Thanh Hóa: Đẩy mạnh công tác phòng, chống thiên tai

Thu Thủy| 02/06/2020 13:55

(TN&MT) - Để chủ động phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Công văn số 6881/UBND-NN về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai năm 2020.

Từ đầu năm 2020 tới nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra và chịu ảnh hưởng của 7 đợt giông lốc kèm theo sét, mưa lớn, mưa đá trên địa bàn các huyện Lang Chánh, Mường Lát, Như Thanh, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy, làm 7 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 909 nhà bị thiệt hại một phần, 13,8 ha lúa, 2,5ha hoa màu, rau màu, 35,6 ha diện tích rừng bị thiệt hại. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, thiên tai năm 2020 còn diễn biến phức tạp với khoảng 11-13 cơn bão trên biển Đông, trong đó có 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền cùng với hạn hán, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất…

Tỉnh Thanh Hóa thực hiện nhiều biện pháp tăng cường công tác phòng, chống thiên tai năm 2020

Theo đó, để tăng cường công tác phòng, chống thiên tai năm 2020. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các Sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Tổng kết công tác phòng, chống thiên tai năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, triển khai nhiệm vụ, kế hoạch những tháng còn lại. Chuẩn bị các phương án, kịch bản và sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, dự trữ thiết yếu tại các địa phương để triển khai ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, giảm thiểu thiệt hại.

Đồng thời, khẩn trương kiểm tra, rà soát đánh giá hiện trạng các công trình phòng, chống thiên tai thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý, đặc biệt là hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng chống sạt lở, tiêu thoát nước, hệ thống điện lưới, thông tin liên lạc, khai thác khoáng sản... Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão hoặc có phương án bảo vệ an toàn các công trình đang thi công. Huy động tối đa nguồn lực xử lý dứt điểm các sự cố thiên tai lớn trong những năm gần đây, chú trọng công tác khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai gắn với xây dựng nông thôn mới đảm bảo sinh kế bền vững.

Bên cạnh đó, tăng cường quản lý, kiểm soát tàu thuyền, kiên quyết không để các tàu đánh bắt thủy, hải sản hết hạn đăng kiểm, trang thiết bị không an toàn, thông tin liên lạc không đảm bảo; thuyền trưởng, máy trưởng thiếu chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ ra khơi. Kiểm tra, rà soát hiện trạng các khu neo đậu, chủ động sửa chữa các hư hỏng, nạo vét luồng lạch và cung cấp thông tin liên quan để tàu thuyền ra vào tránh trú bão thuận lợi, an toàn. Rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn cho người và tài sản tại các khu vực dân cư có nguy cơ rủi ro cao khi xảy ra các tình huống thiên tai như bão, bão mạnh, mưa lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Chú trọng công tác thông tin phòng, chống thiên tai và truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế các hoạt động làm gia tăng rủi ro thiên tai. Điều chỉnh cơ cấu cây trồng, mùa vụ, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm từng vùng, đảm bảo hiệu quả và bền vững.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các Sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Đẩy mạnh công tác phòng, chống thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO