Trong nước

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Sửa Luật Điện lực để đẩy mạnh thu hút đầu tư, đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước

Thanh Tùng - Khương Trung 07/11/2024 - 21:35

Chiều 11/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

202411071433241573_z6008511604580_4a99db0fa1bd0355edea3144636d0a6a.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Hơn 5 năm phải tăng gấp đôi công suất nguồn điện

Giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cảm ơn các vị ĐBQH đã tham gia góp ý rất thẳng thắn, trách nhiệm và tâm huyết đối với dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Sau phiên thảo luận ở tổ ngày 26/10, cơ quan soạn thảo đã nhận được 104 lượt ý kiến góp ý. Được sự thống nhất đồng hành của cơ quan chủ trì thẩm tra, Bộ Công Thương đã có báo cáo tiếp thu, giải trình gửi đến các vị ĐBQH và kèm theo đó là dự thảo luật mới bao gồm 10 chương, 93 điều, giảm hơn so với dự thảo ban đầu là 37 điều.

Tại hội trường hôm nay có 25 đại biểu phát biểu ý kiến và 118 loại ý kiến khác nhau tham gia vào dự thảo luật. Trước hết, về sự cần thiết phải sửa đổi và tên gọi của luật, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Luật Điện lực đã ban hành 20 năm và đã sửa đổi 4 lần. Tuy nhiên, cả 4 lần đều sửa đổi, bổ sung một số điều, nên chỉ giải quyết được một số vấn đề thực tiễn đặt ra. Hiện nay, đòi hỏi phải xem xét để sửa đổi một cách toàn diện bởi Việt Nam đã hội nhập với thế giới nên phải có trách nhiệm luật hóa luật của mình sao cho phù hợp và tương thích với những điều ước quốc tế, tương thích với luật trong lĩnh vực năng lượng nói chung, đặc biệt là điện giữa Việt Nam với thế giới.

202411071649373116_z6009057323553_f8f2503b636756f2819f25856d0aa5a6.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu trước Quốc hội

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, hiện nay theo xu thế chung và cam kết của Việt Nam là đạt trung hòa carbon vào năm 2050 nên năng lượng tái tạo và những nguồn năng lượng mới phải được phát triển rất mạnh. Trong khi đó, năng lượng tái tạo chưa có quy định cụ thể trong luật hiện hành, điều đó là “rất gay”. Hay vấn đề năng lượng mới, trong đó có hydrogen, amoniac xanh, thậm chí là điện hạt nhân. “Bằng chứng là chúng ta đã công bố quy hoạch điện VIII từ gần 1,5 năm nay, nhưng đến giờ này, các đại biểu ở đây đều là lãnh đạo, trực tiếp giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước ở các địa phương thì thấy không có một nhà đầu tư mới nào đề xuất dự án, chỉ bởi lẽ là không có những quy định cụ thể, rõ ràng về cơ chế, chính sách”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, chỉ còn 5,5 năm nữa chúng ta phải tăng gấp 2 lần tổng công suất các nguồn điện, lên tới 150.524 mw. Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi một năm từ nay đến năm 2030 chúng ta cần khoảng 14 đến 16 tỷ USD, tương đương mức khoảng 320.000 đến 350.000 tỷ đồng để thực hiện mực tiêu trên. Nếu không kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi thì không thể thu hút được nhà đầu tư, không thể đáp ứng được nhu cầu năng lượng cho đất nước.

Về tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của các quy định trong dự thảo luật, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, tiếp thu ý kiến các ĐBQH, trong dự thảo mới nhất cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiên cứu, thiết kế dự thảo Luật theo hướng chỉ đưa vào những điều khoản quy định thuộc thẩm quyền của Quốc hội; những nội dung chi tiết sẽ giao cho Chính phủ quy định để bảo đảm tính khả thi, linh hoạt trong triển khai dự án luật. Định kỳ có giám sát, xem xét, quyết định của Quốc hội. Sau khi tiếp thu ý kiến, bây giờ chỉ còn 10/93 điều, so với dự án luật cũ tăng 23 điều, chủ yếu là những nội dung mới, so với dự thảo ban đầu của Luật Điện lực (sửa đổi) thì giảm 37 điều.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, trong hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội, Bộ Công thương đã có Báo cáo số 242 về rà soát văn bản quy phạm pháp luật và Báo cáo 243 về đánh giá tác động chính sách. Theo đó, đã đối chiếu kỹ lưỡng các quy định của dự thảo luật với các luật chuyên ngành có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, không chồng chéo, trùng lắp về nội dung. Đồng thời, đã rà soát, đối chiếu dự án luật với các điều ước quốc tế để tránh thiếu sót hoặc chưa bảo đảm tính tương thích. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu để tiếp thu, hoàn chỉnh những nội dung chi tiết mà các đại biểu đã phát biểu hôm nay.

888(1).jpg
Các đại biểu tham dự phiên họp

Về 6 nhóm chính sách cụ thể trong dự thảo luật, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định đã quy định rõ hơn về thẩm quyền quyết định và những cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới và một số nguồn điện nền như điện khí, điện hạt nhân, kể cả điện hydro xanh. Các đại biểu có nói tiềm năng năng lượng tái tạo rất lớn nhưng nếu không có cơ chế, chính sách thì chúng ta không thể mở đến mức tối đa khả năng có thể cho các địa phương. Nhu cầu của các địa phương là rất lớn, quy hoạch điện VIII không mở được vì luật của chúng ta vẫn bó, bây giờ nếu cho phép nâng điện nền một số nguồn linh hoạt, cho phép phát triển mạnh hệ thống lưu trữ thì sẽ khai thác được tiềm năng năng lượng tái tạo ở các địa phương, nhất là điện mặt trời và điện gió trên bờ.

Phát triển thị trường điện cạnh tranh

Đối với các nội dung mới được quy định trong Luật Điện lực được nhiều đại biểu quan tâm như điện gió ngoài khơi, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay công nghệ chế tạo thiết bị xây dựng, lắp đặt đã được triển khai và thương mại hóa thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, sự phức tạp và rủi ro về công nghệ đã được kiểm nghiệm và minh chứng an toàn trong thực tiễn. Nghị quyết 55 và Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị cũng đã đặt ra nhiệm vụ, giải pháp là phải thể chế hóa các nội dung để phát triển điện gió ngoài khơi. Đương nhiên, phát triển điện gió ngoài khơi trong giai đoạn đầu, chúng ta phải giới hạn các tập đoàn nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước hoặc nếu như có doanh nghiệp nước ngoài thì phải có quy định rất cụ thể là không cho phép chuyển nhượng, kể cả trong quá trình vận hành, bởi vì nó gắn với an ninh quốc gia.

8(2).jpg
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giải trình làm rõ nội dung đại biểu nêu

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về những cơ chế, chính sách chủ đạo để xây dựng, phát triển thị trường điện cạnh tranh ở cả 3 cấp độ, theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, nhất là vấn đề sản xuất, kinh doanh điện. Bộ trưởng cho biết, đến giờ này đã phát điện cạnh tranh, bây giờ có 52% các nhà đầu tư ngoài nhà nước thì rõ ràng là cạnh tranh. Bán buôn thì chúng ta vừa mới ban hành chính sách mua, bán điện trực tiếp và chúng ta cũng đã quy định không chỉ 5 đơn vị được mua buôn điện; về bán lẻ chúng ta đang sửa các quy định về giá, giá 2 thành phần, khung giá theo giờ, v.v...

Về giá điện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay có khung giá quy định theo Luật Giá và Luật Điện lực. Trong khung đó, Chính phủ sẽ quy định cụ thể làm như thế nào để ra được khung giá, dựa vào khung giá các bên đàm phán với nhau chứ không phải bên này bắt chẹt bên kia. Tại sao yêu cầu trong thời hạn 12 tháng mọi đàm phán phải xong, vì nếu không xong thì lại kiếm cớ để kéo dài, nếu kéo dài chúng ta sẽ thiếu điện. Cho nên, quy định rất rõ khung giá đã có, không thể nói không thị trường, không cạnh tranh, phải đàm phán, không đàm phán thì thu hồi, dừng dự án. 6 nhóm chính sách cụ thể hóa này nếu được thông qua sẽ cơ bản giải quyết được những vấn đề thực tiễn hiện nay.

Về đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua dự án luật tại một kỳ họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, quy hoạch Điện VIII xác định đến năm 2030 chúng ta phải tăng gấp đôi công suất. Đến năm 2050, tức là 26 năm nữa phải tăng gấp 5 lần công suất hiện nay. Nếu từ bây giờ không có luật và không có những cơ chế, chính sách cụ thể thì không thể thu hút được đầu tư. "Không có đầu tư sẽ không có điện, không có điện thì không có gì hết. Điện phải đi trước một bước”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau phiên thảo luận hôm nay, cơ quan soạn thảo sẽ cùng với cơ quan thẩm tra nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa và xác đáng ý kiến các đại biểu để hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp này.

1(2).jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên thảo luận

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, qua thảo luận, các ĐBQH nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực để khắc phục những bất cập luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có tính chất cấp bách để phát triển điện lực bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng, cung cấp đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng, nhu cầu điện của quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đa dạng hóa các hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh, xóa bỏ mọi rào cản để đảm bảo giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định. Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại Tổ và các ý kiến gửi bằng văn bản ngay sau Kỳ họp để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án Luật, đảm bảo chất lượng cao nhất trình Quốc hội xem xét, quy định thông qua tại kỳ họp này hoặc kỳ họp tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Sửa Luật Điện lực để đẩy mạnh thu hút đầu tư, đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO