Tăng cường công tác quản lý
Để việc khai thác TNKS đi vào nền nếp, thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách về quản lý, sử dụng TNKS được UBND tỉnh Thái Bình ban hành và thực hiện tốt. Việc sử dụng nguồn TNKS ngày càng hợp lý, hiệu quả, đã góp phần tích cực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, Sở TN&MT đã tham mưu ban hành quy hoạch thăm dò, khai thác cát lòng sông, ven biển; quy hoạch bến bãi trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông; quy chế phối hợp quản lý hành chính và hoạt động khai thác khoáng sản trên các tuyến sông giáp ranh giữa 3 tỉnh Hà Nam, Hưng Yên và Thái Bình trong thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản tại địa phương; quy chế phối hợp về quản lý khoáng sản cát tại khu vực giáp ranh giữa Nam Định và Thái Bình.
Để khai thác hiệu quả, tránh thất thoát nguồn TNKS, hằng năm, Sở TN&MT đã phối hợp với Cục Thuế tỉnh trao đổi và cung cấp thông tin về sản lượng khai thác của các doanh nghiệp theo báo cáo định kỳ hoạt động khoáng sản và báo cáo thuế tài nguyên theo Quy chế phối hợp số 1685/QCPH-CT-STNMT ngày 26/5/2016.
Ngoài ra, Sở cũng phối hợp với Phòng CSGT Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên tuần tra, kiểm tra hoạt động khai thác cát trên các tuyến sông Hồng, Luộc, Hóa, Trà Lý và ven biển địa bàn tỉnh Thái Bình theo chương trình, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản được các địa phương triển khai tích cực. Các cơ quan chức năng đã kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức, cá nhân đã được cấp phép khai thác cát, sỏi và đất san lấp; thành lập nhiều đoàn thanh tra liên ngành, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân. Qua thanh kiểm tra đã kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động khoáng sản, bảo đảm quyền và nghĩa vụ cho các đơn vị được phép hoạt động khoáng sản và nhân dân địa phương nơi có hoạt động khoáng sản. Cụ thể, trong quá trình kiểm tra lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 29 vụ với 59 đối tượng hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép. Năm 2021, UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 3 doanh nghiệp có hành vi khai thác cát vượt công suất cấp phép, nộp ngân sách Nhà nước hơn 1 tỷ đồng.
Gắn với bảo vệ môi trường
Bên cạnh công tác thanh kiểm tra, việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở, doanh nghiệp khai thác TNKS cũng được tỉnh Thái Bình đặc biệt quan tâm. Hầu hết các dự án khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh đều được Sở TN&MT thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án hoặc đề án cải tạo phục hồi môi trường trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện.
Trong quá trình khai thác, Sở TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở theo kế hoạch được Giám đốc Sở TN&MT phê duyệt trong đó có các cơ sở khai thác khoáng sản. Ngoài ra, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, Sở TN&MT cũng ban hành các văn bản đôn đốc các cơ sở thực hiện nghiêm các yêu cầu của phương án cải tạo phục hồi và ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường theo quy định; gửi báo cáo công tác cải tạo phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường hằng năm về Sở TN&MT để quản lý, giám sát và báo cáo UBND tỉnh, Bộ TN&MT.
TNKS trên địa bàn Thái Bình gồm: nước khoáng, nước nóng thiên nhiên; than nâu; khí; cát làm vật liệu xây dựng thông thường. Đối với nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, than nâu và khí là do Bộ TN&MT cấp phép. UBND tỉnh quản lý Nhà nước và cấp phép đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, cụ thể là cát lòng sông và ven biển. Hiện nay trên địa bản tỉnh có 8 mỏ cát được UBND tỉnh cấp phép khai thác, phân bố chủ yếu ở các huyện Vũ Thư, Hưng Hà, Thái Thụy.
Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; phối hợp với Sở Công Thương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh thực hiện tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường đến các doanh nghiệp, các hội, đoàn thể, nhân dân trong tỉnh; phối hợp với Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam theo dõi công tác cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản.
Thời gian tới, để tăng cường công tác quản lý khai thác TNKS, góp phần sử dụng hiệu quả, đảm bảo nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển KT - XH, Sở TN&MT tiếp tục rà soát lại các quy hoạch khoáng sản trên địa bàn tỉnh để tham mưu UBND tỉnh thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định pháp luật về TNKS nhằm hạn chế các vi phạm về khai thác khoáng sản, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ nguồn TNKS trên địa bàn.