Theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nhìn lại quá trình 44 năm chuyển biến về kinh tế, xã hội và môi trường ở ĐBSCL, hạ tầng cơ sở giao thông vận tải yếu kém là một điểm nghẽn chính trong phát triển của đồng bằng. Đặc biệt, ĐBSCL và TP.HCM là hai đối tác mà mỗi bên sẽ không còn là chính mình nếu không có đối tác kia, do đó, liên kết vùng trong đó huyết mạch giao thông là “mạch máu” để có sự phát triển đồng bộ.
Cầu Vàm Cống - Ảnh: Chinhphu.vn |
Phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng ĐBSCL
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, sẽ tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, làm cơ sở xác định, huy động nguồn lực triển khai đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tổng thể vùng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng, góp phần làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Tập trung chỉ đạo để hoàn thành các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng đã được bố trí vốn. Đối với nhiệm vụ cụ thể cho từng lĩnh vực, Bộ GTVT cho biết, về đường bộ: Từng bước xây dựng hoàn chỉnh các tuyến quốc lộ, tuyến cao tốc trục dọc, trục ngang trong vùng để kết nối TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL, kết nối các trung tâm đô thị trong vùng, kết nối các cảng biển, khu kinh tế đến các cửa khẩu như: Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc, tuyến Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, tuyến Đức Hòa - Mỹ An - Vàm Cống, tuyến An Hữu - Cao Lãnh, cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi, nâng cấp các tuyến QL30, QL53, QL54, QL57, QL61, QL61B, QL63…
Hoàn chỉnh tuyến vành đai 3, vành đai 4 TP.HCM, kết nối TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ với vùng ĐBSCL. Nghiên cứu bổ sung tuyến trục động lực TP.HCM - Long An - Tiền Giang vào Quy hoạch mạng đường bộ quốc gia (tuyến QL50B), tăng cường kết nối giữa TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL.
Về đường thủy nội địa: Cải tạo, nâng cấp và hoàn thành đưa vào cấp kỹ thuật các luồng tuyến vận tải thủy nội địa như các tuyến TP.HCM đi Kiên Lương, TP.HCM đi Cà Mau, TP.HCM đi Bến Kéo, TP.HCM đi Bến Súc; nâng cấp, nâng tĩnh không các cầu, nâng cao năng lực luồng vận tải thủy, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng GTVT; giảm tắc nghẽn trên các tuyến đường thủy chính; giảm chi phí vận chuyển hàng hóa từ nhà sản xuất đến thị trường tiêu dùng.
Hoàn thiện thủ tục đầu tư Dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, dự kiến sẽ khởi công năm 2020 và hoàn thành năm 2025. Nghiên cứu triển khai Dự án nạo vét, cải tạo kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền kết nối giữa sông Tiền và sông Hậu nhằm rút ngắn cự ly vận tải giữa cảng Cần Thơ về cảng biển khu vực Đông Nam Bộ để giảm chi phí vận tải và logistics.
Về hàng hải: Hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch cảng biển Sóc Trăng và bến cảng biển Trần Đề; khuyến khích kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa để sớm hình thành một cảng biển cửa ngõ cho tàu có trọng tải đến 100.000 tấn và trên 100.000 tấn, phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp của khu vực ĐBSCL.
Triển khai Dự án Luồng tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn hoàn chỉnh, đảm bảo ổn định luồng tàu; tổ chức khai thác hiệu quả, hình thành các tuyến vận tải công ten nơ kết nối khu vực ĐBSCL với các cảng biển khu vực Đông Nam Bộ (Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải).
Về hàng không: Nghiên cứu nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc để đáp ứng nhu cầu hành khách ngày càng tăng cao; nghiên cứu, đầu tư các loại tàu bay thế hệ mới như A319/320/neo/ceo có sức chứa từ 160 - 165 hành khách để khai thác tuyến bay Tân Sơn Nhất - Rạch Giá và Tân Sơn Nhất - Cà Mau; phối hợp với TP. Cần Thơ làm việc với các hãng hàng không nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách để khuyến khích các hãng hàng không mở thêm nhiều đường bay mới kết nối Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ với các thành phố trong nước và quốc tế, giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất hiện đang quá tải nghiêm trọng.
Về đường sắt: Kêu gọi đầu tư tuyến đường sắt kết nối từ TP.HCM đến Cần Thơ phù hợp với định hướng Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng ĐBSCL |
Huy động đa dạng nguồn lực
Theo Bộ GTVT, việc huy động đa dạng nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên các nguồn lực để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng GTVT quan trọng, có vai trò động lực, lan tỏa, liên kết vùng (các tuyến quốc lộ, cao tốc trên tuyến trục dọc kết nối với TP.HCM, đường kết nối các khu kinh tế, cảng biển và các hành lang vận tải quốc tế). Kết hợp hiệu quả nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương, có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Đồng thời, nghiên cứu, triển khai các cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư cải thiện hạ tầng, thúc đẩy kết nối giữa các phương thức vận tải đường bộ, đường thủy kết nối với cảng đường thủy nội địa, cảng biển và cảng hàng không. Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải, dịch vụ vận tải; đổi mới phương tiện, công nghệ, trang thiết bị dịch vụ vận tải, ưu tiên phát triển vận tải container, đa phương thức và dịch vụ logistics để điều tiết hợp lý giữa các phương thức vận tải.
Về nhiệm vụ của ngành đối với nhiệm vụ phát triển vùng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận định: “GTVT phải đi trước mở đường, là mạch máu của nền kinh tế. GTVT phát triển đến đâu, kéo các ngành kinh tế phát triển theo”. Do đó, người đứng đầu ngành GTVT quyết tâm tiến hành tái cơ cấu lại ngành giao thông vận tải và quan tâm nhiều hơn đến vận tải thủy, đặc biệt là tuyến đường sắt kết nối TP.HCM với Cần Thơ để hoàn thành được nhiệm vụ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL, kết nối vùng ĐBSCL với các trung tâm phát triển kinh tế.