Tập huấn tăng cường năng lực kiểm kê khí nhà kính theo chuẩn quốc tế
(TN&MT) - Ngày 26/8, tại Hà Nội, lần đầu tiên Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức Hội thảo tập huấn Tăng cường năng lực kiểm kê khí nhà kính theo hướng dẫn và phần mềm của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC).
Các lĩnh vực được hướng dẫn gồm: năng lượng; công nghiệp và sử dụng sản phẩm (IPPU); nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất khác (AFOLU); quản lý chất thải.
Hội thảo do Cục Biến đổi khí hậu hối hợp cùng Dự án CBIT toàn cầu, Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA), Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức và sẽ diễn ra trong 5 ngày, bao gồm: phiên đào tạo kiến thức chung từ ngày 26 - 27/8/2024; phiên đào tạo kiểm kê KNK lĩnh vực năng lượng từ ngày 28 - 29/8/2024; phiên đào tạo kiểm kê KNK lĩnh vực IPPU ngày 28/8/2024; phiên đào tạo kiểm kê KNK lĩnh vực AFOLU từ ngày 28 - 30/8/2024; phiên đào tạo kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải từ ngày 29 - 30/8/2024.
Tham dự có hơn 130 đại biểu (với hơn 250 lượt đại biểu được đào tạo) tới từ các Bộ, ngành cơ quan quản lý nhà nước về kiểm kê khí nhà kính; các Viện nghiên cứu, các trường đại học, các chuyên gia tư vấn. Hội thảo là cơ hội để các học viên tăng cường năng lực kiểm kê khí nhà kính quốc gia, đồng thời, nâng cao kiến thức và hiểu biết về Hướng dẫn của IPCC về kiểm kê quốc gia khí nhà kính phiên bản năm 2006 trong các lĩnh vực; tìm hiểu và ứng dụng phần mềm kiểm kê IPCC.
Theo quy định của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Thỏa thuận Paris, các quốc gia thành viên, trong đó Việt Nam, có trách nhiệm định kỳ gửi báo cáo kiểm kê khí nhà kính. Từ năm 2024 trở đi, các quốc gia phải nộp Báo cáo minh bạch hai năm một lần. Và một trong những nội dung bắt buộc kèm theo là báo cáo kiểm kê quốc gia khí nhà kính, bao gồm tài liệu kiểm kê khí nhà kính quốc gia và các bảng báo cáo chung.
Thực hiện quy định quốc tế, Điều 91 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định trách nhiệm thực hiện kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia, cấp ngành, lĩnh vực và cấp cơ sở. Theo đó, các lĩnh vực phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gồm: năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, các quá trình công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất, chất thải.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg được cập nhật tại Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg ngày 13/8/2024) với 2.166 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính năm 2024, tăng 254 cơ sở so với danh mục được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2022, chiếm khoảng 30% tổng phát thải khí nhà kính quốc gia.
Để đáp ứng yêu cầu kiểm soát được ít nhất 85% tổng phát thải khí nhà kính như quy định của Thoả thuận Paris, số lượng cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính sẽ không ngừng tăng trong thời gian tới. Bên cạnh các cơ sở bắt buộc thực hiện kiểm kê khí nhà kính, nhiều cơ sở phát thải khí nhà kính cũng đang tự nguyện thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Có thể thấy nhu cầu rất lớn thực hiện kiểm kê KNK tại Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới.
Theo quy định của Thoả thuận Paris, để chuẩn bị xây dựng báo cáo kiểm kê quốc gia khí nhà kính cho Báo cáo minh bạch hai năm một lần, các quốc gia phải sử dụng hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính năm 2006 của IPCC và các bảng báo cáo chung. Điều 11, Nghị định 06/2022/NĐ-CP cũng đã quy định việc kiểm kê khí nhà kính phải áp dụng theo hướng dẫn của IPCC.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: “Việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo hướng dẫn và phần mềm của IPCC phiên bản năm 2006 là vấn đề rất mới ở Việt Nam. Đây là phần rất quan trọng để đảm bảo kết quả kiểm kê được quốc tế công nhận và là đầu vào để xây dựng các báo cáo kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính cấp quốc gia, cấp lĩnh vực, cấp cơ sở. Đây là lần đầu tiên Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan đầu mối kiểm kê quốc gia khí nhà kính tổ chức Hội thảo tập huấn này với các giảng viên là các chuyên gia hàng đầu về kiểm kê khí nhà kính đến từ Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ, Viện Quản lý Khí nhà kính, CBIT toàn cầu ”.
Ông Tấn cũng kỳ vọng các học viên sau khoá tập huấn sẽ tiếp tục đóng góp tích cực trong triển khai thực hiện kiểm kê khí nhà kính, đảm bảo rằng kiểm kê khí nhà kính tại Việt Nam được thực hiện một cách bài bản, đúng quy định quốc tế. Các học viên cũng sẽ trở thành các cán bộ chủ chốt để tiếp tục đào tạo cho các cán bộ khác, đáp ứng nhu cầu rất lớn hiện nay trong thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Kiểm kê khí nhà kính mang đến những hiểu biết có giá trị về các phát thải và hấp thụ khí nhà kính đến từ nhiều nguồn phát thải và bể hấp thụ khác nhau trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Việc thu thập thông tin về kiểm kê khí nhà kính giúp xác định các hành động hoặc chính sách giảm nhẹ phát thải phù hợp, xây dựng các kịch bản cơ sở cũng như đưa ra các dự báo phát thải.
Hội thảo tập huấn là một trong những hoạt động trong khuôn khổ thực hiện dự án “Nâng cao năng lực quản lý dữ liệu và thông tin báo cáo phù hợp với yêu cầu Khung minh bạch tăng cường của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu” (CBIT) toàn cầu và hoạt động trong khuôn khổ Nhóm công tác khí hậu giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ về khí hậu và năng lượng sạch.