Tập trung đầu tư cho ngành Y tế để phòng chống dịch bệnh phục vụ nhân dân

Khương Trung | 04/11/2020 23:49

(TN&MT) - Tại phiên thảo luận tại Hội trường về phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng cường đầu tư cho ngành Y tế để phòng chống dịch bệnh phục vụ nhân dân.

Đầu tư công tác y tế dự phòng để phòng chống dịch bệnh

Các đại biểu nhấn mạnh rằng, tầm quan trọng của công tác y tế dự phòng là phòng, chống dịch bệnh và để bảo đảm sức khỏe cho con người. Đồng thời, cũng giảm chi phí điều trị, góp phần giảm tải cho bệnh viện và trên thực tế kinh phí dành cho công tác y tế dự phòng cũng còn rất hạn hẹp.

Năm 2008, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 18, trong đó, yêu cầu phải dành 30% chi ngân sách cho y tế dự phòng nhưng hầu như tất cả địa phương chỉ dành 18% đến 22% cho công tác này, cá biệt có tỉnh chỉ chi 10%. Trong số này, 80% là dành cho chi lương, điện, nước và chi thường xuyên, do đó, kinh phí dành cho công tác dự phòng rất ít.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Bình Phước phát biểu tại Hội trường

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Bình Phước cho biết, vào mỗi mùa dịch, các bệnh viện lại xảy ra tình trạng quá tải và nguyên nhân của tình trạng này là do công tác y tế dự phòng còn yếu và kinh phí hoạt động này chỉ đáp ứng một phần cho các hoạt động phòng, chống dịch khẩn cấp. Công tác phòng dịch ngay từ đầu và toàn diện không được đảm bảo và theo tinh thần phòng bệnh hơn chữa bệnh.

“Tôi đề nghị trong ngân sách Nhà nước nên dành một nguồn kinh phí thích đáng cho công tác y tế dự phòng, còn điều trị sẽ do bảo hiểm hoặc do người bệnh chi trả. Ở đây trừ các đối tượng được Nhà nước bảo trợ ra, chúng ta sẽ kêu gọi xã hội hóa cũng như các cơ sở khám chữa bệnh y tế tư nhân.” – Đại biểu Sang cho hay.

Từ vấn đề thực tiễn trên, các đại biểu cũng đề nghị các giải pháp như là Chính phủ cũng phải ban hành các Đề án tổng thể về đầu tư các trang thiết bị cần thiết cho y tế dự phòng trong cả nước, trong đó, ưu tiên đến các vùng cũng như các địa phương dễ bị ảnh hưởng của dịch bệnh và cũng phải tính toán đến nguồn nhân lực để đáp ứng được việc thực hiện nhiệm vụ và tạo được một cơ chế thu hút đối với cán bộ có tâm huyết và làm việc hiệu quả.

Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị, Bộ Y tế cũng cần phối hợp tốt với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc xây dựng và phát triển công nghệ theo dõi sức khỏe cho nhân dân. Công nghệ này phải có chức năng cảnh báo tình hình sức khỏe của người dùng và thông báo các dự đoán về tình hình dịch bệnh trong phạm vi rất gần.

Sửa đổi để đảm bảo có chính sách đào tạo bác sĩ hệ liên thông phù hợp

Trong lĩnh vực y tế, đại biểu Tống Thanh Bình – Lai Châu cho rằng, về công tác đào tạo bác sĩ hệ liên thông theo Quyết định số 18 ngày 31/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp y tế nói chung, công tác y tế các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đã có nhiều cố gắng trong xây dựng hệ thống tổ chức ngành. Đội ngũ cán bộ được bổ sung cả về số lượng, chất lượng.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, về cơ bản ngành còn thiếu nhiều bác sĩ ở các tuyến, đặc biệt là tuyến huyện, xã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và không đạt được mục tiêu tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân theo lộ trình đã đề ra.

Việc đào tạo bác sĩ hệ liên thông gặp nhiều khó khăn, do thay đổi cơ chế theo Quyết định số 18 về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học.

Dẫn chứng cụ thể cho rằng, với những đối tượng cán bộ có nhu cầu quy hoạch đào tạo liên thông lên bác sĩ phải thi cùng học sinh tại các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học, dẫn đến tỷ lệ thi đỗ của cán bộ ở các tỉnh miền núi hằng năm cơ bản đạt rất thấp. Riêng năm 2020, nhiều tỉnh không đỗ trường hợp nào.

Đại biểu Tống Thanh Bình – Lai Châu phát biểu tại Hội trường

Do vậy, để đạt mục tiêu tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân vào năm 2025, định hướng đến năm 2030, một trong những giải pháp được cho là hiệu quả nhất để khắc phục chỉ có thể bằng giải pháp đào tạo bác sĩ hệ liên thông nhằm khắc phục những vướng mắc nêu trên, đại biểu đề nghị Bộ Y tế phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan sớm tham mưu trình Chính phủ xem xét, bổ sung, sửa đổi một số nội dung quy định không còn phù hợp, đảm bảo có chính sách đào tạo bác sĩ hệ liên thông phù hợp, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt đối với các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đầu tư trang thiết bị để đảm bảo công tác y tế được phủ rộng trên các vùng xa, khó khăn

 

Đại biểu Trần Hồng Nguyên – Bình Thuận cho biết, qua tiếp xúc cử tri, nhân dân trên huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận nói riêng và một số huyện đảo khác nói chung cho thấy tình trạng hiện nay, các huyện đảo gặp rất nhiều khó khăn khi khám và điều trị do máy móc, thiết bị y tế còn thiếu thốn, trình độ của nhiều bác sĩ tại bệnh viện chưa đáp ứng được yêu cầu. Đối với một số loại bệnh thì bệnh nhân phải điều trị thường xuyên nhưng phải vào đất liền để điều trị, điều này đã gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân.

Vì vậy, cử tri mong muốn Bộ trưởng Bộ Y tế sớm rà soát tổng thể việc đầu tư trang thiết bị và xây dựng đội ngũ cán bộ cho các bệnh viện tại các huyện đảo trên cả nước nói chung và huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận nói riêng, để từ đó, có các biện pháp xử lý những tồn tại, khó khăn tại các địa bàn này.

Đại biểu Trần Hồng Nguyên – Bình Thuận phát biểu tại Hội trường

Đồng thời, kiến nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm tới việc đầu tư công nghệ số trong y tế, trong khám, chữa bệnh từ xa tại các địa bàn huyện đảo để nhân dân được tiếp cận với những bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi, có nhiều kinh nghiệm trong khám và điều trị đối với những loại bệnh khó, hiểm nghèo, góp phần nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh cho nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung đầu tư cho ngành Y tế để phòng chống dịch bệnh phục vụ nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO