Xã hội

Tạo sinh kế cho người dân – đòn bẩy giúp vươn lên thoát nghèo

Thủy Nguyễn 13/07/2023 - 17:26

(TN&MT) -Để giúp người dân và cộng đồng "thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no", thực hiện thành công mục tiêu phấn đấu "Vì một Việt Nam không còn đói nghèo" vào năm 2030, một trong những giải pháp quan trọng mà Đảng, Nhà nước đưa ra là giúp người nghèo sinh kế ổn định để có thu nhập tốt hơn, từ đó vươn lên thoát nghèo.

Thiếu sinh kế là nguyên nhân chính gây ra nghèo đa chiều

Sinh kế thường được hiểu là sự tập hợp các nguồn lực, tài sản và khả năng hoạt động, đưa ra quyết định trước hết để kiếm sống của con người, sau đó đạt được các mục tiêu và ước nguyện làm giàu của mình. Một sinh kế bền vững là một sinh kế có thể đối phó và phục hồi trước những sức ép và cú sốc, duy trì hoặc nâng cao năng lực, tài sản và cung cấp các cơ hội kiếm sống bền vững cho các thế hệ tiếp theo.

15_nov_2022_102944_gmt14_hb.jpg.jpg
Trao sinh kế cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo

Trong các nghiên cứu về tình trạng đói nghèo, kể cả nghèo đa chiều ở Việt Nam đều đã chỉ ra rằng, nguyên nhân gây đói nghèo thì nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là do thiếu sinh kế và các vấn đề liên quan như thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm. Thiếu sinh kế tất sẽ dẫn đến thu nhập thiếu bền vững. Do đó, giải quyết vấn đề thiếu sinh kế để tạo ra một sinh kế bền vững là cách tiếp cận đúng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Thiếu sinh kế cũng chính là nói đến việc thiếu các nguồn lực như: nguồn vốn, thiếu lao động có kỹ năng và thiếu nền tảng, năng lực tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến. Trong đó thiếu nguồn vốn, sử dụng hiệu quả nguồn vốn là đáng quan tâm nhất.

Cần nguồn vốn tạo sinh kế để giảm nghèo bền vững

Vì vậy, để có nguồn vốn cho sinh kế, Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã được Nhà nước dự tính chi khoảng 75.000 tỷ đồng. Trọng tâm của Chương trình là tạo sinh kế cho người dân bằng việc hỗ trợ thông qua các mô hình sản xuất, phù hợp với nhu cầu trình độ canh tác và thế mạnh của địa phương. Nguồn vốn này sẽ tạo đòn bẩy giúp người dân vươn lên thoát nghèo.

Cụ thể hơn về việc thực hiện chính sách này, ngày 25/2/2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 09/2022/TT hướng dẫn một số nội dung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thông tư đã nêu rõ các nội dung được hỗ trợ từ tập huấn kỹ thuật, chuyên giao công nghệ, cung cấp cây trồng, vật nuôi, quảng bá xúc tiến thương mại cho đến phân tích quản lý dự án.

Đồng thời phải tạo điều kiện để người yếu thế, dễ bị tổn thương, có hoàn cảnh khó khăn được tham gia thực hiện mô hình, dự án giảm nghèo và nhóm các đối tượng được hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Cụ thể như: Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật không có sinh kế ổng định trên phạm vi cả nước; người dân sinh sống trên địa bàn huyện Ưu tiên hỗ trợ dự án mô hình giảm nghèo thực hiện trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

kt-616479-1.jpg
Tạo sinh kế cho người dân vươn lên thoát nghèo

Vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BLĐTBXH ngày 12/4/2023 sửa đổi, bổ sung Điều 1 của Thông tư số 09/2022/TT-BLĐTBXH ngày 25/5/2022 hướng dẫn một số nội dung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó dự án “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” đã hướng tới mục tiêu cụ thể. Đó là hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh…

Tổng nhu cầu vốn thực hiện của dự án này là 10.550 tỷ đồng. Thời gian thực hiện mỗi dự án tối đa 3 năm. Đến năm 2025, dự án 2 có thể hỗ trợ xây dựng, nhân rộng hơn 1.000 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Bên cạnh đó tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ; dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất, vật tư, công cụ, máy móc, thiết bị, nhà xưởng sản xuất và điều kiện cơ sở vật chất; xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, liên kết phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cộng đồng với hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan và các nội dung khác theo quy định của pháp luật; mô hình giảm nghèo gắn với quốc phòng, an ninh.

cach-tiep-can-moi-ve-giam-ngheo-la-giup-nguoi-ngheo-co-sinh-ke-on-dinh-374ae43000e4499c9113b1b2cf3b8c35.jpg
Phấn đấu "Vì một Việt Nam không còn đói nghèo" vào năm 2030

Theo ông Phí Mạnh Thắng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều thay đổi so với Chương trình các giai đoạn trước và đặt ra các mục tiêu, tiêu chí rất cụ thể. Đó là hỗ trợ người nghèo theo hướng đa chiều, đặc biệt là hỗ trợ nâng cao thu nhập, vượt qua mức sống tối thiểu và hỗ trợ giải quyết những thiếu hụt trong xã hội. Chương trình sẽ góp phần tạo sinh kế ổn định cho người dân, giúp người dân đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số từng bước thoát nghèo bền vững.

Chia sẻ về mục tiêu tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm, phấn đấu đến năm 2030, cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, trong bối cảnh cả nước hiện còn tồn tại 62 huyện nghèo, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết: Muốn thực hiện được mục tiêu, trước hết là chúng ta phải tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng lõi nghèo, vùng khó khăn. Có cơ sở hạ tầng thuận lợi, người dân sẽ có điều kiện tốt hơn trong sản xuất kinh doanh cũng như trong đời sống. Đồng thời huy động nguồn lực để giúp cho người dân ổn định sinh kế vươn lên thoát nghèo thông qua việc có thu nhập tốt hơn.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, sự trợ giúp của Nhà nước sẽ hướng vào xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng nghèo, giúp người nghèo có điều kiện sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận và phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương. Giải pháp tăng cường giáo dục nghề nghiệp cũng sẽ giúp người dân có nghề nghiệp, có việc làm, có thu nhập để thoát nghèo. Nguồn vốn từ chính sách tín dụng xã hội cho người nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ giúp người dân có điều kiện thuận lợi hơn để tự sản xuất, tự kinh doanh để tự vươn lên thoát nghèo, tiến tới khá giả.

"Với cách làm này thì người dân nhận thức được họ phải tự vươn lên, không trông chờ, ỷ lại. Cũng chỉ có như vậy thì người dân mới thoát nghèo bền vững, giảm nghèo bền vững, tránh tái nghèo cũng như phát sinh nghèo còn các địa phương sẽ không còn những huyện nghèo, xã khó khăn", - Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo sinh kế cho người dân – đòn bẩy giúp vươn lên thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO