Ngành TN&MT

Bộ TN&MT ban hành Quy chế tiếp nhận, trả lời kiến nghị cử tri, chất vấn của đại biểu Quốc hội

Phạm Oanh 29/11/2024 - 12:11

(TN&MT) - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy vừa ký Quyết định số 3828/QĐ-BTNMT ban hành Quy chế tiếp nhận, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Bộ.

Phạm vi và nguyên tắc giải quyết, trả lời

Quy chế này quy định việc tiếp nhận, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Bộ và chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Bộ trưởng; trách nhiệm của đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc tiếp nhận, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu Quốc hội. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này.

Về nguyên tắc, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu Quốc hội là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Bộ, phải được tiếp nhận, giải quyết và trả lời trên tinh thần lắng nghe, cầu thị và trách nhiệm cao nhất để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn.

Kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu Quốc hội phải được tiếp nhận, giải quyết, trả lời kịp thời, đúng thời hạn với chất lượng cao nhất; nội dung trả lời kiến nghị của cử tri, chất vấn của đại biểu Quốc hội phải bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, thông tin số liệu chính xác, chặt chẽ và đúng trọng tâm, nội dung của kiến nghị, chất vấn.

Việc tiếp nhận, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu Quốc hội phải theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phân công của Bộ; có sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm giữa các đơn vị trong quá trình giải quyết, trả lời; chất lượng, tiến độ, kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu Quốc hội là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Thủ trưởng đơn vị hàng năm.

cu-tri.jpg
Ảnh minh họa

Bộ trưởng chỉ đạo toàn diện, trực tiếp việc trả lời kiến nghị của cử tri, chất vấn của đại biểu Quốc hội; các Thứ trưởng giúp Bộ trưởng chỉ đạo và có ý kiến cuối cùng về nội dung trả lời kiến nghị của cử tri, chất vấn của đại biểu Quốc hội theo lĩnh vực được phân công phụ trách, trước khi trình Bộ trưởng quyết định.

Thủ trưởng các đơn vị được phân công chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng về chất lượng, tiến độ, nội dung tham mưu; trực tiếp ký văn bản trình Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực trả lời kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu Quốc hội; trực tiếp ký văn bản, báo cáo về kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi Vụ Pháp chế tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng. Kiến nghị của cử tri, chất vấn của đại biểu Quốc hội có nội dung liên quan đến nhiều đơn vị thì Bộ phân công một đơn vị chủ trì và các đơn vị khác phối hợp giải quyết, trả lời.

Tiếp nhận, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri

Theo Quy chế trên, Văn phòng Bộ có trách nhiệm tiếp nhận kiến nghị của cử tri do cơ quan có thẩm quyền chuyển đến; trong thời hạn 1/2 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền, Văn phòng Bộ có trách nhiệm chuyển đến Vụ Pháp chế để phân loại, phân công các đơn vị giải quyết, trả lời.

Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền, Vụ Pháp chế có trách nhiệm rà soát, phân loại kiến nghị của cử tri và phân công các đơn vị giải quyết, trả lời theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận kiến nghị của cử tri do cơ quan có thẩm quyền chuyển đến, Bộ có trách nhiệm hoàn thành giải quyết, trả lời.

Trường hợp kiến nghị của cử tri liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị khác trong Bộ hoặc bộ, ngành khác thì trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản phân công của Bộ, đơn vị được phân công chủ trì phải có văn bản gửi đến các đơn vị khác trong Bộ hoặc báo cáo Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực có văn bản gửi đến bộ, ngành có liên quan đề nghị phối hợp.

Trường hợp kiến nghị của cử tri có nội dung phức tạp hoặc có liên quan đến nhiều vấn đề phải giải quyết cần có thêm thời gian để nghiên cứu, kiểm tra, xác minh, xử lý thì đơn vị được phân công chủ trì phải kịp thời báo cáo, trình Bộ trưởng có văn bản đề nghị gia hạn thời gian giải quyết, trả lời; thời gian đề nghị gia hạn không quá 15 ngày. Văn bản đề nghị gia hạn phải được gửi tới Ban Dân nguyện, Văn phòng Chính phủ, Đoàn đại biểu Quốc hội nơi có kiến nghị của cử tri và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Tiếp nhận, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Cũng theo Quy chế trên, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ có trách nhiệm hoàn thành việc trả lời.

Trường hợp nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị khác trong Bộ hoặc bộ, ngành khác thì trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản phân công của Bộ, đơn vị được phân công chủ trì phải có văn bản gửi đến các đơn vị khác trong Bộ hoặc báo cáo Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực có văn bản gửi đến bộ, ngành có liên quan đề nghị phối hợp.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị phối hợp, đơn vị được đề nghị phối hợp phải có văn bản tham gia gửi đến đơn vị được phân công chủ trì trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Trường hợp nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội không thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao thì trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chất vấn của đại biểu Quốc hội, đơn vị được phân công chủ trì phối hợp Vụ Pháp chế báo cáo, trình Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực và Bộ trưởng ký văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền và đại biểu Quốc hội có chất vấn đề nghị chuyển cho bộ, ngành khác hoặc có văn bản gửi Vụ Pháp chế để chuyển cho đơn vị khác trong Bộ để trả lời theo thẩm quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TN&MT ban hành Quy chế tiếp nhận, trả lời kiến nghị cử tri, chất vấn của đại biểu Quốc hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO