Thăm quan các mô hình điểm về BVMT trong xây dựng nông thôn mới tại Hưng Yên

Tống Minh - Tuyết Chính - Trần Văn| 10/12/2019 15:26

(TN&MT) - Ngày 12/10, Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị toàn quốc “Đánh giá tình hình triển khai thực hiện Tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 và định hướng cho giai đoạn sau năm 2020”. Trong khuôn khổ chương trình, sáng 12/10, các đại biểu đã thăm quan các mô hình điểm về bảo vệ môi trường tại tỉnh Hưng Yên.

Các đại biểu thăm quan Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt của Công ty Sa Mạc Xanh

Các đại biểu tham dự là đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các Bộ: TN&MT; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Xây dựng; Công thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế; Công an; Quốc phòng. Đại diện các trường đại học, cơ quan nghiên cứu, đại diện các địa phương cùng tham dự.

Đoàn đã thăm quan 4 địa điểm: Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt của Công ty Sa Mạc Xanh; mô hình xử lý nước thải sinh hoạt của thành phố Hưng Yên; Cụm dân cư tiêu biểu xanh – sạch – đẹp ở làng Cao Thôn, xã Bảo Khê, TP. Hưng Yên và mô hinh tuyến đê kiểu mẫu.

Tại Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt của Công ty Sa Mạc Xanh, giới thiệu đến các đại biểu về quy trình xử lý rác, ông Nguyễn Thành Nam - Giám đốc phụ trách kỹ thuật Nhà máy cho biết, ưu điểm của công nghệ xử lý rác tại nhà máy Sa Mạc Xanh là từ rác thải chưa được phân loại tại nguồn, sau khi chuyển về nhà máy, qua hệ thống phân loại và quy trình công nghệ “chuyển hóa chất thải thành năng lượng”, tất cả các vật chất mang năng lượng trong rác thải sinh hoạt được chuyển từ thể rắn sang thể khí và tận dụng nhiệt để có thể phát điện.

Các đại biểu thăm quan Nhà máy xử lý rác thải

Không những vậy, các sản phẩm phụ của nhà máy chính là các nước hữu cơ mô mềm trong quá trình ép rác của các công đoạn cộng với than carbon từ quá trình khí hóa sẽ được phối trộn tạo ra sản phẩm hữu cơ phục vụ lại cho người dân. Nhờ đó, lượng nước thải ra môi trường gần như không có.

“Sản phẩm từ quy trình xử lý rác thải sinh hoạt đều đạt tiêu chuẩn phân bón; các yếu tố kim loại nặng (chì, thủy ngân...); các khuẩn đều được triệt tiêu hoàn toàn trong sản phẩm đầu ra. Với những sản phẩm đầu ra đạt tiêu chuẩn của phân bón hữu cơ đã được đem đi kiểm định; chúng tôi đang làm việc với một số Viện hướng dẫn về quy trình sản phẩm đầu ra”, ông Nam nói.

Sau khi trải nghiệm quy trình xử lý rác tại Nhà máy Sa Mạc Canh, đoàn công tác tiếp tục thăm quan Dự án mạng lưới và hệ thống xử lý nước thải Hưng Yên.

Các đại biểu thăm quan Dự án mạng lưới và hệ thống xử lý nước thải Hưng Yên

Được triển khai từ ngày 12/5/2017, dự án sẽ góp phần cải thiện hệ thống thoát nước thải tại TP Hưng Yên, nâng cao độ bao phủ của mạng lưới đường ống, giảm ngập úng và xử lý nước thải trong thành phố đáp ứng các tiêu chuẩn của Việt Nam liên quan đến nước xả thải.

Trong đó, hệ thống mạng lưới đường ống cống để thu, tách nước thải, nước mưa trong khu dân cư và trung chuyển nước thải về trạm xử lý nước thải. Trạm này được xây dựng tại Thôn Cao, xã Bảo Khê và vận hành trên dây chuyền công nghệ hệ thống hồ và xử lý bùn ổn định kị khí riêng biệt với công suất xử lý 6.300m3/ngày đêm. Nước thải sau khi xử lý sẽ được thải ra thẳng hồ Điện Biên.

Theo đại diện nhà thầu - Công ty TNHH Xây dựng Hanbeak (Hàn Quốc), công nghệ khoan định hướng là một trong những ưu điểm nổi bật của hệ thống xử lý nước thải này không gây ảnh hưởng đến kết cấu mặt đường hiện trạng,, không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Làng Cao Thôn là làng nghề làm hương truyền thống, luôn chú trọng bảo vệ môi trường

Tiếp đó, đoàn đã thăm cụm dân cư tiêu biểu xanh – sạch – đẹp ở làng Cao Thôn, xã Bảo Khê, TP. Hưng Yên. Theo giới thiệu của đại diện làng Cao Thôn, đây là làng nghề làm hương truyền thống, đã có cách đây trên 200 năm. Hương xạ của làng có mùi thơm đặc biệt, nhờ được làm bằng thảo mộc và 30 vị thuốc Bắc. Hiện có khoảng hơn 100 hộ gia đình giữ nghề truyền thống, giải quyết việc làm cho 250 – 300 lao động với mức thu nhập 4-5 triệu/người/tháng.

Chia sẻ về công tác bảo vệ môi trường, ông Nguyễn Ngọc Hoan - Chủ tịch UBND xã Bảo Khê (TP Hưng Yên) cho biết, năm 2015, xã Bảo Khê được UBND tỉnh Hưng Yên công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND TP Hưng Yên, UBND tỉnh về việc hoàn thiện các tiêu chí phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao, xã Bảo Khê đã xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể. Trong đó, việc bảo vệ môi trường làng nghề làm hương ở thôn Cao được chú trọng.

“Cơ bản hiện nay, sản xuất hương ở làng nghề hoàn toàn từ thảo dược không gây phát sinh bụi hay nước thải gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, xã thường xuyên tuyên truyền đến Hiệp hội làng nghề thôn Cao chấp hành bảo vệ môi trường trong sản xuất”, ông Hoan nói.

Cuối chuyến đi, đoàn đại biểu thăm tuyến đê kiểu mẫu ở bên hồ Bán Nguyệt, được xây dựng từ năm 2007. Đoạn đê này được xây dựng trở thành khuôn mẫu cho các tuyến đê trên địa bàn tỉnh. Điểm ấn tượng của triền đê là những thảm cỏ, khóm hoa đặc sắc được Công ty môi trường và đô thị Hưng Yên trồng phía dưới triền đê.

Tuyến đê kiểu mẫu ở bên hồ Bán Nguyệt, được xây dựng từ năm 2007

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thăm quan các mô hình điểm về BVMT trong xây dựng nông thôn mới tại Hưng Yên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO