Môi trường

Kiểm soát phát thải từ hoạt động giao thông tại TP. Hồ Chí Minh - Kỳ cuối: Giải bài toán hạ tầng trạm sạc

Nguyễn Quỳnh - Thục Vy - Đình Du 14/11/2024 - 10:04

(TN&MT) - Phát triển xe điện là giải pháp tối ưu để thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh cũng như giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải. Để phát triển xe điện thành công, bước đầu tiên là phải khẩn trương giải bài toán xây dựng hệ thống hạ tầng sạc điện nhanh và rộng khắp.

Trước thực trạng thiếu nghiêm trọng trạm sạc cho xe điện, chính quyền TP.HCM và các doanh nghiệp đã có những giải pháp, kế hoạch để giải bài toán nhiều thách thức này.

Mô hình trạm sạc nhượng quyền

Ông Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Điều hành VinFast Ô tô Việt Nam cho biết: Tháng 3/2024, Tập đoàn Vingroup đã thành lập Công ty Cổ phần Phát triển Trạm sạc toàn cầu V-GREEN với kinh phí đầu tư trong 2 năm tới là 10.000 tỷ đồng nhằm hiện thực hóa mục tiêu 150.000 cổng sạc tại tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước.

k3.2.jpg
Khách hàng trải nghiệm tại trạm sạc mới được EV ONE khai trương tại một tòa nhà văn phòng trên đường Lê Duẩn (Quận 1)

Đặc biệt, đầu tháng 9/2024, V-GREEN đã công bố tiên phong triển khai mô hình trạm sạc nhượng quyền tại Việt Nam. Có nghĩa là, doanh nghiệp này sẽ phối hợp với các chủ sở hữu mặt bằng để đầu tư xây dựng, khai thác hệ thống trạm sạc trên toàn quốc.

Với kế hoạch này của V- GREEN, nhiều người cho rằng đây thực sự là bước đi nhanh nhất để nhanh chóng phủ sóng hệ thống trạm sạc, bởi bản thân doanh nghiệp không thể có khả năng chủ động được số lượng mặt bằng nhiều như vậy.

Ngoài V- GREEN, tại TP.HCM, một số doanh nghiệp ngành năng lượng đã bắt đầu triển khai các dự án xây dựng, lắp đặt trạm sạc, cổng sạc để phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Đến nay, Công ty cổ phần thiết bị và giải pháp sạc điện (EV ONE) đã triển khai hệ thống gồm 6 trạm sạc công cộng, trong đó có 4 trạm sạc nhanh DC cung cấp công suất lên đến 180kW. Giai đoạn 2025 - 2026, EV ONE dự kiến sẽ phát triển ít nhất 200 trạm sạc công cộng, với hơn 600 đầu sạc tại TP.HCM và các thành phố lớn khác.

Ông Huỳnh Tiến Đạt - Giám Đốc Điều Hành EV ONE cho biết: Sở hữu công nghệ sạc hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn khắt khe của châu Âu, hệ thống trạm sạc công cộng EV ONE tương thích với mọi dòng xe điện hiện hành trên thị trường Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi thiết kế ứng dụng EV ONE, với giao diện trực quan cùng các tính năng thông minh, giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm trạm sạc, quản lý chi phí sạc một cách tối ưu.

Còn đối với Công ty TNHH EV Power, doanh nghiệp này đã lắp đặt và đưa vào vận hành 5 trạm sạc công cộng (trụ sạc nhanh DC), trong đó có 4 trạm đặt tại TP.HCM. Năm 2025, doanh nghiệp này đặt mục tiêu xây dựng 20 trạm sạc nhanh, đồng thời triển khai thêm các trụ sạc chậm (trụ sạc AC) tại các khu chung cư nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dùng xe điện. Mục tiêu của EV Power là phát triển mạng lưới trạm sạc xe điện phủ rộng khắp các thành phố lớn và khu vực có nhu cầu cao, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dung xe điện.

Đại diện Công ty BYD cho biết: Song song với việc đưa các dòng xe điện mới nhất vào thị trường Việt Nam, doanh nghiệp cũng đang nỗ lực làm việc với các đối tác để phát triển hệ thống trạm sạc, chia sẻ và cùng định hướng trong việc xây dựng mạng lưới trạm sạc điện trên toàn quốc, nhằm thúc đẩy nhanh chóng việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho xe điện.

Ngoài sự chủ động tham gia của các doanh nghiệp, dự kiến TP.HCM sẽ chi 1.347,2 tỷ đồng ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng trạm sạc điện. Cụ thể, từ nay đến 2030, TP.HCM sẽ đầu tư 25 trạm sạc điện với 269 trụ để bổ sung vào mạng lưới, đáp ứng cho nhu cầu của hệ thống xe buýt điện trong tương lai của thành phố.

Cần nhiều chính sách hỗ trợ

Để nhanh chóng phủ sóng hệ thống trạm sạc, đáp ứng cho quá trình chuyển đổi phương tiện giao thông sang xe điện đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, các doanh nghiệp đã có nhiều kiến nghị các giải pháp hỗ trợ trong ngắn hạn và lâu dài.

k3.1.jpg
Với mô hình trạm sạc nhượng quyền, V-GREEN đang hướng tới mục tiêu có 150.000 cổng sạc tại tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước

Đại diện Công ty BYD kiến nghị TP.HCM cần sớm ban hành các chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, trạm sạc, kinh doanh vận tải, xe công nghệ: ưu đãi thuế TNDN, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, giảm giá tiền điện, miễn hoặc giảm tiền thuê vị trí lắp đặt,.. Ưu tiên dành các quỹ đất, quy hoạch các địa điểm và tạo điều kiện thuận lợi các doanh nghiệp tiếp cận thuê để đầu tư các trạm sạc, giá ưu đãi. Ngoài ra, cần sớm ban hành các quy định, tiêu chuẩn, hướng dẫn cụ thể về đầu tư lắp đặt, vận hành trạm sạc công cộng, an toàn PCCC, kết nối lưới điện đủ công suất….

Ông Huỳnh Tiến Đạt - Giám Đốc Điều Hành EV ONE cũng kiến nghị Nhà nước cần sớm ban hành các quy định về đầu tư và kinh doanh trạm sạc. Ví dụ như quy định về mã ngành cho hoạt động kinh doanh trạm sạc, quản lý mạng lưới trạm sạc, hóa đơn dịch vụ và tiền điện liên quan đến dịch vụ sạc, các quy định về xây dựng liên quan đến trạm sạc…

Đồng thời, vị lãnh đạo của EV ONE cũng đề nghị Nhà nước cần có các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, phí, lãi suất vay để thu hút đầu tư vào xây dựng hệ thống trạm sạc. Đặc biệt, Nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ giá điện cho các trạm sạc công cộng để giảm chi phí vận hành và khuyến khích người dùng; phối hợp với Tập đoàn Điện lực để nâng cấp hạ tầng điện, đảm bảo cung cấp đủ điện cho trạm sạc.

“Trong tương lai, tôi dự đoán rằng các trạm sạc sẽ không chỉ là nơi để sạc xe mà còn là những trung tâm dịch vụ, cung cấp nhiều tiện ích cho người dùng. Để đạt được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng” - Giám Đốc Điều Hành EV ONE Huỳnh Tiến Đạt kỳ vọng.

Liên quan đến giá điện, giữa tháng 10/2024, Công ty VinFast đã có văn kiến nghị Thủ tướng cho phép được áp dụng giá bán lẻ điện sản xuất đối với trụ sạc cho xe điện. Điều này sẽ trực tiếp hỗ trợ và khuyến khích người dân tham gia chuyển đổi xanh, sử dụng điện và năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính, cũng như tham gia trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.

Mới đây, Tổ chức Hợp tác Quốc tế CHLB Đức(GIZ) cũng khuyến nghị TP.HCM cần sớm có quy hoạch hạ tầng trạm sạc, ban hành quy định chuẩn hóa về tiêu chuẩn kỹ thuật dùng chung cho các trạm sạc, đặc biệt cần xem xét miễn tiền thuê đất cho đơn vị đầu tư kinh doanh trạm sạc đến 2040…

Tổ chức này cũng khuyến nghị TP.HCM cần sớm có giải pháp bắt buộc các tòa nhà văn phòng, chưng cư cao tầng phải có trạm sạc xe điện hoặc phải ít nhất cũng phải cung cấp ổ cắm tối thiểu 220v dùng cho mục đích sạc xe điện.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, thời gian tới thành phố sẽ hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong nước tham gia đầu tư xây dựng trạm cung cấp năng lượng (điện, năng lượng xanh) phục vụ cho phương tiện giao thông trên địa bàn TP.HCM.

Như vậy, nếu các quy định và chính sách hỗ trợ được sớm ban hành thì trong một thời gian không xa TP.HCM và các địa phương sẽ có một hệ thống trạm sạc đồng bộ, hiện đại, đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi phương tiện giao thông điện. Từ đó, giúp đẩy nhanh hoàn thành mục tiêu trung hòa các bon của ngành giao thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát phát thải từ hoạt động giao thông tại TP. Hồ Chí Minh - Kỳ cuối: Giải bài toán hạ tầng trạm sạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO