Theo phản ánh của người dân sống quanh khu vực núi Vức, hàng ngày có đến hàng trăm lượt xe tải chở đá quá tải chạy qua khu dân cư làm bụi mù mịt, gây ô nhiễm môi trường. Tình trạng ô nhiễm do các doanh nghiệp khai thác, nổ mìn với khối lượng lớn làm bụi trắng xóa, mù mịt cả một vùng, các doanh nghiệp thi nhau nổ mìn làm nhà cửa rung lắc, rạn nứt. Không những khai thác đá mà các cơ sở sản xuất đá xẻ gây ồn ào, nước thải không được xử lý mà xả trực tiếp ra ngoài môi trường, nước thải lẫn bột đá chảy lênh láng khắp nơi gây ô nhiễm môi trường.
Bà Nguyễn Thị H, ở thôn Nam Hưng, xã Đông Hưng cho biết: Nhà chúng tôi luôn phải sống trong tình trạng ô nhiễm, suốt cả ngày đóng cửa kín mít nhưng bụi vẫn phủ một lớp trắng trên đồ đạc trong nhà. Xe chở đá thì chạy rầm rầm suốt cả ngày lẫn đêm, đường xá mấy hôm nay trời mưa lầy lội, xuống cấp, trời nắng thì rất bụi. Nhiều xe chở những tảng đá to không được ràng buộc rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Chúng tôi chỉ mong nhà nước có biện pháp gì đối với các doanh nghiệp để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm ở Cụm công nghiệp núi Vức.
Cụm công nghiệp núi Vức thuộc địa bàn xã Đông Quang, Đông Hưng và Đông Vinh – TP.Thanh Hóa, riêng địa bàn xã Đông Hưng có 3 doanh nghiệp khai thác đá và 27 doanh nghiệp, cơ sở chế biến đá xẻ.
Trong năm qua, có nhiều doanh nghiệp mở rộng đầu tư và có chiều hướng phát triển mạnh về các mặt hàng sản xuất đá ốp lát như Công ty Mạnh Trang, DN Thanh Thanh Tùng, DN Thuận Thanh…và nhiều các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phát triển kinh tế nhưng chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường nên tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra. Chính quyền địa phương đã kiểm tra nhưng chưa giám sát chặt chẽ và xử lý vi phạm về môi trường.
Theo quan sát của PV, hầu hết các cơ sở chế biến đá đều không có hệ thống xử lý nước thải. Phía sau xưởng sản xuất chỉ đào hố thủ công, mùa mưa nước thải chảy lênh láng, nắng ráo thì lớp bột này khô và bay lên bụi mù, phát tán ra khu dân cư gây ô nhiễm.
Năm 2005, UBND huyện Đông Sơn đã phê duyệt quy hoạch Cụm công nghiệp núi Vức (nay thuộc TP.Thanh Hóa). Thời điểm đó, với chính sách vận động, kêu gọi các doanh nghiệp vào Cụm công nghiệp núi Vức hoạt động, có những doanh nghiệp lớn vào đầu tư, tuy nhiên cũng không ít doanh nghiệp tự phát mọc ngoài quy hoạch, nằm lẫn cả trong khu dân cư.
Việc quy hoạch Cụm công nghiệp núi Vức đến nay gần như bị phá vỡ, nhiều doanh nghiệp mọc lên tự phát, thậm chí có những cơ sở hoạt động nhiều năm nhưng chưa được thuê đất. Vì vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường tại Cụm công nghiệp núi Vức vẫn tiếp tục gia tăng.
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Nguyễn Bá Bình, Chủ tịch UBND xã Đông Hưng, TP. Thanh Hóa cho biết: Hiện nay, Cụm công nghiệp núi Vức đang bị phá vỡ quy hoạch và nhiều cơ sở sản xuất chưa được thuê đất. Vì vậy UBND xã Đông Hưng đã lập tờ trình gửi UBND thành phố về việc điều chỉnh lại quy hoạch. Còn vấn đề ô nhiễm môi trường mà cử chi kiến nghị, xã đã kiểm tra và nhắc nhở các doanh nghiệp.
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường ở Cụm công nghiệp núi Vức, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần có biện pháp giảm thiểu ô nhiễm để người dân nơi đây yên tâm ổn định cuộc sống.