Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xử lý chất thải rắn nhằm cải thiện môi trường, mang lại cuộc sống ngày càng bền vững. Giai đoạn đến năm 2025 đạt 95% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại đô thị và 90% tại nông thôn phải được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn toàn tỉnh đạt 90%, tỷ lệ chất thải rắn chôn lấp dưới 30%. 100% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và làng nghề phát sinh được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường.
Nhiều khu xử lý chất thải rắn tại Thanh Hóa đang trong tình trạng quá tải |
Đối với chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, nông nghiệp phải được thu gom 100%. 85% tổng lượng chất thải rắn nguy hại và 90% tổng lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh tại các đô thị phát sinh tại các hộ gia đình phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Trong đó, 60% được tái sử dụng hoặc tái chế thành các sản phẩm, vật liệu tái chế bằng các công nghệ phù hợp. 80% chất thải rắn phát sinh từ hoạt động sản xuất nông nghiệp được thu gom, tái sử dụng, tái chế làm phân compost, các nguyên liệu, nhiên liệu sản phẩm thân thiện với môi trường và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 80% tổng lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện, sản xuất phân bón, gang thép… được tái chế, tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, san lấp đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Từ đó, tạo tiền đề đến năm 2050, tất cả các loại chất thải rắn phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, hạn chế khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp đến mức thấp nhất.
Dự báo khối lượng chất thải rắn phát sinh như chất thải sinh hoạt đến năm 2025 khoảng 3.541 tấn/ngày, đến năm 2030 là 4.049 tấn/ngày, đến năm 2050 khoảng 5.241 tấn/ngày; chất thải công nghiệp và nguy hại đến năm 2025 khoảng 1.074.123 tấn/năm, đến năm 2030 là 1.986.784 tấn/năm, đến năm 2050 khoảng 1.675.066 tấn/năm; chất thải y tế đến năm 2025 khoảng 19,35 tấn /ngày, đến năm 2030 là 21,55 tấn/ngày, đến năm 2050 khoảng 25,6 tấn/ngày; chất thải xây dựng đến năm 2025 khoảng 193.879 tấn/năm, đến năm 2030 là 221.665 tấn/năm, đến năm 2050 khoảng 286.965 tấn/năm; chất thải rắn từ bùn cặn của hệ thống thoát nước chung của đô thị và công trình vệ sinh đến năm 2025 khoảng 245.911m3/năm, đến năm 2030 là 254.007m3/năm, đến năm 2050 khoảng 289.149m3/năm.
Thanh Hóa hướng đến năm 2025 đạt 95% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và 90% tại nông thôn phải được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường |
Để xử lý khối lượng rác thải phát sinh mỗi ngày, UBND tỉnh Thanh Hóa đề ra các phương án xử lý chất thải rắn. Yêu cầu các cơ sở xử lý chất thải rắn đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường theo đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Đảm bảo chất thải rắn được thu gom phù hợp với công suất, quy mô của cơ sở xử lý chất thải. Đồng thời địa điểm xây dựng các khu xử lý có khả năng phục vụ liên vùng đối với các nguồn thải gần nhau, tạo thuận lợi cho đầu tư hạ tầng kỹ thuật và công nghệ xử lý hiện đại, giảm nhu cầu chiếm đất và giảm ô nhiễm môi trường.
Cần lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; khả năng phân loại, tính chất, thành phần chất thải rắn của từng địa phương để áp dụng các công nghệ tái chế, tái sử dụng. Những khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay trên địa bàn tỉnh như khu xử lý chất thải rắn tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn; xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn; Phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn đang dần quá tải.
Dự án xử lý chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được đầu tư với nguồn vốn ước khoảng 2.691 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn đến năm 2025 khoảng 1.389 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là 1.302 tỷ đồng.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan công bố phương án xử lý chất thải rắn của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt. Kiểm tra việc thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các công trình xử lý chất thải rắn.
Yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng và quy hoạch khác của địa phương cho phù hợp phương án xử lý chất thải rắn của tỉnh đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Xây dựng kế hoạch đầu tư các khu xử lý chất thải rắn phù hợp với từng thời kỳ; lập kế hoạch sử dụng đất cho các công trình xử lý chất thải rắn. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường, thu gom xử lý chất thải.