Theo công văn số 2408/SNN&PTNN-CN ngày 24/7/2018 về việc khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất chăn nuôi do bão số 3, mưa lớn gây ra.
Trước thực trạng trên Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các huyện như các phòng, ban chuyên môn trực tiếp về cơ sở cùng với cán bộ của các xã, phường, thị trấn đôn đốc và hướng dẫn người dân kịp thời tiêu hủy gia súc, gia cầm chết, bị lũ cuốn trôi đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật thu gom phân, rác, chất độn chuồng, chất thải khu vực chuồng trại chăn nuôi, vườn nhà; cọ rửa dụng cụ chăn nuôi, nền chuồng. Sau đó tiêu độc khử trùng bằng hóa chất sát trùng chuồng trại, xung quanh chuồng trại, những nơi tiêu hủy gia súc, gia cầm…nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra dịch bệnh cho đàn chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn.
Các vùng bị lũ lụt gây ngập úng, cần tuyên truyền vận động người dân nước rút đến đâu thì làm vệ sinh môi trường đến đó, không để nước tù đọng lâu ngày, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Tổ chức kiểm tra, phân loại đánh giá mức độ thiệt hại các loại vật nuôi và hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi.
Về chuồng trại cho gia súc, gia cầm sau lũ lụt; cần vệ sinh sạch sẽ, che chắn kín gió, tôn nền khô ráo, tăng chất độn chuồng, tránh để gia súc, gia cầm nằm nơi ẩm ướt. Đối với chuồng trại bị ngập nước, hư hỏng phải kịp thời sửa chữa, làm mới chuồng trại.
Sau lũ lụt, nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm khan hiếm do ngập úng lâu ngày rau màu, đồng cỏ hư hỏng nặng, dập nát và ô nhiễm. Việc sử dụng nguồn thức ăn sẵn có như cỏ tự nhiên, chuối, rơm, thức ăn dự trữ cần phải sạch nhằm đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi.
Để bảo vệ sức khỏe và môi trường sau lũ, người dân cần phải thực hiện các biện pháp xử lý nguồn nước ăn uống, đảm bảo an toàn thực phẩm và xử lý đúng về việc chôn lấp xác gia súc, gia cầm.
Sau khi nước lũ rút, các địa phương tổ chức phun hóa chất, sát khuẩn, khử trùng nguồn nước sinh hoạt tại các khu dân cư, đoàn viên thanh niên và người dân tổ chức dọn vệ sinh môi trường.
Tập trung chỉ đạo tiêm phòng, hỗ trợ người chăn nuôi tiêm phòng vắc xin phòng chống dịch bệnh đối với đàn gia súc, gia cầm mới tái đàn sản xuất và các đàn gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng trong đợt 1 năm 2018. Tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Đồng thời các địa phương, đơn vị kịp thời thống kê chính xác số lượng đàn gia súc, gia cầm bị thiệt hại theo đúng quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP, ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Báo cáo tình hình thiệt hại và công tác triển khai khắc phục hậu quả do mưa lớn gây ra về văn phòng trực Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thanh Hóa và Sở Nông nghiệp và PTNN để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo quy định.