Tây Nguyên trong cơn đại hạn: Hệ quả của việc ồ ạt phá rừng

23/04/2015 00:00

(TN&MT) - Thời gian qua, rừng Tây Nguyên ngày càng bị thu hẹp về diện tích và chất lượng. Theo đánh giá của cơ quan chức năng và các chuyên gia, sự suy giảm của...

 

(TN&MT) - Thời gian qua, rừng Tây Nguyên ngày càng bị thu hẹp về diện tích và chất lượng. Theo đánh giá của cơ quan chức năng và các chuyên gia, sự suy giảm của nguồn tài nguyên rừng không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tài nguyên đất và tài nguyên nước.

Rừng bị phá tan hoang tại huyện M’Đrắk (tỉnh Đắk Lắk)
Rừng bị phá tan hoang tại huyện M’Đrắk (tỉnh Đắk Lắk)

Rừng liên tục bị xâm hại

Kết quả kiểm kê rừng của các tỉnh Tây Nguyên cho thấy, từ năm 2008 - 2014, diện tích rừng toàn vùng giảm 358.797ha và trồng rừng tăng 131.019ha. Như vậy, tổng diện tích rừng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên giảm 227.778ha (tương ứng giảm 4,1% độ che phủ). Những tỉnh để mất nhiều rừng là Gia Lai (135 ha), Đắk Lắk (86.000ha), Kon Tum (73 nghìn ha). Trong đó, diện tích rừng giảm do chuyển đổi trồng cao su, cây công nghiệp và cây ăn quả là 94.817ha (chiếm 26,4%); giảm do chuyển đổi xây dựng thủy điện, công trình giao thông và công trình công cộng là 33.706ha (chiếm 9,39%); giảm do chặt phá và lấn chiếm trái phép là 88.603ha (chiếm 24,6%); giảm do sai số trong công tác điều tra rừng năm 2008 so với năm 2014 là 134.902ha (chiếm 37,6%)…

Theo ông Nguyễn Bá Ngãi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), chất lượng rừng (đặc biệt là rừng tự nhiên) của Tây Nguyên đang bị suy thoái nghiêm trọng, chỉ còn 14,5% rừng giàu, 41% rừng trung bình, số còn lại là rừng nghèo, nghèo kiệt và rừng non phục hồi. Nguyên nhân chính làm suy giảm nhanh chóng diện tích rừng Tây Nguyên là việc nóng vội trong chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, kéo theo nạn phá rừng lấy đất canh tác, khai thác gỗ trái phép…

Tại Hội nghị lần thứ VIII của Ban chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng (2011 - 2020),  ông Y Dhăm Ênuôl (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk), cho rằng rừng tại địa phương đang tiếp tục bị xâm hại từng ngày. Ngoài áp lực dân số lên tài nguyên rừng, cơ chế chính sách đối với những đơn vị, cá nhân sống với rừng, tham gia quản lý bảo vệ rừng còn bộc lộ bất cập. “Tuần nào, tháng nào, năm nào tại Đắk Lắk cũng phát hiện các vụ xâm hại tài nguyên rừng. Trong khi đó, thu nhập của những người người trực tiếp tham gia quản lý bảo vệ rừng chưa đáp ứng được đời sống khiến họ không thể chỉ chú tâm vào việc giữ rừng” - ông Y Dhăm giải thích.

Còn ông Nguyễn Đức Luyện (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông) lại thẳng thắn cho rằng: “Báo cáo của tỉnh có nêu nhiều nguyên nhân dẫn đến mất rừng nhưng tôi nghĩ nguyên nhân đầu tiên chính là có liên quan đến cán bộ. Những vụ phá rừng trước đây không xử lý được bởi vì cán bộ có nhận đất nhận rừng, có buôn bán đất đai, thậm chí có chỉ đạo bật đèn xanh phá rừng sau đó mua lại. Chúng tôi đi thực tế nhận ra nguyên nhân mất rừng nhưng không làm rõ nguyên nhân, thậm chí công an vào cuộc cũng không thể làm rõ được sự việc vì có “quân ta” trong đó”.

Cần phát triển bền vững tài nguyên rừng

Ông Nguyễn Hoài Dương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, cho rằng: “Vai trò điều tiết nước của rừng, nhất là rừng đầu. Do biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên rừng, khai thác nước ngầm quá mức… tình trạng khô hạn tại Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên đang diễn biến ngày càng phức tạp. Vì vậy, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk luôn khuyến khích nông dân nên trồng xen canh các cây trồng khác trong vườn, rẫy để vừa giữ nước, vừa tăng thu nhập. Về lâu dài, chúng ta cần chú trọng việc trồng cây rừng ở đầu nguồn các công trình thủy lợi mới có thể giữ và tăng nguồn nước ngầm”.

Rừng thông ven QL14, đoạn đi qua tỉnh Đắk Nông bị chặt phá, đốt cháy
Rừng thông ven QL14, đoạn đi qua tỉnh Đắk Nông bị chặt phá, đốt cháy

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến, việc quan tâm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có ý nghĩa rất quan trọng đối với môi trường sống của con người và sự phát triển bền vững của quốc gia. “Rừng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ được rừng đồng nghĩa với việc bảo vệ được tài nguyên đất, tài nguyên rừng và đa dạng sinh học. Ngoài việc chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, việc để mất rừng tại Tây Nguyên trong những năm qua cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khô hạn ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn” - Thứ trưởng  Bùi Cách Tuyến nói.

Tại Hội nghị lần thứ VIII của Ban chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng (2011 - 2020), Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã phân tích: “Rừng là nguồn gen vô tận của con người, là nơi cư trú của các loài động thực vật quý hiếm. Vì vậy, tỷ lệ đất có rừng che phủ của mỗi quốc gia là một chỉ tiêu đánh giá chất lượng môi trường quan trọng. Diện tích đất có rừng của một quốc gia tối ưu phải đạt 45% tổng diện tích. Nước ta là một trong những nước bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Vì vậy, bảo vệ và phát triển rừng là một trong những giải pháp quan trọng để hạn chế biến đổi khí hậu”.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các tỉnh Tây Nguyên trong năm 2015 phải tập trung vào công tác phòng chống cháy rừng; tăng cường sự phối hợp giữa các ngành chức năng để phát hiện, ngăn chặn và xử lý nạn chặt phá, lấn rừng trái phép; nâng cao chất lượng rừng sản xuất, đẩy mạnh công tác trồng rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về rừng cho người dân... “Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn xác định công tác bảo vệ và phát triển rừng tại Tây Nguyên có ý nghĩa vô cùng quan trọng để đảm bảo lợi ích tổng hợp, kết hợp hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh. Bởi vậy, dù gặp vô vàn những khó khăn, kể cả khó khăn về kinh tế, Tây Nguyên cũng phải tập trung bảo vệ và phát triển rừng” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Thu hồi, đình chỉ 124 dự án đầu tư trên đất lâm nghiệp

Từ năm 2006 - 2013, toàn Tây Nguyên có 700 dự án được cấp phép đầu tư với mục đích trồng, cải tạo, chuyển đổi trồng cao su với tổng diện tích đất lâm nghiệp là 215.721 ha. Đã có rất nhiều dự án triển khai không hiệu quả dẫn đến tình trạng tranh chấp đất lâm nghiệp, dân ồ ạt vào phá rừng giành phần sử dụng đất. Mãi đến cuối năm 2011, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 1685/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ thì tình trạng trên mới từng bước bị ngăn chặn, đẩy lùi. Hiện các tỉnh Tây Nguyên đã thu hồi 76 dự án với diện tích gần 8.000ha và đình chỉ 48 dự án với diện tích 1.261ha, nhưng hậu quả mất rừng vẫn chưa dừng lại.

 

Lê Phước

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Nguyên trong cơn đại hạn: Hệ quả của việc ồ ạt phá rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO