Cần áp dụng biện pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước khoáng
Mỏ nước khoáng Phước Phơn thuộc địa phận xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng, nằm cách thành phố Đà Nẵng khoảng 20 km về phía Tây Nam. Mỏ này từng là điểm tham quan, nghỉ dưỡng được lựa chọn không chỉ của nhân dân Đà Nẵng mỗi dịp cuối tuần, nghỉ lễ mà cũng là điểm đến của các du khách mỗi lần tham quan Đà Nẵng.
Tuy nhiên, do Giấy phép khai thác đã hết hạn và chưa được cấp phép mới nên hoạt động đã bị đình trễ, hoạt động của Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Fococev – Chủ đầu tư gần như đóng cửa hoàn toàn. Hiện tại công ty phải tận dụng nguồn lực từ các dự án khác để thuê nhân viên duy trì vận hành hệ thống nhưng hoạt động chủ yếu vẫn chỉ là nhặt rác, dọn vệ sinh để tránh cho khu du lịch này trông hoang phế hơn mà thôi.
|
Ngày 3/9/2020, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đã chủ trì họp hội đồng và thống nhất thông qua nội dung báo cáo kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng mỏ nước khoáng tại 2 lỗ khoan G1 và G2, thôn Phước Nhơn, xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng, đây là căn cứ để cấp giấy phép khai thác nước khoáng theo quy định.
Theo ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam: Công tác giám sát thi công thăm dò nâng cấp được Tổng cục ủy quyền cho Liên đoàn Địa chất Trung Trung bộ thực hiện. Tổng cục đã có văn bản số 2203/ĐCKS - ĐC ngày 28/8/2019 đánh giá công tác giám sát thi công thăm dò được thực hiện đúng quy định; tài liệu nguyên thủy có nội dung cơ bản đáp ứng yêu cầu để thành lập báo cáo kết quả thăm dò.
|
Thay mặt tập thể chuyên viên kiểm tra, thẩm định báo cáo, bà Đỗ Thị Lan Hương thuộc Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia cho biết: “Trong quá trình khai thác nước khoáng, chủ đầu tư (Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Fococev) cần có những biện pháp kỹ thuật hợp lý, tiến hành quan trắc theo yêu cầu chuyên môn; định kỳ lấy mẫu phân tích theo dõi sự ổn định chất lượng nước khoáng theo thời gian; áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước khoáng trong khu vực theo quy định”.
Bà Đỗ Thị Lan Hương cũng cho rằng việc sử dụng nguồn nước khoáng tại 2 lỗ khoan G1 và G2 cho các lĩnh vực khác nhau phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
Trữ lượng nước khoáng tại mỏ đạt độ tin cậy cần thiết
Ông Hồ Văn Thủy – Chủ biên báo cáo cho biết: Trước khi trình Hội đồng thẩm định báo cáo, tập thể tác giả đã tiếp thu các ý kiến nhận xét, đánh giá báo cáo của các phản biện và chuyên viên Văn phòng Hội đồng, sửa chữa, hoàn thiện báo cáo.
Tổng trữ lượng, tài nguyên cấp B + C của mỏ qua thăm dò nâng cấp lần này lớn hơn tổng trữ lượng cấp C do Hội đồng phê duyệt năm 1994 (có thể) là do thời gian của công tác quan trắc theo quy định hiện nay dài hơn thời gian quan trắc trong thăm dò năm 1994.
“Việc lấy và phân tích mẫu khí của báo cáo do đơn vị có chuyên môn thực hiện và tuân thủ các quy định kỹ thuật hiện hành và các quy định lấy và phân tích mẫu của Phòng phân tích” – ông Hồ Văn Thủy khẳng định.
Ông Hồ Văn Thủy – Chủ biên báo cáo |
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên, công tác thăm dò nâng cấp trữ lượng mỏ nước khoáng tại 2 lỗ khoan G1 và G2 cơ bản được thực hiện theo Kế hoạch thăm dò đã được Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chấp thuận bằng văn bản; có sự giám sát theo quy định của đơn vị chuyên môn do Tổng cục ủy quyền.
Thứ trưởng đánh giá báo cáo kết quả thăm dò nâng cấp cơ bản đã tổng hợp đầy đủ tài liệu, đánh giá được chất lượng và trữ lượng nước khoáng tại mỏ ở cấp B (174 m3/ngày) đạt mục tiêu thăm dò nâng cấp đề ra. Trữ lượng nước khoáng tại mỏ đã được các chuyên gia phản biện và Văn phòng Hội đồng kiểm tra, đánh giá đạt độ tin cậy cần thiết.
Ông Trần Văn Cường, Trưởng Văn phòng đại diện chi nhánh Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Fococev tại Hà Nội cho biết Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn và các tác giả sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến kết luận của Hội đồng để hoàn thiện báo cáo và mong muốn Hội đồng xem xét thông qua báo cáo và trữ lượng của mỏ làm cơ sở để Công ty triển khai các bước tiếp theo.
Khu mỏ có diện tích nhỏ, nước khoáng trong các lỗ khoan G1 và G2 đều ở độ sâu nhỏ (< 15m). Tuy nhiên, trong quá trình thăm dò nâng cấp và thành lập báo cáo, các tác giả đã thu thập các tài liệu nghiên cứu về nước khoáng tại các khu vực lân cận khu mỏ.
Các nghiên cứu này cho thấy nguồn gốc của nước khoáng tại mỏ và lân cận có thể liên quan đến các hoạt động nhiệt dịch dọc theo đứt gãy có phương á vĩ tuyến kéo dài từ hồ Đồng Nghệ đến ngã ba Hòa Khương. Đứt gãy này được ghi nhận trên thực địa bởi các đới dập vỡ, vò nhàu, ép phiến của các đá xâm nhập phức hệ Đại Lộc, kèm theo là các mạch thạch anh - felspat màu xám trắng, chứa ít mica và sulfua chỉnh hợp với mặt ép phiến. Trong mẫu lõi khoan cũng quan sát được nhiều thạch anh và pyrit.