Ô nhiễm môi trường nước tại các làng nghề rất cao |
* Thiếu hệ thống xử lý nước thải
Theo báo cáo công tác BVMT năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), cả nước hiện có 4.575 làng nghề, trong đó có 1.951 làng nghề được công nhận.
Công tác BVMT tại các làng nghề chưa được quan tâm đúng mức, rất ít làng nghề có hệ thống thu gom và xử lý CTR cũng như hệ thống XLNT. Theo báo cáo công tác BVMT của Bộ NNPTNT năm 2020, có 16,1% làng nghề có hệ thống XLNT tập trung đạt yêu cầu về BVMT; tỷ lệ làng nghề có điểm thu gom CTR công nghiệp đạt 20,9%.
Nước thải từ làng nghề thường thải trực tiếp ra hệ thống kênh, rạch chung, tác động xấu tới cảnh quan, ô nhiễm môi trường. Nhiều làng nghề có lưu lượng nước thải lớn, xả ra các kênh, mương vốn làm nhiệm vụ tiêu thoát nước mưa, dẫn đến nước thải không lưu thông, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề chủ yếu từ việc sử dụng than làm nhiên liệu (phổ biến là than chất lượng thấp), sử dụng hóa chất trong dây chuyền công nghệ sản xuất. Trong đó, nhóm làng nghề có thải lượng ô nhiễm lớn nhất là tái chế (kim loại, nhựa), quá trình tái chế và gia công, xử lý bề mặt, phun sơn, đánh bóng bề mặt sản phẩm, nung, sấy, tẩy trắng, khí thải lò rèn... làm phát sinh bụi và các khí thải như SO2, NO2, hơi axit và kiềm. Điển hình là làng nghề tái chế nhựa Trung Văn (Hà Nội), làng nghề đúc đồng Đại Bái (tỉnh Bắc Ninh), làng nghề tái chế nhôm Bình Yên (tỉnh Nam Định)... Tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm, quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong nước thải và CTR gây ô nhiễm mùi, tạo nên các khí ô nhiễm như SO2, NO2, H2S, NH3... Chế biến nông sản, thực phẩm là lĩnh vực có số lượng làng nghề ô nhiễm lớn nhất (17 làng nghề). Tiếp đó là sản xuất, chế tác kim loại, cơ kim khí; Sản xuất, tái chế phế liệu.
Các làng nghề ươm tơ, dệt, nhuộm vải và thuộc da thường bị ô nhiễm bởi các khí SO2, NO2. Các làng nghề thủ công mỹ nghệ thường bị ô nhiễm nặng bởi khí SO2 phát sinh từ quá trình xử lý chống mốc cho các sản phẩm.
Ô nhiễm không khí luôn đáng báo động tại các làng nghề tài chế |
* Những chuyển biến
Để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, ngày 11 tháng 4 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 577/QĐ-TTg phê duyệt Đề án BVMT làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đề án đã xác định danh mục và mục tiêu xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại 47 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng trên cả nước. Trong số 47 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, khu vực miền Bắc có số lượng lớn nhất với 34 làng nghề (chiếm 72,3%), khu vực miền Trung có 11 làng nghề (chiếm 23,4%) và khu vực miền Nam có 2 làng nghề (chiếm 4,3%). Hà Nội, Bắc Ninh và Huế là 3 địa phương còn nhiều làng nghề gây ô nhiễm.
Công tác kiểm soát ô nhiễm tại các làng nghề đã có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Căn cứ Luật BVMT 2014 và Nghị định số 19/2015/NĐ-CP, Bộ TNMT đã ban hành Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT nhằm tạo dựng hành lang pháp lý để thực hiện hoạt động quản lý môi trường làng nghề. Tại các địa phương, đã có 21/63 tỉnh, thành phố ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án tổng thể BVMT làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015 đưa ra mục tiêu khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề tại 47 làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Đến năm 2020, đã có 11/47 làng nghề hoàn thành biện pháp khắc phục ô nhiễm hoặc tự thu hẹp quy mô, chuyển đổi ngành nghề, hoặc chấm dứt hoạt động và về cơ bản không còn ô nhiễm; 23/47 làng nghề đang triển khai các biện pháp khắc phục ô nhiễm; 13/47 làng nghề chưa triển khai biện pháp khắc phục ô nhiễm.