Theo Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, nguồn tài nguyên cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phân bố chủ yếu trên các dòng sông như: sông Mã, sông Chu, sông Bưởi, sông Yên… Hiện UBND tỉnh Thanh Hóa đã cấp 37 giấy phép khai thác cát theo quy hoạch phê duyệt làm VLXD thông thường cho các doanh nghiệp. Số tiền cấp quyền khai thác thu được khoảng 154,2 tỷ đồng.
Tình trạng khai thác cát trái phép đến nay cơ bản đã được chấn chỉnh. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại như: Trên các tuyến sông vẫn còn tồn tại nhiều thuyền chưa được đăng ký, tiềm ẩn nguy cơ khai thác trái phép lén lút vào những thời gian nhạy càm (ban đêm, đầu sáng...). Một số đơn vị được cấp phép nạo vét lòng sông, hồ có thu hồi cát chưa nghiêm túc thực hiện việc nạo vét theo đúng phương án được duyệt. Nhiều đơn vị chỉ tập trung tận thu cát, không chú trọng đến việc nạo vét bùn, đất thải dẫn đến quá trình triển khai dự án kéo dài, chưa mang lại hiệu quả; chưa thực hiện đăng ký, đăng kiểm phương tiện đường thủy...
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về việc trấn áp nạn khai thác trái phép cát sỏi, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh và UBND các huyện, UBND các xã liên quan tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác, tập kết kinh doanh cát trên địa bàn tỉnh.
Qua kiểm tra có 13/37 mỏ cát và 29/65 bãi tập kết kinh doanh cát của các doanh nghiệp (Số mỏ và bãi tập kết cát còn lại Thanh tra tỉnh đã có Công văn số 217/TTTH-P4 ngày 01/3/2019 đề nghị không tổ chức kiểm tra do đã nằm trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cơ quan khác) trên địa bàn 14 huyện, thành phố. Nhìn chung các đơn vị được kiểm tra đã tổ chức khai thác, tập kết kinh doanh cát đúng vị trí, diện tích được cấp phép. Các phương tiện thuỷ nội địa phục vụ khai thác cát đã được đăng ký (theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải tại Công văn số 2056/SGTVT-QLVT ngày 07/6/2019, tính đến ngày 09/5/2019 trên địa bàn tỉnh đã có 132 phương tiện thuỷ nội địa được đăng ký, phân bố hầu hết trên địa bàn các huyện dọc theo sông Mã, sông Chu). Đặc biệt, lực lượng Công an tỉnh Thanh Hóa đã thường xuyên kiểm tra, mật phục bắt giữ được hàng chục tàu thuyền bơm hút cát trái phép, xử phạt vi phạm hành chính hàng tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Hoành, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Qua việc kiểm tra tình hình của các mỏ và bãi tập kết cát, các ngành Công an, Giao thông vận tải đã phối hợp tốt với Sở. Để chấn chỉnh hoạt động khai thác, tập kết kinh doanh cát trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp, đảm bảo quy định của pháp luật, an toàn lao động, Sở có văn bản chỉ đạo yêu cầu Công ty CP Đầu tư phát triển Lê Hoàng tạm dừng hoạt động khai thác cát đối với mỏ cát số 59 sông Mã, xã Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa của theo Giấy phép số 39/GP-UBND ngày 19/4/2019 của UBND tỉnh; khẩn trương thực hiện việc thả phao đầy đủ các điểm khép góc khu vực mỏ (mốc giới mỏ). Yêu cầu Công ty TNHH Thương mại và Kinh doanh Cảng Thanh Hóa và Công ty cổ phần kinh doanh than Miền Bắc- Vinacomin dừng hoàn toàn hoạt động tập kết do sử dụng đất không đúng mục đích...
Đồng thời Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND tỉnh giao UBND thành phố Thanh Hoá thanh tra việc sử dụng đất tại 02 bãi tập kết vật liệu xây dựng tại xã Hoằng Lý, thành phố Thanh Hóa của Công ty TNHH Thương mại và Kinh doanh Cảng Thanh Hóa, Công ty cổ phần kinh doanh than Miền Bắc - Vinacomin và xử lý theo quy định. Giao UBND cấp huyện, UBND cấp xã liên quan tăng cường công tác kiểm tra giám sát, hoạt động khai thác, tập kết kinh doanh cát của các đơn vị trên địa bàn, hướng dẫn cho các tổ chức cá nhân thực hiện tốt các quy định của pháp luật về khoáng sản. Đồng thời, giao Công an tỉnh chủ trì, xây dựng phương án bắt giữ các tàu, thuyền chưa được đăng ký mà vẫn lưu hành trên sông đưa về nơi tạm giữ theo Thông báo số 20/TB-UBND ngày 02/02/2018 của UBND tỉnh.