Tài nguyên nước

Tham vấn chính sách về giá dịch vụ thuỷ lợi

Nguyễn Thuỷ 24/01/2024 - 15:40

(TN&MT) - Ngày 24/1, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo tham vấn chính sách về giá dịch vụ thuỷ lợi. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp và Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận chủ trì Hội thảo.

z5101723303935_66602d858f08385b5305e7a66c1f940c.jpg
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp và Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận chủ trì Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, ngày 19/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Giá số 16/2023/QH15 và có hiệu lực thi hành từ 01/7/2024. Luật này bổ sung thẩm quyền định giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và một số nội dung khác liên quan đến nguyên tắc, căn cứ, thẩm quyền định giá. Do đó, để đảm bảo tính đồng bộ với hệ thống pháp luật về giá mới theo Luật Giá 2023, đáp ứng các yêu cầu từ thực tiễn, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 96/2018/NĐ-CP là cấp bách.
Chính sách này hướng tới rõ ràng và đơn giản trong phương pháp xác định giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi, đồng thời đảm bảo tính đúng đủ của chi phí trong quản lý vận hành. Cơ chế hỗ trợ tiền sử dụng nước cũng cần được đơn giản hóa, đảm bảo đúng đối tượng và khuyến khích nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, nông nghiệp Việt Nam có được thành quả như hôm nay thì đóng góp của hạ tầng nông nghiệp là rất quan trọng. Đầu vào quan trọng của nông nghiệp là "đất" và "nước". Nếu sử dụng hiệu quả tài nguyên nước thì chắc chắn nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển tốt hơn. Vì vậy việc tính đúng, tính đủ giá thủy lợi rất quan trọng.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan triển khai xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 96/2018/NĐ-CP. Theo đó, nội dung dự thảo Nghị định quy định cách xác định từng khoản mục chi phí trong giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi để các đơn vị xây dựng và thẩm định giá có thể thực hiện; Quy định cụ thể về việc quy đổi sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi (nếu áp dụng) để xác định giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trong trường hợp đặt hàng; Quy định cụ thể các trường hợp sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi không thuộc đối tượng hỗ trợ; Quy định cụ thể các trường hợp đấu thầu, giao nhiệm vụ, hợp tác công tư; Trình tự ban hành giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi; Cách xác định giá sản phẩm thủy lợi trong trường hợp tương tự (nếu áp dụng); Cơ chế cấp bù kèm theo lộ trình hướng đến việc thu đủ bù chi trong vòng 15 năm tới.

z5101723476217_d013ed12ca5b47a28eea33dc5c030e58.jpg
Quang cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận về phương pháp tính giá, lộ trình tính đúng, tính đủ giá thuỷ lợi trong điều kiện của Việt Nam; phạm vi, đối tượng, mức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi, quy trình thanh quyết toán tiền hỗ trợ trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 96/2018/NĐ-CP. Nhiều đại biểu địa phương kiến nghị sớm tính đúng, tính đủ giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi để có kinh phí dành cho bảo trì, sửa chữa lớn rất nhiều công trình thủy lợi xây dựng từ hàng chục năm trước.

Từ kết quả nghiên cứu, thí điểm của các chuyên gia Úc cũng cho thấy cách tiếp cận, nội dung dự thảo Nghị định mang tính ứng dụng cao và hoàn toàn có thể thực hiện ở Việt Nam. Hội thảo cũng đã nghe chuyên gia Úc trao đổi kinh nghiệm tính giá dịch vụ thuỷ lợi ở nước Úc để làm rõ hơn những vấn đề còn ý kiến khác nhau đối với dự thảo Nghị định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tham vấn chính sách về giá dịch vụ thuỷ lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO