Môi trường

Sơn La: Chú trọng bảo vệ môi trường hướng đến phát triển bền vững

Nguyễn Nga 24/05/2024 21:19

(TN&MT) - Thời gian qua, cùng với việc triển khai các giải pháp hữu hiệu để giúp người dân thoát nghèo, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã có nhiều giải pháp, cách làm hay để nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Hoàng Thị Hồng – Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn.

5-pho-chu-tich-ubnd-mai-son-hoang-thi-hong.jpg
Bà Hoàng Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn.

PV: Những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện đã được thực hiện như thế nào, thưa bà?

Bà Hoàng Thị Hồng:

Mai Sơn được xác định là địa bàn trọng điểm của tỉnh Sơn La về phát triển KT-XH, với 7 nhà máy, 1 khu công nghiệp, 7 trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, khoảng 300 hộ sơ chế cà phê quả tươi quy mô hộ gia đình. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản đã tạo công ăn việc làm giúp hàng nghìn hộ dân thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Đi kèm với đó là sự gia tăng áp lực về môi trường từ hoạt động sản xuất, chăn nuôi và chế biến nông sản

Hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bền vững, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã ban hành các văn bản thực hiện công tác bảo vệ môi trường, trọng tâm là bảo vệ môi trường khu vực đầu nguồn nước, khu đông dân cư. Ban hành quy chế phối hợp, xây dựng Kế hoạch khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong quản lý trật tự xây dựng, đô thị, đất đai, bảo vệ môi trường, khoáng sản.

Kiện toàn Đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản và đất đai của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện. Tổ chức ký cam kết về tăng cường vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND 22 xã, thị trấn với Chủ tịch UBND huyện trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Duy trì quan trắc 2 lần/năm một số điểm tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức: Treo băng rôn, phát động ra quân trao tặng túi vải thân thiện với môi trường và túi nilon đựng rác tự phân hủy sinh học cho nhân dân; trồng hoa, cây xanh tạo cảnh quan; trao tặng hơn 400 bình thủy tinh chịu nhiệt phục vụ cho các cuộc họp của 14 xã để hưởng ứng phong trào Chống rác thải nhựa…

Xây dựng, duy trì các phong trào Ngày thứ 7 về cơ sở xây dựng NTM, Ngày Chủ nhật xanh. Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ huyện ủy về ký cam kết hộ gia đình ở khu dân cư (cam kết 5 không) và chủ trương “Chung tay phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ngay từ hộ gia đình gắn với mục tiêu “3 sạch” - sạch bếp, sạch nhà, sạch ngõ” trên địa bàn các xã, thị trấn. Đến hết năm 2022, hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường duy trì ổn định, không phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

anh-33.jpg
Mai Sơn tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sơ chế nông sản không đảm bảo về môi trường.

PV: Là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng do ô nhiễm từ các cơ sở chế biến nông sản, xin bà thông tin về các giải pháp mà Mai Sơn đã triển khai để hạn chế, khắc phục tình trạng ô nhiễm?

Bà Hoàng Thị Hồng:

Trên địa bàn huyện hiện có 5 Nhà máy chế biến cà phê, tinh bột sắn, mía đường quy mô tập trung. Với các cơ sở này, UBND huyện đã phối hợp với Sở TN&MT thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường trước, trong và sau niên vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có khoảng 300 hộ sơ chế cà phê quả tươi. Trước khi vào niên vụ sản xuất, UBND huyện đã giao UBND các xã rà soát, cập nhật danh sách các hộ gia đình, cá nhân có đầu tư máy móc phục vụ hoạt động sơ chế cà phê quả tươi.

Với các cơ sở dự kiến hoạt động, tổ chức kiểm tra hiện trạng, đánh giá các điều kiện để phục vụ hoạt động sản xuất, đảm bảo các cơ sở chỉ được phép hoạt động khi có đầy đủ các hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và phải có các công trình thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải, công trình bảo vệ môi trường.

Đồng thời, yêu cầu các hộ đăng ký quy mô, công suất hoạt động trong niên vụ với UBND cấp xã, cam kết thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động sơ chế ngay từ đầu niên vụ.

Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong niên vụ, Đoàn liên ngành của UBND huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước với các cơ sở trên toàn huyện, tập trung tại các xã: Chiềng Mung, Chiềng Ban, Chiềng Mai, Chiềng Chung, Mường Chanh, Nà Ớt, Chiềng Dong, Cò Nòi.

Qua đó, nhận thức của tổ chức, cá nhân về bảo vệ môi trường trong hoạt động sơ chế nông sản có chuyển biến tích cực. Hầu hết các hộ đã tự đầu tư hệ thống thu gom, lưu chứa, xử lý nước thải phát sinh. Niên vụ 2022-2023, tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải đã giảm thiểu rõ rệt so với trước đây.

anh-2(1).jpg
Mai Sơn đã có nhiều giải pháp hiệu quả góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện.

PV: Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển xanh, bền vững, Mai Sơn đã và đang triển khai những nhiệm vụ trọng tâm nào giai đoạn tới, thưa bà?

Bà Hoàng Thị Hồng:

Thời gian tới, huyện Mai Sơn xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, chú trọng các nội dung Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các văn bản hướng dẫn thi hành thông qua lồng ghép chuyên đề trong các hội nghị, lớp tập huấn, nhằm tạo chuyển biến căn bản về ý thức trách nhiệm và sự chủ động trong công tác bảo vệ môi trường.

Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn hướng dẫn các thôn, bản, tiểu khu xây dựng hương ước, quy ước gắn với bảo vệ môi trường; vận động người dân đấu tranh với những hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Rà soát, khoanh vùng các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước để có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả thải; xác định các dự án, cơ sở cần ưu tiên quản lý, kiểm tra, giám sát trong quá trình hoạt động.

Tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về BVMT với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thẩm định nội dung Giấy phép môi trường của các dự án, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Gắn trách nhiệm quản lý môi trường với trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn quản lý. Tiếp tục ký cam kết về tăng cường vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã với Chủ tịch UBND huyện trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và đôn đốc triển khai thực hiện nghiêm.

Trân trọng cảm ơn bà!

Mai Sơn hiện có 22 xã, thị trấn, trong đó có 11 xã thuộc khu vực III, 123 bản đặc biệt khó khăn. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Mai Sơn giảm còn 12,8%. Mục tiêu năm 2023, tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2%/năm, đến năm 2025, đưa 3 xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Chú trọng bảo vệ môi trường hướng đến phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO