Tết đoàn viên, tết nghĩa tình tại Bảo tàng gia đình đầu tiên ở Việt Nam

14/02/2018 16:33

(TN&MT) - Bảo tàng gia đình là một cách giáo dục con cháu bởi không có gì ý nghĩa và sinh động hơn những hiện vật mà ông cha mình để lạ. Nó làm cho mỗi...

(TN&MT) - Bảo tàng gia đình là một cách giáo dục con cháu bởi không có gì ý nghĩa và sinh động hơn những hiện vật mà ông cha mình để lạ. Nó làm cho mỗi thành viên trong gia đình luôn tự hào về truyền thống văn hóa  để từ đó, mỗi người sẽ luôn cố gắng học tập, vươn lên trong cuộc sống.
 
Câu chuyện về một trí thức lớn
 
Nằm trong khuôn viên ngôi biệt thự 4 tầng tại làng Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội), bảo tàng Nguyễn Văn Huyên là một câu chuyện bằng hiện vật và hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của một nhà nghiên cứu khoa học lỗi lạc, một trí thức lớn của Việt Nam đầu thế kỉ XX, một vị Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục trong suốt 29 năm. Bảo tàng do con trai ông, PGS.TS Nguyễn Văn Huy (nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học) và gia đình chung sức lập nên để thỏa tâm nguyện kể về câu chuyện bố mẹ mình, tiếp đến là hướng tới nhu cầu giáo dục, kết nối con người.
 
Tiếp chúng tôi tại khuôn viên của bảo tàng gia đình, PGS. TS Nguyễn Văn Huy dẫn chúng tôi đi thăm quan một lượt khu trưng bày với gần 400 hiện vật, ảnh tư liệu, văn bản gốc, với nhiều bút tích của các nhân vật nổi tiếng, có những văn bản có chữ “ký tươi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với các kỷ vật của cố GS. Nguyễn Văn Huyên
bao tang nguyen van huyen
Một góc bảo tàng gia đình Nguyễn Văn Huyên
Sinh thời, do bận nhiều công việc quản lý nhà nước cũng như nghiên cứu khoa học nên những kỉ vật của cố GS Nguyễn Văn Huyên đều do vợ ông là bà Vi Kim Ngọc gìn giữ cẩn trọng. Những gì bà Ngọc lưu giữ đều là những kỷ vật vô giá, là nhân chứng của những giải đoạn lịch sử. Từ thư từ, đồ đạc, nhật ký cho đến các tài liệu nghiên cứu, những cuốn gia phả ... tất cả đều được bà Kim Ngọc lưu trữ và đóng thành 9 tập. Tháng 12/2014, PGS.TS Nguyễn Văn Huy đã dày công tập hợp, trình bày lại thành một bảo tàng gia đình độc nhất ở Việt Nam.
 
Tất cả những tư liệu đó giống như một dòng chảy bất tận và là câu chuyện đẹp về một gia đình có truyền thống hiếu học Việt. Trong câu chuyện bằng hiện vật đó, cố GS Nguyễn Văn Huyên hiện lên không phải câu chuyện về một danh nhân hay một vĩ nhân huyền thoại nào đó trong lịch sử mà câu chuyện về một cuộc đời, một con người đã sống, làm việc và cống hiến hết mình cho xã hội.
 
Vốn sinh trưởng trong gia đình Nho học nhưng cố GS Nguyễn Văn Huyên (1905 – 1975) lại là một trí thức Tây học điển hình. Năm 18 tuổi, ông sang Pháp học tú tài rồi học lên cử nhân Văn khoa, cử nhân Luật. Năm 1934, ông trở thành người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ văn khoa tại Đại học Sorbonne, Paris. Luận án này được xếp loại xuất sắc, được in thành sách và xuất bản ở Pháp với sự hoan nghênh của giới chuyên môn Pháp, Đức, Hà Lan ...
nguyen van huyen
Cố GS. Nguyễn Văn Huyên và phu nhân thời trẻ
Thế nhưng ông lại khước từ mọi vinh quang để trở về nước làm thầy giáo trường Bưởi, rồi sau đó vừa nghiên cứu văn hóa (ở viện Viễn Đông Bác Cổ) vừa giảng dạy bậc đại học. Sau này ông đảm nhận chức Bộ trưởng Bộ quốc gia Giáo dục (Nay là bộ Giáo dục & Đào tạo) trong 29 năm.  
 
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Huy, những di sản mà cố GS Nguyễn Văn Huyên để lại đã ảnh hưởng sâu sắc tới những người con trong gia đình. “Chúng tôi lớn lên từ truyền thống văn hóa gia đình, đi theo một chí hướng là không cầu sung sướng bản thân, không tham địa vị. Những việc chúng tôi làm là muốn cống hiến cho xã hội, phụng sự cho đất nước, ứng xử một cách đúng đắn, nhân ái, yêu thương con người. Cha chúng tôi vẫn dạy, dù làm bất cứ việc gì cũng phải bằng niềm say mê, có như thế mới tập trung tư tưởng, trí tuệ sâu sắc, mới cống hiến được cho đất nước”. – PGS. TS Huy chia sẻ.
 
Những câu chuyện xúc động trong ngày Tết
 
Tết luôn là một dịp để con người gặp gỡ, hỏi thăm nhau và chia sẻ những niềm vui trong cuộc sống. Tết đối với cố GS. Nguyễn Văn Huyên còn đặc biệt hơn thế. PGS. TS Nguyễn Văn Huy nhớ lại: “Mỗi dịp Tết đến, dù có bận trăm công nghìn việc, cha tôi đều thu xếp thời gian đi thăm hàng xóm láng giềng. Ngay cả các trẻ nhỏ mồ côi trong làng, cụ cũng đến thăm hỏi chúc tết, giữ trọn vẹn nghĩa tình làng xóm. Khoảng năm 1949 - 1950 gia đình tôi đi tản cư ở vùng Chiêm Hóa. Thời đó, gia đình tôi ở cùng với mấy gia đình trí thức lớn của Việt Nam bấy giờ như gia đình GS. Tôn Thất Tùng, GS. Hồ Đắc Di ... Tết bấy giờ nghèo lắm, thiếu thốn trăm bề. Nhưng cha tôi luôn cố gắng, dành dụm để có chút tiền mua đồ gói bánh chưng cho các con để chúng tôi được hưởng chút không khí Tết. Với cụ, Tết bao giờ cũng phải trọn vẹn như vậy về tinh thần như vậy”.
 
nguyen van huy
PGS. TS Nguyễn Văn Huy (bên trái) bên cây phả hệ tại bảo tàng Nguyễn Văn Huyên 
Tết cũng là dịp để thể hiện cái “dũng” của bậc chính nhân quân tử. Điều đó thể hiện qua mối quan hệ giữa cố GS. Nguyễn Văn Huyên và cố GS. Nguyễn Mạnh Tường (vốn là một trong những trí thức xuất sắc nhất Việt Nam đầu thế kỉ XX nhưng do bị “hiểu nhầm” nên cuộc sống tinh thần cũng như vật chất gặp nhiều khó khăn – PV).
 
PGS. Nguyễn Văn Huy bồi hồi nhớ lại: “Tôi nhớ Tết năm nào cha tôi cũng đến thăm cụ Tường - ngay cả những lúc cụ Tường khó khăn nhất, bị xã hội nhìn nhận không đúng. Thế rồi từ khi cha tôi mất, Tết năm nào cụ Tường cũng đến thăm gia đình tôi. Cụ Tường rất tự hào về tình bạn 50 năm của hai cụ bởi tình bạn đó vượt qua mọi định kiến xã hội, mọi vấn đề giai cấp. Đó là tình của hai trí thức lớn vô cùng đáng ngưỡng mộ”.
 
Hai trí thức đáng ngưỡng mộ nói trên dù sao cũng rời xa cõi tạm lâu lắm rồi nhưng câu chuyện về tình gia đình, bè bạn vẫn còn mãi. Đến thăm bảo tàng Nguyễn Văn Huyên dịp này, chúng ta không chỉ đơn thuần ngắm nhìn những di vật, những hình ảnh của một con người ở thời quá vãng. Đó là câu chuyện đẹp về tình thương, về sự gắn kết. Trong thời điểm Tết ngày càng trở nên xa lạ với người trẻ hôm nay, những bài học cũ, những giá trị cũ của những con người cũ luôn là một bài học mới mẻ, đầy sức hút.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết đoàn viên, tết nghĩa tình tại Bảo tàng gia đình đầu tiên ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO