Tây Nguyên: Thảm rừng biến động mạnh

16/08/2016 00:00

(TN&MT) - Do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cùng với việc quản lý tài nguyên rừng chưa được chặt chẽ đã dẫn đến thảm rừng ở Tây Nguyên suy giảm đáng báo...

(TN&MT) - Do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cùng với việc quản lý tài nguyên rừng chưa được chặt chẽ đã dẫn đến thảm rừng ở Tây Nguyên suy giảm đáng báo động về cả diện tích và chất lượng.
 
Diện tích rừng giảm mạnh
 
Kết quả tổng hợp từ Dự án Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2014 – 2016 của Viện Điều tra, Quy hoạch rừng cho thấy, diện tích rừng ở Tây Nguyên hiện nay gần 2,5 triệu ha  rừng với độ che phủ là 45,8%. Trong đó, rừng tự nhiên vẫn chiếm chủ yếu với gần 2,2 triệu ha chiếm 84%, rừng trồng chiếm hơn 207 nghìn ha. Tuy vậy, khai thác gỗ và lâm sản ồ ạt dẫn đến trữ lượng rừng đang suy giảm. Cụ thể, rừng giàu chỉ chiếm 14,5%, rừng trung bình chiếm 41%, rừng nghèo chiếm 39,6%, còn lại là rừng nghèo kiệt, rừng non phục hồi chiếm 6%. Như vậy, diện tích rừng nghèo và rừng nghèo kiệt ngày càng tăng dẫn đến chất lượng rừng suy thoái, rừng có trữ lượng lớn chủ yếu tập trung ở khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. 
 
Diện tích rừng ở Tây Nguyên gần đây cũng giảm mạnh mẽ. Rừng tự nhiên suy giảm chủ yếu là rừng thường lá xanh, đây là kiểu rừng có tiềm năng điều tiết nguồn sinh thủy tốt nhất. Giai đoạn 2010 - 2015, về tổng thể toàn vùng rừng trồng không tăng mà còn giảm hơn 13 nghìn  ha. Trong đó, rừng sản xuất có biến động mạnh, sau đó, là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng ít bị biến động nhất. 
 
Có nhiều nguyên nhân làm giảm diện tích rừng và chất lượng rừng ở Tây Nguyên. Trong đó, việc triển khai thực hiện các dự án chuyển đổi rừng đã làm mất rừng ở Tây Nguyên. Theo kết quả điều tra đánh giá chuyển đổi rừng của Viện Điều tra, Quy hoạch rừng cho thấy, giai đoạn năm 2006 – 2012, có khoảng 154 nghìn ha rừng đã được chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác. Cụ thể, toàn vùng Tây Nguyên có khoảng 745 dự án chuyển đổi bao gồm: sản xuất nông nghiệp 177 dự án, cao su 120 dự án, thủy điện 86 dự án, khai thác khoáng sản 58 dự án, an ninh quốc phòng 29 dự án, tái định cư 16 dự án, thủy lợi 14 dự án, khu công nghiệp 8 dự án, du lịch sinh thái 2 dự án, mục đích khác 235 dự án.
Cháy rừng là một trong những nguyên nhân khiến diện tích rừng Tây Nguyên suy giảm
Cháy rừng là một trong những nguyên nhân khiến diện tích rừng Tây Nguyên suy giảm
 
Một nguyên nhân khác dẫn đến diện tích rừng giảm là do phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác, sản xuất nông nghiệp. Tình hình này đang diễn ra vô cùng gay gắt, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài nguyên rừng, tạo ra sự bức xúc trong xã hội. Một số nguyên nhân khác như: cháy rừng, sạt lở đất, trồng rừng suy thoái, ... Thảm rừng suy giảm dẫn đến khả năng phòng hộ môi trường, điều tiết nguồn nước, hạn chế lũ lụt của thảm rừng vùng Tây Nguyên suy giảm. Mất rừng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng khô hạn, lũ lụt bất thường... đã và đang xảy ra ở Tây Nguyên hiện nay. 
 
Kiểm soát rừng chặt chẽ
 
Theo TS. Nguyễn Huy Dũng, Viện Điều tra, Quy hoạch rừng nguyên nhân sâu xa dẫn tới thảm rừng ở Tây Nguyên giảm mạnh chủ yếu là do công tác quản lý các cấp còn lỏng lẻo. Bởi vậy, trong giai đoạn tới, cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, kiểm soát chặt chẽ các chương trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất rừng. Tăng cường các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học. Tăng cường công tác bảo vệ rừng, xử lý nghiêm các vụ vi phạm trái phép về khai thác, phá rừng, xâm lấn rừng, kiểm soát cháy rừng và hoạt động khai thác khoáng sản tác động tới rừng.
 
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần triển khai rà soát quy hoạch 3 loại rừng (rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng) và quy hoạch bảo vệ phát triển rừng cấp tỉnh, cấp vùng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế vùng cũng như phòng hộ nguồn sinh thủy trong khu vực. Trên cơ sở đó, triển khai các hoạt động quản lý và sử dụng ổn định các lâm phận, triển khai cắm mốc ranh giới toàn bộ diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; rà soát, xắp xếp lại các công ty lâm nghiệp trong toàn vùng.
 
Tăng cường các chương trình quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng đối với rừng sản xuất. Đặc biệt, triển khai Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, tăng cường trồng rừng nguyên liệu, trồng rừng gỗ lớn nâng cao hiệu quả kinh tế, ổn định đời sống người dân trong vùng. Đồng thời, tiếp tục triển khai các chương trình giao đất, giao rừng cho người dân và cộng đồng; có chính sách hỗ trợ cộng đồng địa phương trong các chương trình quản lý rừng cấp cộng đồng.
 
Vũ Vân
 
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Nguyên: Thảm rừng biến động mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO