Tây Ninh: Kết luận kiểm tra về khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng

21/07/2017 00:00

(TN&MT) - UBND tỉnh tây Ninh vừa ban hành Kết luận kiểm tra số 1592/KL-UBND về việc chấp hành pháp luật nhà nước đối với các đơn vị được UBND tỉnh cấp giấy phép...

 

(TN&MT) - UBND tỉnh tây Ninh vừa ban hành Kết luận kiểm tra số 1592/KL-UBND về việc chấp hành pháp luật nhà nước đối với các đơn vị được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản cát trong lòng hồ Dầu Tiếng.

Theo đó, ngày 24/4/2017, UBND tỉnh Tây Ninh đã ra Quyết định số 894/QĐ-UBND ban hành kèm theo Kế hoạch, về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra việc chấp hành pháp luật nhà nước đối với các đơn vị được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản cát trong lòng hồ Dầu Tiếng.

Căn cứ báo cáo kết quả kiểm tra ngày 09/6/2017 của Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật nhà nước đối với các đơn vị được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản cát trong lòng hồ Dầu Tiếng. Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã có kết luận như sau:

Khu vực lòng hồ Dầu Tiếng được UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản cát xây dựng theo quy định của Luật Khoáng sản. Đây là cơ sở pháp lý để địa phương quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ khoáng sản, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích đối với nguồn khoáng sản cát xây dựng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tính đến tháng 4/2017, UBND tỉnh Tây Ninh đã cấp phép khai thác khoáng sản cát trong khu vực hồ Dầu Tiếng cho 11 dơn vị, vị trí các mỏ khai thác nằm trên địa bàn 02 huyện, gồm: huyện Tân Châu có 06 mỏ; huyện Dương Minh Châu có 05 mỏ, trong đó có 02 mỏ chưa đi vào khai thác. Tổng trữ lượng cát được phép khai thác theo giấy phép 6.452.454 m3, trữ lượng đã khai thác 897.049 m3, trữ lượng còn lại 5.555.405 m3 (kiểm kê trữ lượng đến ngày 31/12/2016)

Thời gian qua, công tác cấp phép khai thác cát được chấn chỉnh, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình, quy định, bảo đảm sự kết hợp hài hòa, hợp lý giữa khai thác tài nguyên khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu phát triển với bảo vệ an toàn công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng và bảo vệ môi trường sinh thái; hoạt động khai thác khoáng sản cát trong khu vực lòng hồ Dầu Tiếng cơ bản đúng quy trình, quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác cát trong khu vực lòng hồ Dầu Tiếng qua kiểm tra vẫn còn một số sai sót, một số đơn vị chưa tuân thủ đầy đủ một số quy định pháp luật liên quan đến khai thác mỏ, còn vi phạm Luật Khoáng sản. Công tác quản lý, phối hợp của các ngành chức năng có lúc chưa chặt chẽ, đồng bộ nên chậm phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm; việc quản lý về khối lượng, chất lượng, giá cả, vận chuyển sản phẩm cát ra thị trường còn bất cập.

Qua kiểm tra, phát hiện một số tồn tại, sai sót, vi phạm của các doanh nghiệp. Cụ thể, có 03 đơn vị: Công ty TNHH Hiệp Thuận, DNTN Thành Phúc và Công ty CP Xây dựng Thành Đạt không có mặt giám đốc điều hành mỏ tại thời điểm kiểm tra, vi phạm Điểu 31 Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

02 đơn vị: DNTN Hải Hà và Công ty TNHH Cát Giang hoạt động bến bãi tập kết cát trên diện tích đất nông nghiệp nhưng chưa thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại điểm d Khoảng 1 Điều 58 Luật Đất đai  năm 2013. Nguyên nhân là do Công ty Khai thác thủy lợi Tây Ninh chưa bàn giao việc cấm mốc giới đất vùng bán ngập theo Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 03/2012/TT-BTNMT ngày 12/4/2012 của Bộ TN&MT quy định quản lý, sử dụng đất vùng bán ngập lòng hồ thủy điện, thủy lợi.

02 đơn vị: DNTN Thành Phúc và Công ty CP Xây dựng Thành Đạt hoạt động đóng tàu khi chưa có giấy phép, vi phạm Điều 6 Nghị định số 24/2015-NĐ-CP ngày 27/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Các đơn vị chưa đảm bảo kê khai đầy đủ bằng hóa đơn VAT trong mua bán cát, chủ yếu thể hiện qua hóa đơn bán lẻ, không có hợp đồng, lượng cát kê xuất bán trên hóa đơn bằng khoảng 30% công suất cho phép. Việc quản lý cát qua hóa đơn VAT chưa đúng, chưa sát thực tế cát xuất bán. Hầu hết các đơn vị chưa thực hiện công bố tiêu chuẩn hợp quy, phân loại cát theo quy định.

Tại các khu mỏ chưa thực hiện công bố thông tin đơn vị khai thác cát theo quy định. Việc phân loại khoáng sản, biện pháp sàng, tuyển chọn cát sau khai thác; tổ chức và kiểm soát quá trình vận chuyển, lưu giữ, bảo quản cát; vận chuyển, bảo quản cát đảm bảo chất lượng trước khi đưa ra thị trường chưa được thực hiện hoặc mới chỉ thực hiện một phần, nên quy chuẩn, giá cả chưa phù hợp quy định; việc kê khai giá bán cát theo hướng dẫn Liên Sở: Xây dựng - Tài chính thực hiện chưa đầy đủ.

Việc lập hồ sơ xin phép hoạt động khai thác cát trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định tại Quyết định số 55/2004/QĐ-BNN ngày 01/11/2004 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trước đây và Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-BNNPTNT ngày 27/3/2015 hiện nay của Bộ NN&PTNT thực hiện chậm, chưa chặt chẽ theo quy định. Hiện có 06/11 doanh nghiệp đã nộp hồ sơ tại Sở NN&PTNT xin cấp phép lại theo quy định.

UBND tỉnh Tây Ninh yêu cầu đối với các đơn vị được kiểm tra phải thực hiện nghiêm túc kết luận kiểm tra và đề ra các biện pháp khắc phục ngay các hành vi vi phạm, không để tái diễn vi phạm, trong đó thực hiện nghiêm túc một số yêu cầu: Chấp hành nghiêm các Quyết dịnh xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Đề ra biện pháp khắc phục ngay các vi phạm, thời gian hoàn thành chậm nhất trong tháng 7/2017.

Hoàn thành các thủ tục còn thiếu, nhất là tiến hành ngay việc chuyển đổi lại giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo đúng quy định. Công bố đầy đủ, rõ ràng, nghiêm túc kế hoạch khai thác, xuất bán, vận chuyển cát (hàng ngày, hàng tuần, tháng…) để cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát. Đăng ký đầy đủ theo quy định đối với các phương tiện hoạt động, khai thác trong khu vực hồ (số lượng phương tiện, tải trọng…).

Việc khai thác cát phải thực hiện đúng nội dung đề án mỏ đã được phê duyệt và nội dung giấy phép khai thác khoáng sản đã được cấp, nhất là thực hiện nghiêm túc đúng quy định nội dung địa chỉ tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu cát phục vụ địa phương. Thực hiện nghiêm túc Khoản 2 Điều 5 Luật Khoáng sản quy định về trách nhiệm của tổ chức, các nhân khai thác khoáng sản

UBND tỉnh Tây Ninh cũng xử phạt hành chính đối với 03 đơn vị, gồm: Công ty TNHH Hiệp Thuận, DNTN Thành Phúc và Công ty CP Xây dựng Thành Đạt đã có hành vi vi phạm khai thác khoáng sản không có mặt giám đốc điều hành mỏ tại thời điểm kiểm tra theo quy định tại Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Cùng với đó, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm không đăng ký ngành nghề kinh doanh đóng mới phương tiện tàu hút cát, hoạt động đóng mới tàu không có giấy phép đối với 02 đơn vị, gồm: DNTN Thành Phúc và Công ty CP Xây dựng Thành Đạt theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở kết luận kiểm tra, UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị các sở, ngành, địa phương liên quan tiến hành kiểm điểm rút kinh nghiệm nghiêm túc về trách nhiệm của mình liên quan đến những sai phạm của doanh nghiệp, những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý, nhất là công tác kiểm tra, giám sát sau cấp phép khoáng sản. Đồng thời, xây dựng kế hoạch khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém đã nêu trong kết luận kiểm tra bảo đảm quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ theo đúng quy định.

Tường Tú

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Ninh: Kết luận kiểm tra về khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO