Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đồng chủ trì Hội nghị.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tập trung phân tích, làm rõ, trả lời 3 câu hỏi: Vì sao lúc này Bộ Chính trị lại bàn và ra Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045? Những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết lần này là gì? Chúng ta cần làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả Nghị quyết của Bộ Chính trị, biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động?.
Khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển to lớn của Vùng
Trên tinh thần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã luận giải, nêu lên các ý do mà Bộ Chính trị bàn và ra Nghị quyết mới về Vùng ĐBSCL.
Cụ thể, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết là để quán triệt sâu sắc hơn và tổ chức triển khai thực hiện tốt hơn chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng.
Cụ thể hóa chủ trương, định hướng phát triển vùng của Đảng, trong 20 năm qua, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết chuyên đề và 6 Kết luận về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của 6 vùng kinh tế-xã hội, trong đó có Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX; Kết luận số 28 của Bộ Chính trị khoá XI về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2010 và 2020.
Vì vậy, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX; Kết luận số 28 của Bộ Chính trị khóa XI; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết mới về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là hết sức cần thiết, đúng đắn, góp phần thiết thực vào việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đồng thời, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới lần này là để tạo ra một bước đột phá mới trong việc phát huy vai trò, vị trí quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển to lớn của vùng trong giai đoạn mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định vùng ĐBSCL thực sự là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là "Vùng cực Nam - Thành đồng của Tổ quốc", cửa ngõ phía Tây Nam của quốc gia, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng cần được phát huy cao hơn và tiềm năng, lợi thế to lớn cho phát triển cần được khai thác có hiệu quả hơn trên cơ sở xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này về phát triển vùng, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu phát triển của vùng và cả nước trong thời kỳ mới.
Bên cạnh đó, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới lần này là để tiếp tục phát huy những kết quả thành tựu to lớn đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và vượt qua khó khăn, thách thức mới đang đặt ra.
"Việc nghiên cứu, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết lần này sẽ góp phần để ĐBSCL ‘đứng dậy’ làm chủ và ‘vươn lên’ mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới cùng cả nước", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết
Đề cập đến ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu những điểm đáng chú ý. Theo đó, về quan điểm, nhận thức và tư tưởng chỉ đạo, nếu như Nghị quyết số 21-NQ/TW chỉ nêu rất ngắn gọn (15 dòng) về phương hướng chung thì Nghị quyết lần này đã đề ra 6 quan điểm chỉ đạo quan trọng và mới mẻ.
Để tạo chuyển biến có tính đột phá trong việc phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, lợi thế của vùng và khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong thời gian qua, Nghị quyết lần này tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Về mục tiêu, có thể xem đây là nội dung hoàn toàn mới. Nếu như Nghị quyết số 21-NQ/TW trước đây không đề cập thì Nghị quyết lần này đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về nhiệm vụ và giải pháp, Nghị quyết đề ra đầy đủ, đồng bộ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, bao gồm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; về phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; về phát triển văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Để Nghị quyết thành hiện thực sinh động
Luận giải câu hỏi chúng ta phải làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này về vùng ĐBSCL? Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trước hết phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết, nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó, có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm của cả nước, toàn Vùng, từng địa phương trong Vùng, của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.
Xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, chứ không chỉ là nhiệm vụ riêng của vùng và các địa phương trong vùng. Đồng thời, phải nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước: "Cả nước vì vùng và vùng vì cả nước".
Cùng với đó là khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước; tính chủ động, sáng tạo; ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong vùng; quyết vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng tự mãn, bằng lòng với những gì đã làm, trung bình chủ nghĩa; trái lại, phải có ý chí và quyết tâm cao hơn nữa, quyết không cam chịu đói nghèo, thua kém các tỉnh khác, vùng khác.
Ba là, trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển Vùng. Chính phủ và các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong Vùng khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển Vùng.
Xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tích hợp, đa ngành; gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ; giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; giữa phát triển kinh tế với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn; hình thành được các chuỗi giá trị ngành, sản phẩm của vùng.
Tăng cường, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng bộ máy tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp uỷ, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp cao và năng lực sáng tạo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu ngay sau Hội nghị này, căn cứ vào Nghị quyết và Kế hoạch của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo, hướng dẫn của các ban đảng Trung ương và các cơ quan cấp trên, các cấp ủy và tổ chức đảng ở Trung ương và các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị của các địa phương trong vùng cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh.
Ban Cán sự Đảng Chính phủ cần ráo riết chỉ đạo, khẩn trương xây dựng, ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết, giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương trong vùng. Chương trình hành động phải bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nội dung của Nghị quyết, bảo đảm sát hợp với từng địa phương trong vùng và tiểu vùng.
Các Ban, Bộ, Ngành Trung ương và các địa phương trong vùng cần cụ thể hóa Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ bằng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao.
Trước mắt, Chính phủ cần tập trung ưu tiên sớm hoàn thiện và ban hành Quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo cơ sở để các địa phương trong Vùng xây dựng quy hoạch phát triển của địa phương mình.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong đợi và tin tưởng rằng: "Cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh trong vùng nhất định sẽ phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của phong trào "đồng khởi", khí phách anh hùng "thành đồng" Tổ quốc và phẩm chất cao quý, rất tốt đẹp của người miền Tây; cùng với các Ban, Bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp trong cả nước, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và toàn Vùng Kinh tế trọng điểm phía nam đã đổi mới, nỗ lực phấn đấu rồi càng đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này, tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL- Vùng đất chính Rồng theo tinh thần: "Cả nước vì Đồng bằng sông Cửu Long - Đồng bằng sông Cửu Long vươn lên cùng cả nước và vì cả nước".