(TN&MT) - Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn tỉnh Tây Ninh, biến đổi khí hậu đã làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nên cần nhiều giải pháp ứng phó.
Triển khai nhiều chương trình ứng phó
Trước các diễn biến bất lợi do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra, tỉnh Tây Ninh đã chủ động ứng phó và đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn kết với sự phát triển bền vững của tỉnh. Qua đó, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, hành động ứng phó với BĐKH, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính...
Cụ thể, Tây Ninh đã tổ chức nhiều lớp học, các buổi tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và năng lực ứng phó với thiên tai cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai và người dân vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai.
Đẩy mạnh thông tin các bản tin dự báo thiên tai như: bão, mưa lớn, sét, dông có nguy cơ xảy ra tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh qua mạng xã hội facebook, zalo, Cổng thông tin điện tử... để chính quyền địa phương, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp nắm bắt kịp thời. Từ đó chủ động chỉ đạo, điều hành, nâng cao nghiệp vụ trong công tác phòng, tránh, ứng phó và giảm nhẹ ảnh hưởng do thiên tai gây ra.
Về nông nghiệp, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng BĐKH được quan tâm thực hiện. Các đề tài nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp cũng đã được triển khai. Nhiều dự án, mô hình về giống và kỹ thuật sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết của địa phương để có năng suất và chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đã được tỉnh hướng dẫn, tập huấn cho người dân.
Đặc biệt các loại giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng biến đổi khí hậu đã được đưa vào sản xuất đại trà như: giống lúa OM 5953; Đài thơm 8; RVT... giống mía K93-219, LK 92-11, KK3, giống mì KM419, KM94 đột biến.
Việc áp dụng phòng trừ dịch hại cây trồng bằng phương pháp sinh học như: sử dụng ong ký sinh, nấm xanh và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc thảo mộc đang triển khai nhằm giảm tối đa tình trạng sử dụng thuốc hóa học gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống và sức khỏe cộng đồng.
Gắn với phát triển kinh tế - xã hội
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh, BĐKH là thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại, ảnh hưởng và làm thay đổi toàn diện đời sống xã hội toàn cầu. Để chủ động ứng phó với BĐKH, con người phải tiến hành đồng thời các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ, trong đó thích ứng với BĐKH là trọng tâm và coi giảm nhẹ khí nhà kính là cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường theo hướng bền vững.
Với quan điểm, chủ trương trên, Tây Ninh đặt ra các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể. Trong giai đoạn 2022 - 2030, Tây Ninh tăng cường công tác dự báo, cảnh báo thiên tai có độ tin cậy cao, đánh giá được các nguy cơ thiên tai để có giải pháp phòng ngừa kịp thời. Lồng ghép phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai vào các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện của tỉnh.
Phấn đấu trên 80% cộng đồng dân cư và 100% công chức, viên chức nhà nước hiểu biết cơ bản về BĐKH. Nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống hạ tầng, công trình thủy lợi, kinh tế - xã hội, cộng đồng dân cư trước tác động của BĐKH.
Tây Ninh phấn đấu đến năm 2030, giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, giảm 25% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường nếu nhận được sự hỗ trợ quốc tế. Phát huy và đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng năng lượng mới và tái tạo, chủ động công tác điều tra, kiểm kê và thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Đưa giảm nhẹ phát thải và hấp thụ khí nhà kính thành các chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...
Để đạt được các mục tiêu, Tây Ninh đã đề ra nhóm giải pháp thích ứng với BĐKH như: tập trung bảo vệ, phục hồi tài nguyên nước; khai thác hợp lý tài nguyên đất và tài nguyên khoáng sản; tăng cường các giải pháp cải tạo, bảo vệ môi trường đất, nước và đa dạng sinh học; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thích ứng thông minh với BĐKH, phát triển chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản bền vững; phát triển hạ tầng thích ứng với BĐKH...
Hệ thống kênh thủy lợi giúp người nông dân có nước tưới tiêu, khắc phục nỗi lo thiếu nước trong mùa hạn hán