Theo Tổng cục Quản lý đất đai, tính đến cuối năm 2018, cả nước đã đo đạc lập bản đồ địa chính đạt trên 77% tổng diện tích tự nhiên (các loại tỷ lệ bản đồ); tỷ lệ cấp GCN lần đầu đạt trên 97,2% tổng diện tích các loại đất cần cấp. Đồng thời, đã tổng hợp các trường hợp còn tồn đọng chưa được cấp GCN lần đầu và phân tích nguyên nhân vướng mắc để đề xuất các giải pháp thực hiện hoàn thành công tác cấp GCN lần đầu trên phạm vi cả nước.
Kết quả này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai, bảo đảm điều kiện pháp lý cho người sử dụng đất thực hiện các quyền, nghĩa vụ hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật đất đai.
Về công tác đo đạc, rà soát ranh giới, cắm mốc và cấp GCN đất nông, lâm trường, tính đến cuối năm 2018, có 34/45 tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát ranh giới, cắm mốc (34.975 km/40.791 km, đạt 85,7% khối lượng nhu cầu); 38/45 tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành đo đạc lập bản đồ địa chính (1.335.637 ha/1.404.870 ha, đạt 95,1% khối lượng khối lượng nhu cầu); 11/45 tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác cấp GCN (đã có 46,3% diện tích các công ty nông nghiệp, 78% diện tích các công ty lâm nghiệp và 70% diện tích ban quản lý rừng, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên đã được cấp GCN; đã thực hiện cấp đổi GCN theo kết quả đo đạc địa chính chính quy được 1.666 hồ sơ/9.862 hồ sơ, đạt 16,9% khối lượng nhu cầu); 13/45 tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác phê duyệt phương án sử dụng đất.
Bên cạnh đó, Tổng cục đã đôn đốc các địa phương triển khai xây dựng Đề án Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, cả nước có 51 tỉnh, thành phố có đất có nguồn gốc nông, lâm trường, trong đó, có 32 tỉnh có nhiệm vụ thực hiện trong Đề án. Tính tới hết năm 2018, có 15 tỉnh đã lập Đề án, trong đó, có 7 tỉnh đã phê duyệt Đề án (tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Phú Yên, Kon Tum, Quảng Trị, Thái Nguyên và Hậu Giang). Tuy vậy, hầu hết, các tỉnh hiện nay vẫn chưa triển khai thực hiện, do chưa bố trí được kinh phí.
Về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Tổng cục đã có nhiều văn bản chỉ đạo tập trung đẩy mạnh xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai và đã được các địa phương quan tâm tổ chức thực hiện. Tính đến cuối năm 2018, trên cả nước có 161/713 đơn vị hành chính cấp huyện trên phạm vi 45 tỉnh, thành phố đang vận hành, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai.
Theo Tổng cục Quản lý đất đai, trong năm 2019, Tổng cục sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc cấp GCN đối với diện tích còn lại cần phải cấp GCN lần đầu theo tinh thần của Nghị quyết số 39/2012/QH13 của Quốc hội về việc cơ bản hoàn thành cấp GCN theo bản đồ địa chính, trích đo địa chính có tọa độ. Thực hiện kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị số 1474/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, nắm tình hình về thành lập và hoạt động của Văn phòng Đăng ký một cấp.
Đồng thời, Tổng cục tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành nhiệm vụ rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính và hồ sơ ranh giới sử dụng đất đối với các công ty nông, lâm nghiệp; tổng hợp, xây dựng báo cáo về kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt việc xây dựng, vận hành và khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai. Tăng cường phối hợp tốt với Tổng cục Thuế để nhân rộng việc thực hiện liên thông thuế, kết nối, trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và cơ quan TN&MT.