Tài nguyên nước

Giá dịch vụ thủy lợi: Giá nào là phù hợp?

Việt Khang 29/02/2024 - 09:22

(TN&MT) - Chủ trương của Chính phủ là chuyển từ cơ chế thủy lợi phí sang cơ chế giá cho hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi có thể xem là bước đột phá, coi sản phẩm dịch vụ thủy lợi là hàng hóa kinh tế và phải quản lý theo cơ chế giá. Tuy nhiên, sau gần 6 năm thực hiện chuyển đổi từ cơ chế thủy lợi phí sang cơ chế giá theo Nghị định 96/2018/NĐ-CP, nhiều bất cập phát sinh đòi hỏi việc sửa đổi Nghị định này càng trở nên cấp thiết, nhất là khi Luật giá năm 2023 bắt đầu có hiệu lực từ 1/7/2024…

“Gọt chân cho vừa giày…”

Tại Hội thảo tham vấn chính sách về giá dịch vụ thủy lợi do Bộ Tài chính phối hợp với Bộ NN&PTNT, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Luật Thủy lợi 2017 có hiệu lực từ 1/7/2018, trong đó kỳ vọng chuyển đổi cơ chế từ thủy lợi phí sang cơ chế giá sản phẩm dịch vụ thuỷ lợi, từ đó tạo đột phá cho ngành Thủy lợi. Nội dung này đã được cụ thể hóa trong Nghị định 96/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi (Nghị định 96).

2_1-1598293192520.jpg
Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ thủy lợi góp phần nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước

Tuy nhiên, theo các chuyên gia đánh giá, sau gần 6 năm triển khai Nghị định 96 đã nảy sinh một số bất cập, chưa phù hợp với thực tế. Cụ thể là, mức hỗ trợ thủy lợi phí giữ nguyên không thay đổi kể từ năm 2012, trong khi chi phí đầu vào đã có nhiều biến động, đặc biệt chỉ số giá tăng từ 1,5 - 1,7 lần, gây khó khăn rất lớn cho ngành. Nguồn thu của các công ty thủy nông rất thấp, chi phí tối thiểu cho lương, bảo trì, sửa chữa hàng năm không bảo đảm, đời sống của cán bộ, nhân viên khó khăn.

Cùng với đó, các tổ chức khai thác công trình thủy lợi và các cơ quan liên quan còn lúng túng, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi áp dụng các quy định tại Nghị định 96 để xây dựng phương án giá tối đa, giá cụ thể, khung giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Vì vậy, giá dịch vụ thủy lợi chưa phản ánh cụ thể, đúng, đủ các thành phần chi phí, hiện tượng “gọt chân cho vừa giày” - tức giá dịch vụ thủy lợi được xác định theo ngân sách được cấp khá phổ biến.

Ngoài ra, một số nội dung quy định tại Nghị định 96 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan chưa được hiểu thống nhất, một số quy định liên quan đến kỹ thuật chưa rõ ràng, một số khoản chi phí chưa được hướng dẫn cụ thể gây khó khăn trong quá trình xây dựng hồ sơ phương án giá. Có đơn vị còn nhầm lẫn về quy định các khoản chi phí tính trong giá sản phẩm, dịch vụ thuỷ lợi và quy định về quản lý, sử dụng nguồn quản lý tài chính trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi để bù đắp các khoản chi phí quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Hiệu quả thực hiện giá sản phẩm dịch vụ thuỷ lợi chưa đạt được, chi phí thực tế chưa được bù đắp đầy đủ.

Đặc biệt, quy trình và thủ tục ban hành giá dịch vụ thủy lợi cũng như chính sách hỗ trợ vẫn còn phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt pháp lý cho các cơ quan thực hiện. Việc hỗ trợ trực tiếp cho các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi làm cho người sử dụng nước có nhận thức “nước là miễn phí”, nước đang bị lãng phí, giá trị sản xuất nông nghiệp mang lại trên một đơn vị sử dụng nước còn rất thấp so với trung bình của thế giới. Các đơn vị cung cấp dịch vụ ít có động lực để nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như hiệu quả kinh doanh. Chính sách cũng chưa khuyến khích các thành phần kinh tế khác tham gia vào quản lý khai thác công trình thủy lợi.

Hiện mỗi năm, Nhà nước cấp bù thủy lợi phí khoảng 6.500 tỷ đồng do chưa thu phí người sử dụng nước (miễn thủy lợi phí). Trong khi đó, nhiều địa phương chưa ban hành phương án giá, gây khó khăn cho các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi…

Các yếu tố này đang góp phần ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác và sự bền vững của công trình thủy lợi và tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Mục tiêu cốt lõi của chính sách giá dịch vụ thuỷ lợi chưa được thực hiện.

Nâng cao tính khả thi của chính sách giá dịch vụ thủy lợi

Theo đại diện Bộ NN&PTNT, năm 2020, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT và các địa phương sửa đổi Nghị định 96. Mặc dù, Bộ NN&PTNT đã rất tích cực cùng với các đơn vị của Bộ Tài chính và Bộ Tài chính đã rất chủ động trình dự thảo Nghị định thay thế, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, Nghị định vẫn chưa được ban hành.

Cùng với Luật Giá 2023 có hiệu lực thi thành từ 1/7/2024, trong đó có bổ sung thẩm quyền định giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và một số nội dung khác liên quan đến nguyên tắc, căn cứ, thẩm quyền định giá, theo các chuyên gia, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 96 là cấp bách để phù hợp với thực tiễn và bảo đảm tính khả thi, hiệu quả khi áp dụng cũng như đảm bảo nguồn lực đầu tư công trình, an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập và duy trì tính bền vững của ngành thủy lợi, tăng tính cạnh tranh cho ngành nông nghiệp, đồng thời thực hiện đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo đó, Nghị định thay thế Nghị định 96 cần phản ánh cụ thể, đúng, đủ các thành phần chi phí với các quy định, hướng dẫn như: Cách xác định từng khoản mục chi phí trong giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi để các đơn vị xây dựng và thẩm định giá có thể thực hiện; quy định cụ thể về việc quy đổi sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi (nếu áp dụng) để xác định giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trong trường hợp đặt hàng; quy định cụ thể các trường hợp sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi không thuộc đối tượng hỗ trợ; quy định cụ thể các trường hợp đấu thầu, giao nhiệm vụ, hợp tác công tư; trình tự ban hành giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi; cách xác định giá sản phẩm thủy lợi trong trường hợp tương tự (nếu áp dụng); cơ chế cấp bù kèm theo lộ trình hướng đến việc thu đủ bù chi trong vòng 15 năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá dịch vụ thủy lợi: Giá nào là phù hợp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO