Môi trường

Niềm vui từ rừng

Thanh Ngà 14/11/2024 - 10:06

(TN&MT) - Đã từ lâu ở Trạm Tấu (Yên Bái) không chỉ có hội Gầu Tào, hội xuân, hội xuống đồng mà còn có một dịp được người dân ví như ngày hội đó là ngày người dân được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng.

Năm nay, tiền dịch vụ môi trường rừng được trả tại UBND xã Bản Công. Ông Tráng A Thông là người nhiều năm gắn bó với công việc bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn cũng là người yêu rừng, yêu cây dành cả tâm sức góp phần trồng lên những cánh rừng thông xanh ngút ngàn của huyện như ngày hôm nay.

anh-1(3).jpg

Với ông Thông, ngày được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng đúng là ngày hội của những người trồng và bảo vệ rừng. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, hơn nửa đời người, ông Thông đã gắn bó với rừng nên thấu hiểu được sự cần thiết phải trồng và bảo vệ rừng. Năm nay, ông Thông được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng với số tiền hơn 17 triệu đồng. Số tiền này với ông vừa là niềm vui vừa là trách nhiệm để ông thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ rừng phòng hộ.

Ông Tráng A Thông, chia sẻ: “Mình được nhận tiền thì phải có trách nhiệm hơn với rừng. Nhờ có rừng, mình có tiền trang trải cuộc sống trong gia đình. Mình sẽ thường xuyên vận động con cháu và bà con trong thôn không mang lửa vào rừng, không chặt phá rừng bừa bãi. Khi xảy ra cháy phải nhanh chóng cứu rừng. Mình yêu rừng thì rừng khắc yêu lại thôi”.

anh-2(2).jpg
Người dân huyện Trạm Tấu phấn khởi được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng.

Chung suy nghĩ với ông Thông, những người thuộc thế hệ hậu sinh như anh Phàng A Chua ở thôn Tà Xùa cũng nhận thức được rất rõ trách nhiệm của bản thân trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Anh cho hay: Mỗi lần được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng là mỗi lần nhắc nhở mình phải làm tròn trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, rừng còn xanh thì bà con sẽ no ấm.

Trong số 11 xã được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng lần này, xã Bản Công được thụ hưởng nhiều nhất với số tiền trên 3,7 tỷ đồng. Với số tiền này, ngoài việc góp phần nâng cao trách nhiệm ý thức của người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng, còn có tác động rất lớn đối với đời sống sinh hoạt của người dân, nhất các hộ nghèo.

Chị Hảng Thị Di ở thôn Khấu Chu chia sẻ: “Lần này nhà em được nhận gần 17 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Với số tiền này, không chỉ riêng em mà các chị em phụ nữ khác trong thôn đều rất phấn khởi vì đã giải quyết được những nhu cầu thiết thực trong cuộc sống. Có số tiền này giúp gia đình trang trải cuộc sống, mua thêm giống lúa, giống ngô về trồng thêm vụ và mua thêm quần áo mới cho các thành viên trong gia đình”.

dt_24420231618_po-mu-3.jpg
Chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần giúp người dân có thêm thu nhập từ rừng, thêm yêu rừng và gắn bó với rừng.

Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng và tiếp nhận Quỹ dịch vụ môi trường rừng tỉnh Yên Bái, trong những năm qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu đã tham mưu với chính quyền địa phương thành lập các ban chỉ đạo bảo vệ và phát triển rừng từ huyện đến xã. Tại các thôn bản, sau khi tổ chức họp thôn, thống nhất bầu được các thành viên trong tổ, đội bảo vệ rừng, lựa chọn người đại diện thực hiện hợp đồng nhận giao khoán bảo vệ rừng. Trên cơ sở đó, tổ chức ký cam kết, thông qua kế hoạch giao đã tiến hành chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, đảm bảo công khai, minh bạch giữa các bên, từ người dân, tổ bảo vệ rừng, đến chính quyền xã.

Ông Phạm Thành Đô - Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu cho biết: Năm 2023, huyện Trạm Tấu có trên 34.000ha rừng được chi trả phí dịch vụ môi trường rừng cho 55 hợp đồng với 6.117 hộ nhận khoán và hưởng lợi từ rừng với tổng số tiền trên 16,2 tỷ đồng. Trong đó, nhiều nhất là xã Bản Công với trên 3,7 tỷ đồng tiếp đến là các xã Túc Đán trên 3,4 tỷ đồng và Bản Mù là 3,2 tỷ đồng. Từ ngày ngày 10 - 18/6/2024, các hộ dân của huyện đã được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng dưới sự giám sát của cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ và chính quyền địa phương.

Với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, thấy được vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương được nâng lên rõ rệt, người dân rất tích cực bảo vệ rừng. Tại nhiều xã, mô hình bảo vệ rừng theo cộng đồng dân cư thôn bản, đã và đang phát huy hiệu quả, bởi khi được hưởng lợi từ rừng người dân vùng cao có thêm nguồn thu nhập, thêm yêu rừng, thêm gắn bó với rừng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Niềm vui từ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO