(TN&MT) - Những ngày giáp Tết Ất Mùi, dọc trên các tuyến đường trên TP Sơn La và quốc lộ 6, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp những người dân chở đào đi bán. Không chỉ dừng lại ở việc bán cành đào như xưa, những năm gần đây, nhiều gốc đào rừng đã có tuổi cũng bị đào lên. Khan hiếm đào rừng, đang trở thành một thực tế đáng lo ngại.
Giá cao vẫn đắt hàng
Có mặt tại chợ đào xuân TP Sơn La chiều 22 Tết, hàng trăm gốc đào được xếp gọn thành 2 hàng. Khách mua đào, người chỉ đơn giản thưởng thức đào khiến không khí mua bán những ngày cuối năm trở nên ồn ào và tấp nập.
Liên tiếp chỉ vào hàng loạt cành đào, chị Lò Thị Chiến, một người bán đào cho biết, với cành đào nhỏ cũng có giá từ 200.000 đồng trở lên. Những cành to, nhiều nụ, nhiều lộc giá dao động từ 1- 4 triệu đồng. Chị Chiến niềm nở: “Mấy năm nay, người dân chuộng chơi tết bằng đào rừng. Nên đào rừng ngày càng trở lên khan hiếm. Cũng chính vì vậy mà giá đào năm nay giá đào nhỉnh hơn năm trước, người mua đào có phần đông hơn năm ngoái. Từ sáng giờ chị đã bán được gần chục cành đào cỡ vừa giá từ 1,5 – 2 triệu đồng. Những cành đào mốc to, đẹp giá dao động từ 2,5 triệu – 3 triệu đồng, chưa kịp bỏ xuống bán đã có khách hỏi mua. Với tình hình này, 27 – 28 Tết người mua còn đông hơn.”
Sau khi tham quan một lượt chợ đào, ông Nguyễn Viết Hồng, khách mua đào vẫn chưa tìm được một cành đào ưng ý. Ông Hồng cho biết, giá đào năm nay đúng là có đắt hơn. Tùy vào tuổi đào, những cành đào càng già, thân xù xì, rêu mốc thì giá càng đắt. Nếu muốn mua cả gốc đào thì hiếm và đắt hơn, từ vài triệu tới cả chục triệu đồng. Thậm chí có những gốc đào to phải mấy người khiêng, có giá gần 100 triệu đồng.
Anh Trần Văn Nam, một người bán đào tiếp câu chuyện, năm nay tết muộn nên lượng đào rừng được bày bán tương đương năm ngoái. Tùy mục đích sử dụng, người mua đào cũng có sự lựa chọn khác nhau. Người trang trí nhà cửa thường chỉ chọn những cành đào vừa, nhỏ, giá phải chăng và thường đợi tới giáp Tết mới mua. Đa phần những người mua tại thời điểm này đặt ở cơ quan hoặc làm quà biếu. Vì thế, loại đào được chọn thường là những cành đào to, tán rộng, giá từ 1,5 triệu đồng tới 2 - 5 triệu đồng.
Nguy cơ tận diệt
Đào rừng có vẻ đẹp tự nhiên, dáng đào khỏe. Đào thường nở từ từ, nên thời gian chơi đào lâu hơn, đào lâu phai, ít rụng. Hoa đào có 5 cánh, sắc đào phơn phớt hồng, thể hiện sự mộc mạc, giản dị và đằm thắm. Cộng thêm ưu điểm không mất nhiều thời gian và công sức chăm sóc, mốt chơi đào rừng đang trở thành một xu hướng mới trong vài năm trở lại đây.
Là một trong những địa phương chuyên cung cấp đào rừng cho Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận, cứ vào độ trước Tết, hàng trăm chuyến xe tải lại nối đuôi nhau lên Tây Bắc chở đào rừng về xuôi. Cũng bởi thế, theo anh Nam, đào rừng đang ngày càng ít đi. Việc khai thác đào rừng chủ yếu phụ thuộc vào người dân tại các làng, bản xa xôi trong núi. Người bán đào sẽ lên tìm hiểu và đặt trước gốc đào nào ưng ý. Tuy nhiên công việc này không đơn giản, có khi kéo dài cả tháng trời. Một gốc đào rừng lớn cần thời gian trưởng thành từ 8 - 10 năm, 20 năm, thậm chí lâu hơn. Để thân đào có rêu mốc, thời gian tới hàng chục năm. Đào càng nhiều tuổi giá càng đắt. Cộng thêm chi phí vận chuyển nên để chọn được gốc đào rừng đẹp không dễ.
Trong không khí rộn ràng những ngày cuối năm, người người, nhà nhà tất bật sắm sửa những cành đào đẹp nhất. Thế nhưng, cũng vì nhu cầu tưởng như đơn giản ấy, lại khiến nảy sinh một thực tế đáng buồn. Những cành đào rừng tươi thắm, lẽ ra sẽ được nở hương khoe sắc, tô điểm cho vẻ đẹp núi rừng, lại vô tình bị tàn phá. Vì lợi nhuận, nhiều người dân đã chặt phá không thương tiếc những gốc đào, không hề ý thức việc mình làm đang góp phần nghiêm trọng vào việc phá hoại môi trường, gây thiệt hại tài nguyên thiên nhiên.
“Tết sau còn có đào rừng?” – một câu hỏi tưởng như đơn giản nhưng không dễ trả lời. Bởi nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp quản lý quyết liệt hơn, trồng mới đào rừng thì tương lai không xa, những cánh đào hồng thắm – biểu tượng tươi đẹp của núi rừng Tây Bắc sẽ ngày càng mai một.
Bài & ảnh: Nguyễn Nga