Thái Bình: Hàng loạt hộ dân lên tiếng đòi trả lại đất ruộng ở KCN Tiền Hải

24/12/2018 22:52

(TN&MT) - Người dân đưa ra biên bản các cuộc họp của xã thôn cách đây hơn 10 năm cho thấy, khu đất mà các nhà máy Viglacera, Long Hầu, Hảo Cảnh, MIKADO,... đang hoạt động chỉ được người dân cho doanh nghiệp thuê đến năm 2013. Đến nay đã quá hạn nhưng họ không được trả đất.

Sau khi báo Tài nguyên & Môi trường phản ánh về những thông tin thiếu minh bạch trong bồi thường giải phóng mặt bằng dự án giãn dân, rất nhiều người dân xã Đông Lâm đã kéo đến gặp PV và cùng ký vào lá đơn phản ánh về một vụ việc khác mà họ cho rằng nghiêm trọng hơn. Đó là câu chuyện người dân 2 xã Đông Lâm và Đông Cơ bị mất đất một cách vô lý vào tay các doanh nghiệp gạch, gốm sứ như: Viglacera, Long Hầu, Hảo Cảnh, MIKADO... Nhiều năm nay họ đội đơn đi đòi quyền lợi mà vẫn không được giải quyết thỏa đáng.
 

khu cong nghiep tien hai
Dọc 2 bên đường là các nhà máy sản xuất gạch, gốm sứ, nước khoáng. Trước đây khu vực này là ruộng của người dân xã Đông Lâm, Đông Cơ

Họ cho rằng, những người làm lãnh đạo chính quyền địa phương vào thời điểm đó đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân mà đã đưa ra những quyết định và thông tin thiếu minh bạch. Đến nay, khi họ lên tiếng đòi quyền lợi thì mới nhận được những văn bản mà họ chưa bao giờ ngờ tới.

Theo đơn, người dân khu vực xã Đông Lâm và Đông Cơ vốn sinh nhai bằng nghề trồng lúa từ nhiều đời nay. Đất lúa của các gia đình được nhà nước giao từ rất nhiều năm và được cấp giấy chứng nhận. Từ khi tỉnh Thái Bình phát triển công nghiệp, các nhà máy sản xuất gạch, gốm sứ, nước khoáng,... về đây xây dựng rồi hình thành khu công nghiệp. Theo đó, đất nông nghiệp ở các làng xã bị thu hẹp. Có những gia đình được dồn điền đổi thửa, có hộ bị thu hồi,...

Năm 2002, người dân xã Đông Lâm và Đông Cơ bị thu hồi đất để phục vụ dự án cho một số nhà máy hoạt động từ đó đến nay như Viglacera (trước đây là đất giao cho Công ty Phương Bắc), Long Hầu, Hảo Cảnh, MIKADO,...
 

cong ty long hau
Nhà máy Ceramic Long Hầu

Vào thời điểm đó, xã và thôn đã tổ chức rất nhiều cuộc họp bàn về phương án bồi thường hỗ trợ vì người dân khiếu nại cho rằng mức bồi thường hỗ trợ quá thấp. Trong các biên bản do xã thôn lập thể hiện với người dân, họ chỉ cho doanh nghiệp thuê đất 10 năm. Theo đó, giá bồi thường cho người dân là khoảng 6,2 triệu đồng/sào.

Người dân cho rằng, đến năm 2013, họ phải được nhận lại đất ruộng của mình để tiếp tục canh tác theo thỏa thuận. Nếu doanh nghiệp muốn thuê tiếp thì phải trả thêm tiền cho họ chứ không thể lấy không đất một cách vô lý và bất minh như vậy. Nhưng đến nay đã quá thời gian thỏa thuận nhiều năm, họ không thấy doanh nghiệp nào trả lại đất.

Nhiều lần yêu cầu doanh nghiệp trả lại đất hoặc trả tiền thuê đất không được, người dân xã Đông Lâm đã ký đơn đi gõ cửa các cơ quan chức năng và chính quyền. Lúc này họ mới ngã ngửa: Các cơ quan giải quyết khiếu nại đưa ra các văn bản quyết định của tỉnh về việc thu hồi đất của họ và giao cho các doanh nghiệp này từ năm 2002 sử dụng đến hết năm 2040, có doanh nghiệp đến 2059.
 

khu cong nghiep tien hai 3
Những nhà máy sản xuất gạch gốm sứ với quy mô lớn

Việc mất đất vào tay của các doanh nghiệp khiến hơn trăm hộ dân ở 2 xã Đông Lâm và Đông Cơ bức xúc khiếu nại nhiều năm nay, vậy nhưng lúc trao đổi với PV, ông Trần Văn Ơn (Chủ tịch UBND xã Đông Lâm) lại cho rằng, chỉ có 1 hộ dân khiếu nại còn lại đều đã chấp thuận.

Lãnh đạo xã Đông Lâm nói rằng sự việc đã được huyện, tỉnh và sở ban ngành trả lời. Theo đó, người dân không có cơ sở để lấy lại đất hoặc đòi hỏi quyền lợi nữa. PV đặt câu hỏi về việc người dân đã bị thiệt thòi khi không được minh bạch thông tin và tin tưởng vào cán bộ chính quyền. Lãnh đạo và cán bộ xã Đông Lâm chỉ lắc đầu cho rằng sự việc đó đã xảy ra nhiều năm, do những cán bộ nhiệm kỳ trước.

Trong một văn bản trả lời khiếu nại của 84 hộ dân xã Đông Cơ (cũng chung hoàn cảnh bị lấy đất), Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Thái Bình viện dẫn Luật đất đai năm 2013 cho rằng, tại thời điểm thu hồi đã bồi thường hỗ trợ thì người sử dụng đất bị chấm dứt mọi quyền và nghĩa vụ với đất bị thu hồi. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng.
 

khu cong nghiep tien hai 2
Các nhà máy ở KCN Tiền Hải phần lớn sản xuất gạch, gốm sứ nên lượng cao lanh bùn đất thường được vận chuyển về đây chất thành núi

Văn bản cũng trả lời về thông tin người dân đưa ra: thời điểm thu hồi, cán bộ lãnh đạo chính quyền xã thôn trao đổi với người dân rằng chỉ cho thuê đất 10 năm, sau đó phải thuê tiếp hoặc bà con được cấp ruộng khác. Sở TN&MT cho rằng cán bộ xã và tổ sản xuất thời điểm đó nhận thức sai về Luật đất đai.

Tuy nhiên người dân cho hay, nếu lúc đó cán bộ xã không hợp thống nhất và làm biên bản về việc cho thuê đất 10 năm, không đời nào họ để mất đất về tay doanh nghiệp như vậy. "Đây không phải là dự án về an ninh quốc phòng nên không thể ép dân để thu hồi đất." - Ông Phan Anh Dũng (một người dân mất đất) nói.

Cũng theo ông Dũng và các người dân, đất này là đất trồng lúa của gia đình họ từ thời cha ông, không thể đơn giản bị thu hồi đưa cho doanh nghiệp mà chỉ bồi thường hỗ trợ theo hạn mức 10 năm. Mặt khác, quy định của Luật đất đai mà Sở TN&MT Thái Bình viện dẫn là Luật năm 2013. Trong khi đó, đất của họ bị thu hồi từ năm 2002. Không thể áp dụng Luật năm 2013 cho sự việc đã cũ.

Người dân cũng cho hay, họ đã từng nhờ sự tư vấn pháp lý của luật sư và theo họ, quy định của Nhà nước chỉ thu hồi đất nông nghiệp hoang hóa chứ không thu hồi đất 2 lúa mà người dân đang canh tác sinh sống. Nếu doanh nghiệp muốn được giao đất thì phải thỏa thuận với dân.

"Theo Luật, đất chúng tôi phải được gia hạn sử dụng chứ không thể đang sử dụng lại bị thu hồi luôn như vậy. Chúng tôi không cần biết đất giao cho ai hay chuyển đổi thế nào. Chúng tôi chỉ biết là đất của mình cho thuê 10 năm, nay chúng tôi phải được trả lại." - Ông Phạm Mạnh Hùng (một người dân) bày tỏ sự bức xúc.

Tại cuộc tiếp xúc với PV, bà con xã Đông Lâm cũng cho rằng, nếu Sở TN&MT đại diện chính quyền nói rằng lỗi là cán bộ xã nhận thức sai pháp luật, vậy chính quyền phải chịu trách nhiệm chứ không thể bắt người dân phải chịu thiệt thòi vì lỗi không thuộc về mình.

Tiền Hải không phải là huyện duy nhất ở Thái Bình xảy ra tình trạng tương tự. Thời gian qua, ở KCN Đông Tu (huyện Hưng Hà), người dân đã không ít lần "quây" các nhà máy yêu cầu trả lại đất cho họ cũng chỉ vì sự mập mờ trong việc thuê đất 10 năm nhưng thức chất chính quyền đã giao lâu dài cho doanh nghiệp.

Năm ngoái chính báo Tài nguyên & Môi trường từng có loạt bài phản ánh về việc người dân lập lán trại vây một số doanh nghiệp khiến hoạt động KCN Đồng Tu bị tê liệt để yêu câu chính quyền địa phương đối thoại và có giải pháp rõ ràng.

Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Bình: Hàng loạt hộ dân lên tiếng đòi trả lại đất ruộng ở KCN Tiền Hải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO