Đua nhau tăng lãi suất
Mới đây, một số ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi (CDs) với mức lãi suất khá cao. Ngân hàng BIDV phát hành CDs ghi danh với mức lãi suất cao nhất 7,6%/năm. ngân hàng SHB phát hành CDs với khách hàng cá nhân mua chứng chỉ dưới 2 tỷ đồng, lãi suất các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng được hưởng lần lượt 8,6; 8,7 và 8,8%/năm; còn với mệnh giá từ 2 tỷ đồng trở lên, lãi suất các kỳ hạn trên lần lượt là 8,7; 8,8 và 8,9%/năm. VietA Bank vừa phát hành CDs ghi danh với kỳ hạn 24 tháng, lãi suất cuối kỳ lên tới 9,1%/năm; lãi suất hàng tháng là 8,38%/năm.
Ngân hàng Việt Á tại thời điểm này mức lãi suất cho vay bằng lãi suất của CDs cộng với biên độ 2,5%, tức lên đến 10,7%/năm. LienVietPost Bank, thậm chí, áp mức lãi suất cao hơn, bằng 1,5 lần lãi suất của chứng chỉ tiền gửi, tức lên tới 13,2%/năm. Như vậy, so mức lãi suất trung bình hiện nay, lãi suất của chứng chỉ tiền gửi cao hơn khoảng 30%.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc các ngân hàng đẩy mạnh phát hành CDs các kỳ hạn dài tại thời điểm này có nguyên nhân trực tiếp từ quy định tại Thông tư 06. Theo đó, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ 60% xuống còn 50% kể từ năm 2017 và xuống 40% vào năm 2018.
Theo thống kê, tỷ lệ về nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của toàn hệ thống đã tăng từ mức 31% lên gần 35% trong năm 2016, trong đó, trung bình của nhóm ngân hàng TMCP là 40%. Dù tỷ lệ này vẫn chưa lên mức 50% nhưng chỉ cần tín dụng tăng tốc, tỷ lệ này sẽ nhanh chóng tăng lên. Khi đó, những ngân hàng nào không có sự chuẩn bị chu đáo về nguồn vốn huy động trung và dài hạn sẽ không theo được trong mục tiêu phát triển tín dụng. Do đó, phát hành chứng chỉ tiền gửi hiện được coi là cách nhanh và hiệu quả nhất để tăng tỷ lệ vốn trung và dài hạn trong tổng nguồn vốn huy động.
Doanh nghiệp và người dân cần thận trọng
Với việc phát hành các CDs với lãi suất cao đột biến như thời gian vừa qua, chi phí vốn trung và dài hạn của các ngân hàng phát hành sẽ có sự nhích lên, qua đó, có thể tác động đến mặt bằng lãi suất cho vay. Nếu lãi suất tăng cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, làm cho sức cạnh tranh trong sản xuất hàng hóa của Việt Nam giảm. Đặc biệt, với mức lãi suất cao như hiện nay sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường BĐS. Các doanh nghiệp BĐS không chỉ khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng mà những người dân có nhu cầu vay vốn mua, xây sửa nhà cũng chịu nhiều áp lực.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính đã nhận định, đối với doanh nghiệp BĐS, khi lãi suất tăng cao họ phải trả chi phí vốn rất lớn cho các ngân hàng. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp. Đối với người dân, lãi suất tăng sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ. Vì cứ vay những món 1 tỷ trở lên mà lãi suất tăng 1% trên cơ sở một năm thì đây là con số không nhỏ. Ngoài ra, khi lãi suất tăng, khả năng có thể tiếp cận được vốn của các ngân hàng để vay mua BĐS sẽ ảnh hưởng.
Ông Hiếu cho rằng, lãi suất tăng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc bán hàng của các chủ đầu tư. Ông Hiếu phân tích, nếu như lãi suất tăng, khả năng mua nhà của người dân cũng sẽ bị ảnh hưởng, từ đó, ảnh hưởng đến thị trường BĐS, sức cầu sẽ giảm trong năm nay. Vì vậy, các nhà kinh doanh BĐS nên cẩn thận trong năm nay. Phải làm sao để điều chỉnh mức cung cho phù hợp với nguồn cầu. Nếu tung ra quá nhiều sản phẩm BĐS, dồn dập đầu tư vào BĐS, sẽ có rủi ro rất lớn về hàng tồn kho.
Về phía người dân, ông Hiếu cảnh báo đi vay trong năm nay cũng nên cẩn thận vì lãi suất tăng sẽ làm giảm khả năng trả nợ. Khi mua nhà, sửa nhà và kể cả kinh doanh BĐS người dân và doanh nghiệp nên rất cẩn thận để tính toán bài toán trả nợ thật kỹ càng.
Dự báo về lãi suất cho vay mua nhà diễn biến từ giờ đến cuối năm 2019, ông Hiếu cho rằng lãi suất có thể hạ xuống trong thời gian tới do mức độ tăng CDs được đánh giá sẽ không lớn do số vốn huy động từ các đợt phát hành chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Với các món vay ngắn hạn cho đến 12 tháng lãi suất cho vay có thể tăng khoảng 1%, nhưng những món cho vay dài hạn như BĐS, có thể sẽ tăng từ 2 - 3%.