững đã mang lại hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Đức Giang:
Nhờ việc quy hoạch đất đai, tạo quỹ đất sạch, chính sách giao đất, cho thuê đất linh hoạt, đến nay, toàn tỉnh đã thu hút 89 dự án đầu tư (diện tích 5.117,65ha) của tổ chức, cá nhân có yếu tố nước ngoài. Sau khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư và được thuê đất, các dự án đều đi vào hoạt động sản xuất đúng mục đích được thuê; giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động, đóng góp vào nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Ngoài ra, tỉnh còn kêu gọi, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn thực hiện các dự án bất động sản có quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại, như: Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn; Khu đô thị mới trung tâm thành phố Thanh Hóa; Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội và các dự án khác trong Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn...; thực hiện 14 dự án đầu tư theo phương thức PPP với tổng vốn đầu tư 72.989 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng rất quan tâm đến việc thực hiện chính sách về nhà ở xã hội; đến nay, đã hoàn thành 14 dự án nhà ở xã hội và 6 dự án nhà ở cho công nhân, đáp ứng cho khoảng 45.000 người…
Tỉnh đã bố trí trên 315 tỷ đồng để đo đạc, lập bản đồ, hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu tại 469/559 xã, phường, thị trấn với diện tích 367.206,80ha; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho hộ gia đình cá nhân đạt 96,71%, cho tổ chức đạt 91,5%.
Một góc TP. Thanh Hóa |
PV: Được biết, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, cũng như pháp luật về đất đai, tỉnh Thanh Hóa gặp một số khó khăn. Những vướng mắc đó là gì và hướng giải quyết như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Đức Giang:
Các khó khăn mà Thanh Hóa gặp phải trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 19, cũng như pháp luật về đất đai có thể kể đến như việc lập, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia và phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho các tỉnh còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện và gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai.
Ngoài ra, theo quy định hiện hành, chủ đầu tư các dự án phải thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người đang sử dụng đất đã gây nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng lớn đến tiến độ, hiệu quả đầu tư của dự án; có trường hợp kéo dài nhiều năm vẫn không giải phóng mặt bằng xong vì kiên quyết không chuyển nhượng hoặc đòi giá quá cao.... dẫn đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt nhưng không thể thực hiện được.
Thời gian tới, để tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai, tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Chính phủ nghiên cứu việc thống nhất trình tự, thẩm quyền về chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất đảm bảo thống nhất, đồng bộ với chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất theo quy định của pháp luật lâm nghiệp. Xây dựng mô hình Bộ máy Văn phòng Đăng ký đất đai hiện nay theo hướng chuyển Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai ở huyện về trực thuộc UBND huyện để quá trình thực hiện đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với quản lý của chính quyền địa phương.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Hóa đề nghị sửa đổi pháp luật đất đai theo hướng tăng hạn mức đất nông nghiệp và hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; đồng thời bổ sung quy định về điều kiện chuyển nhượng đất, chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí khi thực hiện việc tích tụ, tập trung ruộng đất thông qua nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, dồn điền, đổi thửa khi thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất để tổ chức sản xuất hàng hóa lớn theo mô hình tập trung.