Môi trường ở đây được hiểu rộng ra là môi trường gia đình, nhà trường, tập thể, cộng đồng, xã hội và thiên nhiên. Hay nói cách khác, muốn thế hệ trẻ được phát triển lành mạnh cả về thể chất và tâm hồn thì chúng ta phải quan tâm xây dựng các môi trường liên quan thiết thân đến cuộc sống, sinh hoạt, học tập, lao động, công tác của tuổi trẻ.
Gia đình là tế bào của xã hội. Chăm lo xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc chính là nền tảng để nuôi dưỡng, giáo dục thanh thiếu niên thành những công dân tốt. Nhưng môi trường gia đình tốt thôi chưa đủ, chúng ta cần chú trọng quan tâm xây dựng nhà trường là nơi ươm mầm tài năng, bồi đắp nhân cách cho thanh thiếu niên; xây dựng tập thể nơi người trẻ lao động, công tác thực sự trở thành nơi nâng đỡ, hoàn thiện phẩm chất đạo đức, năng lực cho họ; xây dựng cộng đồng nơi người trẻ sinh sống có không khí “an cư” thân thiện, văn minh; xây dựng xã hội có môi trường văn hóa tốt đẹp, phong phú để tuổi trẻ có thể “tắm mình” trong đó; xây dựng môi trường thiên nhiên tươi xanh, thông thoáng để giới trẻ được hưởng thụ bầu khí quyển trong trẻo, yên lành.
Để tạo dựng được những môi trường như vậy, đòi hỏi phải có sự quan tâm thường xuyên của các bậc cha mẹ, thầy cô giáo, cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể địa phương, các ngành, các cấp và toàn xã hội. Cần nhận thức sâu sắc rằng, ở đâu có hoạt động của thanh thiếu niên, ở đâu có người trẻ thì ở đó phải có trách nhiệm nâng đỡ, dìu dắt, chỉ bảo ân cần, sát sao của những người đi trước. Người trẻ sẽ đi đúng hướng, sẽ có niềm tin lành mạnh, lý tưởng đúng đắn, ý chí cao cả khi cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn, cán bộ lãnh đạo và người đứng đầu các cấp luôn coi trọng và tạo điều kiện cho họ có môi trường sinh hoạt, học tập, lao động, công tác thật sự thuận lợi, phù hợp với lứa tuổi, sở thích, tâm lý. Người trẻ sẽ bớt đi tính cá nhân chủ nghĩa, ích kỷ, thực dụng khi các bậc sinh thành, giáo dưỡng và những người có trọng trách “cầm cân nảy mực” trong xã hội luôn có lối sống chuẩn mực, gương mẫu về đạo đức, nhân cách, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người trẻ cũng sẽ giảm dần lối sống “ảo”, “nghiện phây” khi gia đình, bố mẹ, thầy cô chủ động gần gũi sẻ chia, động viên, giúp đỡ, định hướng cho các em tự giác, nhiệt tình tham gia vào những hoạt động, sinh hoạt, vui chơi, giải trí bổ ích. Người trẻ cũng sẽ bớt đi những suy nghĩ chưa đúng về đất nước và chế độ XHCN khi những người có trách nhiệm sẵn sàng đối thoại, lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng thực tế của họ; đồng thời khéo léo tìm cách tháo gỡ những vướng mắc trong tư tưởng, thái độ của họ để cùng tìm ra tiếng nói chung, tạo sự đồng thuận nhằm hướng tới những mục tiêu cao cả của đất nước, xã hội.
Thanh thiếu niên là những người đang ở độ tuổi hoàn thiện về thể chất, tâm lý và nhân cách. Do vậy, để phòng chống những nguy cơ, biểu hiện “tiêu cực trong lực lượng này, bên cạnh những giải pháp chính trị, hành chính, cần coi trọng giải pháp giáo dục, tuyên truyền, vận động và nhất là có cách ứng xử, đối xử sao cho khéo léo, uyển chuyển, phù hợp với từng đối tượng. Dưới góc độ văn hóa, đây là cách làm hiệu quả vì nó biết cách đụng chạm đến trái tim của tuổi trẻ một cách nhẹ nhàng, tinh tế, sâu sắc mà vẫn đạt được mục đích mong muốn của nhà quản lý.