Tây Nguyên căng mình phòng cháy rừng

27/03/2018 10:41

Các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào cao điểm của mùa nắng nóng nhất trong năm. Nhiều địa phương trong thời gian dài vẫn chưa có mưa dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Thời điểm này, các đơn vị chủ rừng, tổ chức, cá nhân nhận giao khoán rừng cùng các đơn vị liên quan đang căng mình túc trực, triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do cháy rừng mùa khô gây ra.

Chủ động trước nguy cơ cháy cao

Mới 8 giờ sáng nhưng ánh nắng gay gắt đã ngự trị cả bầu trời Tây Nguyên xanh ngắt. Vài cơn mưa nhỏ, cục bộ diễn ra trong thời gian ngắn những ngày trước đó vẫn không đủ để xua đi sự lo lắng của ông Trịnh Xuân Tự, Phó Trưởng BQL rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim (Lâm Đồng), đơn vị đang quản lý trên 45.000ha rừng. “Trong số diện tích rừng chúng tôi quản lý, chủ yếu là rừng thông, vốn là loại cây rất dễ bén lửa vì chứa rất nhiều nhựa!..”, ông Tự chia sẻ.

Diện tích rừng thuộc sự quản lý của BQL rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim nằm trên địa bàn huyện Lạc Dương, nơi có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Lâm Đồng. Theo ông Tự, một trong những khó khăn đối với việc kiểm soát cháy rừng mùa khô tại địa phương này chính là hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân thường xen kẽ với rừng. Chỉ một tàn thuốc lá bị vô ý ném ra rừng thông của người sử dụng đúng vào thời điểm nắng nóng, gió hanh trên lớp thực bì rừng khô như rang cũng có thể dẫn đến những trận cháy rừng trên diện rộng, gây thiệt hại lớn.

Trong khi đó, ông Hà Công Tài, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm vùng 4 cho biết, sau Tết Nguyên đán, tình trạng đốt nương làm rẫy, chờ mưa xuống để gieo trồng nông nghiệp diễn ra khá phổ biến ở Tây Nguyên, trở thành nguồn gây nguy cơ cháy rừng rất cao. Tính đến giữa tháng 3-2018, tổng diện tích rừng trong vùng trọng điểm dễ cháy tại khu vực Tây Nguyên (gồm Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) là khoảng 740.000ha. Chính vì vậy, từ đầu mùa khô năm 2018, hầu hết các đơn vị chủ rừng ở Tây Nguyên đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống cháy rừng.

Tại Lâm Đồng, tỉnh này đang có trên 500.000ha đất có rừng, độ che phủ đạt 53%. Từ đầu tháng 12-2017, diện tích rừng dễ xảy ra cháy thuộc địa bàn các huyện Đơn Dương, Lạc Dương, Lâm Hà, Đức Trọng và TP Đà Lạt đã được các đơn vị chức năng đốt chủ động lớp thực bì trên mặt đất nhằm ngăn chặn, hạn chế nguy cơ cháy rừng. Tương tự, ở tỉnh Kon Tum, diện tích rừng tại một loạt huyện như Ngọc Hồi, Đắk Hà, Sa Thầy, Tu Mơ Rông… cũng đã được cảnh báo nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra cháy rất cao. Từ nhiều tháng qua, trên địa bàn các huyện này vẫn chưa có mưa, nắng nóng gay gắt và gió thổi mạnh vẫn chưa có dấu hiệu chững lại.

Để chủ động đối phó với nguy cơ cháy rừng vào mùa khô, các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị chủ rừng khu vực Tây Nguyên đang khẩn trương triển khai công tác phòng chống cháy rừng, lấy phương châm phòng chống là chính.

Ông Đồng Văn Lâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), cho biết, hiện đơn vị đang quản lý diện tích rừng lớn nhất tỉnh Lâm Đồng với trên 111.000ha rừng, gồm 3 loại rừng là rừng đặc dụng (54.358ha), rừng phòng hộ (36,237ha) và rừng sản xuất (17.7319ha). Từ đầu mùa khô 2018, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ rừng tiến hành tập huấn, đưa ra các phương án phòng cháy chữa cháy rừng để có thể hoàn toàn chủ động đối phó với những vụ cháy rừng trong mùa khô.

tay nguyen
Tuần tra phòng chống cháy rừng.

Trong khi đó, tại tỉnh Đắk Lắk, hiện trọng tâm trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng đang hướng về loại rừng gỗ lá kim, rừng hỗn giao tre nứa, tập trung tại các huyện Ea Hleo, Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Ana… Đây là loại rừng có nguy cơ xảy ra cháy rất cao và công tác phòng cháy, chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn.

Ăn ngủ trên rừng

Ông Ha Krong, ngụ thôn 4, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), người đứng ra đại diện cho 38 hộ ký hợp đồng nhận khoán bảo vệ gần 900ha rừng với BQL rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim cho biết, từ đầu mùa khô tới nay, các hộ nhận khoán bảo vệ rừng tại địa phương luôn trong tâm thế chủ động để đối phó với nguy cơ cháy rừng.

Trước đó, toàn bộ diện tích rừng mà 38 hộ trong thôn nhận trông coi, bảo vệ đã được đốt xử lý thực bì. Không chủ quan, hiện mỗi ngày tại diện tích rừng được giao khoán vẫn có hơn chục người thay nhau tuần tra, canh gác, đó là chưa kể lực lượng của Hạt Kiểm lâm và BQL rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim.

Chỉ tính riêng Lạc Dương, vào mùa khô này, ba đơn vị chủ rừng nhà nước (gồm BQL rừng Đa Nhim, BQL rừng Tà Nung và BQL rừng Lâm Viên) đã có khoảng 3.100 người thuộc các tổ nhận khoán trực cháy. Đây cũng là lực lượng trực tiếp tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng khi có cháy xảy ra.

Tương tự, các hộ nhận giao khoán rừng ở huyện Cư Jút (Đắk Nông), trong thời gian này cũng đang căng mình chống chọi với nắng nóng và nguy cơ cháy rừng rất cao. Ông Tưởng Văn Hùng, người nhận trông coi hơn 50ha rừng cho biết, đây là thời gian cao điểm của người dân đốt rẫy làm nương.

Hằng ngày, ba cha con ông Hùng vẫn phải thay nhau đi tuần, ăn ngủ trên rừng để nhắc nhở những người đốt nương phải hết sức thận trọng, tuyệt đối không để lửa cháy lan ra ngoài. Nhờ làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mà từ cuối năm 2017 đến nay, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên chỉ để xảy ra 6 vụ cháy rừng nhưng đã kịp thời được phát hiện và dập tắt ngay sau đó, gây thiệt hại khoảng 80ha rừng.

Ông Hà Công Tài, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng 4 cho biết, để chủ động đối phó với nguy cơ xảy ra cháy rừng vào mùa khô, các tỉnh Tây Nguyên đều đã thành lập các ban chỉ đạo, chỉ huy PCCC rừng. Tùy vào tình hình cụ thể của mỗi địa phương mà một tỉnh có từ vài chục ban chỉ đạo đến trên 200 ban từ cấp tỉnh tới cơ sở. Những ban này sẽ là lực lượng chính trực tiếp tham gia phòng chống cháy rừng.

“Tây Nguyên đang bước vào thời điểm nắng nóng nhất trong năm nên ngành kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng đang đang căng mình đối phó với nguy cơ cháy rừng ở mức độ cao”, ông Hà Công Tài nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Nguyên căng mình phòng cháy rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO