Tin tức

Tham vấn hỗ trợ kỹ thuật xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

Minh Hạnh 24/05/2024 - 17:21

Ngày 24/5/2024, được sự đồng ý của Văn phòng Dịch vụ Dự án thuộc Liên Hợp Quốc (UNOPS), Quỹ Đối tác chuyển đổi năng lượng Đông Nam Á (ETP) và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST), các đơn vị liên danh đã tổ chức buổi họp tham vấn đầu tiên trong khuôn khổ hoạt động hỗ trợ kỹ thuật nhằm xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về điện gió ngoài khơi không chỉ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp này, đồng thời cũng là bước đi quan trọng giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Tiến sĩ Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, cho biết: Chuỗi sự kiện xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về điện gió ngoài khơi tại Việt Nam có sự phối hợp giữa Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng với Quỹ Đối tác chuyển đổi năng lượng Đông Nam Á (ETP) và đơn vị quản lý dự án là Văn phòng Dịch vụ dự án Liên Hợp Quốc (UNOPS).

tham-van-dien-gio-ngoai-khoi1.jpg
Tiến sĩ Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, phát biểu khai mạc cuộc họp.

ETP và UNOPS là 2 đơn vị tài trợ và đang hỗ trợ các chính phủ nhằm thúc đẩy quá trình chuyên đổi năng lượng ở Đông Nam Á, cũng như thực hiện các mục tiêu của thoả thuận Paris về biến đôi khí hậu.

Trong đó, chiến lược của ETP dựa trên bốn trụ cột hướng tới giải quyết các rào cản đối với quá trình chuyển đổi năng lượng, bao gồm: Liên kết chính sách với các cam kết khí hậu; giảm thiểu rủi ro về hiệu quả năng lượng và đầu tư năng lượng tái tạo; mở rộng thông minh; mở rộng kiến thức và nâng cao nhận thức.

Trong bối cảnh của Việt Nam, Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi, với đường bờ biển dài hơn 3000 km. Việc phát triển điện gió ngoài khơi sẽ đóng vai trò quan trọng, giúp đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng một cách bền vững trên cả nước.

tham-van-dien-gio-ngoai-khoi2.jpg
Bà Phùng Thị Thu Hằng, Cán bộ Quản lý và điều phối dự án Điện gió ngoài khơi (OWP), giới thiệu về chương trình hợp tác hỗ trợ kỹ thuật

Chính phủ Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của điện gió ngoài khơi là một trong những trọng tâm kinh tế của quốc gia tại Nghị quyết số 36/NQ-TW, 2018 và số 26/NQ-CP, 2020.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc triển khai các dự án điện gió trên bờ và gần bờ. Dù vậy, đến nay vẫn chưa có dự án ngoài khơi nào đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, Việt Nam đã thông qua mục tiêu đầy tham vọng là đạt 6 GW vào năm 2030 trong Quy hoạch phát triển điện VIII (PDP 8). Để thực hiện mục tiêu này, điều quan trọng cần làm là xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia dành riêng cho điện gió ngoài khơi, qua đó tháo gỡ những rào cản đối với việc phát triển điện gió ngoài khơi.

Theo đó, buổi họp tham vấn đầu tiên trong hoạt động hỗ trợ kỹ thuật “Xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về điện gió ngoài khơi tại Việt Nam” được tổ chức để tăng cường trao đổi và hợp tác giữa các bên liên quan để đưa ra các giải pháp hướng tới mục tiêu tổng thể của hoạt động hỗ trợ kỹ thuật là xây dựng một bộ đầy đủ các tiêu chuẩn điện gió ngoài khơi theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam và thông tư 11/2021/TT-BKHCN của Bộ KH&CN.

Việc ban hành các Tiêu chuẩn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triên điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch Phát triển điện 8 (PDP VIII) và góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050 của Việt Nam. Theo ông Hà Minh Hiệp, chương trình hợp tác này hướng tới xây dựng các tiêu chuẩn dựa trên tiêu chuẩn theo ISO và IEC về điện.

Giới thiệu cụ thể hơn về chương trình hợp tác hỗ trợ kỹ thuật, bà Phùng Thị Thu Hằng, Cán bộ Quản lý và điều phối dự án Điện gió ngoài khơi (OWP), cho biết chương trình đang nghiên cứu 20 tiêu chuẩn, chia thành 3 nhóm: Tiêu chuẩn thiết kế (5 tiêu chuẩn); Kiểm tra, thử nghiệm và vận hành (8 tiêu chuẩn); Kiểm soắt giám sát và thu thập dữ liệu (7 tiêu chuẩn). Chương trình dự kiến kéo dài trong 15 tháng, từ 31/1/2024 đến tháng 5/2025.

tham-van-dien-gio-ngoai-khoi4.jpg
Các đại biểu tham gia phiên hỏi đáp liên quan tới việc xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về điện gió ngoài khơi.

Trong khuôn khổ cuộc họp, các diễn giả cũng đã trình bài tham luận về tổng quan dự án xây dựng và phát triển bộ tiêu chuẩn về điện gió ngoài khơi tại Việt Nam; tổng quan các yêu cầu, tiêu chuẩn dáp dụng hiện hành với điện gió ngoài khơi tại Việt Nam và quốc tế; quy trình và phương pháp xây dựng tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam.

Đồng thời, các đại biểu cũng tham gia phiên hỏi đáp liên quan tới việc xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về điện gió ngoài khơi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tham vấn hỗ trợ kỹ thuật xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về điện gió ngoài khơi tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO