Thanh Hóa: Chủ động ứng phó với cơn bão số 2

Thanh Tâm| 02/08/2020 10:06

(TN&MT) - Trước diễn biến của cơn bão số 2, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Công điện khẩn số 17 chỉ đạo ứng phó với cơn bão số 2. Toàn tỉnh Thanh Hóa có 7.234 phương tiện/26.376 lao động nghề cá. Hiện có 7.062 phương tiện, 25.223 lao động vào bến neo đậu an toàn.

Hiện nay là thời kỳ trọng điểm bão, lũ; phạm vi dự kiến ảnh hưởng của bão, mưa lớn rất rộng, thời gian đổ bộ vào thời điểm triều cường. Diễn biến của bão, mưa lũ còn rất phức tạp, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp. Để chủ động ứng phó với diễn biến thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của Nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các Sở, ngành cấp tỉnh; Giám đốc các Công ty Khai thác công trình thủy lợi, Công ty Điện lực Thanh Hóa khẩn trương triển khai thực hiện tốt các công việc sau:

1. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả, tránh tư tưởng chủ quan.

2. Thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra, không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú. Tổ chức kiểm đếm và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão, kể cả tàu vận tải, tàu du lịch; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền tại bến, di chuyển, gia cố đảm bảo an toàn, giảm thiệt hại và không được để người ở lại trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy, hải sản; tổ chức hướng dẫn đảm bảo an toàn cho khách du lịch dọc ven biển, các hoạt động kinh tế trên biển, ven biển. Tổ chức cấm biển từ 19h00 ngày 01/8/2020 đến khi bão suy yếu và tan dần.

3. Kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven sông, suối, bãi sông, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người và tài sản; trong đó cần lưu ý công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại khu vực sơ tán. Riêng khu vực ven biển, cửa sông phải rà soát và chuẩn bị sẵn sàng sơ tán dân theo phương án đã lập khi có lệnh.

4. Triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều theo cấp báo động, đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi. Đặc biệt là đối với các tuyến đê bị sự cố, đang thi công dở dang; các đập, hồ chứa thủy lợi và vùng hạ du đập, các công trình đang thi công xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp, các hồ chứa vừa, nhỏ và hồ chứa xung yếu. Sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.

5. Triển khai các biện pháp bảo vệ công trình, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển, khu vực khai thác khoáng sản, các trang trại. Huy động lực lượng, phương tiện tổ chức chằng chống, gia cố nhà cửa, biển hiệu, chặt tỉa cành cây.

6. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai phương án bảo vệ sản xuất, chống ngập úng đối với các đô thị và sản xuất nông nghiệp; chủ động thực hiện tiêu nước đệm, giải tỏa ách tắc lòng sông và các trục tiêu để đảm bảo tốt việc tiêu úng và thoát lũ, đồng thời phải chủ động vận hành ngay các trạm bơm tiêu, cống tiêu khi có mưa lớn để bảo vệ diện tích lúa và hoa màu. Ngành Điện lực ưu tiên cấp điện cho tất cả các trạm bơm tiêu, cống tiêu; đồng thời rà soát, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống truyền tải điện.

7. Chủ động triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; triển khai các biện pháp không để người dân vớt củi trên sông, suối khi mưa lũ.

8. Kiểm tra cụ thể phương án “4 tại chỗ”, trong đó chú trọng tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm, phương tiện cứu nạn để phòng trường hợp mưa, lũ gây chia cắt dài ngày.

Tàu thuyền được Bộ đội Biên phòng hướng dẫn vào nơi neo đậu an toàn

9. Rà soát phương án, sẵn sàng triển khai ứng phó, cứu hộ, cứu nạn trong tình huống dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đảm bảo thông tin liên lạc, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

10. Các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ động xuống các địa bàn được phân công phụ trách để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác Phòng chống thiên tai.

11. Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Đài Thông tin Duyên hải Thanh Hóa tăng cường thời lượng phát tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới/bão, mưa, lũ để các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó.

12. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo tình hình về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa cũng tích cực phối hợp các địa phương ven biển thông báo, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 2 để người điều khiển phương tiện chủ động phòng tránh, không đi vào vùng nguy hiểm, sớm vào nơi trú ẩn an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Chủ động ứng phó với cơn bão số 2
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO