Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, phương hướng chung chỉ đạo của Chính phủ năm 2019 tiếp tục xu hướng tiết kiệm chi ngân sách, tinh giản bộ máy, biên chế; các đơn vị căn cứ vào tiền đề đó để đưa ra kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020. Các đơn vị phải đề xuất những nhiệm vụ cấp bách nhất, đột phá và tạo ra được hiệu ứng, sức lan tỏa về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu và viễn thám.
Trên cơ sở định hướng của Thứ trưởng, ông Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) cho biết, kế hoạch trọng tâm năm 2020, Tổng cục tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về KTTV nhằm thực hiện đầy đủ các quy định của Luật KTTV, Luật phòng, chống thiên tai; xây dựng bổ sung, điều chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy trình chuyên môn về dự báo, cảnh báo KTTV. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về KTTV trên phạm vi toàn quốc.
Trong công tác dự báo, cảnh báo KTTV, năm 2020 triển khai thực hiện Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai; tăng cường dự báo định lược mưa hạn cực ngắn kết hợp các sản phẩm dự báo mô hình số trị, số liệu quan trắc mưa tự động, quan trắc radar và quan trắc vệ tinh. Đồng thời, triển khai áp dụng công cụ hỗ trợ KTTV cho dự báo viên trên diện rộng; cụ thể hóa bản tin dự báo thời tiết nguy hiểm tại Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia và đến từng địa phương. Nâng cao chất lượng dự báo với độ chính xác ngang mức tiên tiến của các nước trong khu vực; đảm bảo cảnh báo sớm và đủ độ chi tiết đối với các đợt không khí lạnh, rét, mưa lớn diện rộng...
Theo ông Trần Hồng Thái, kế hoạch trong năm 2020, Tổng cục KTTV phấn đấu hoàn thành và đưa vào hoạt động chính thức 5 trạm ra đa và 18 trạm định vị sét, 150 trạm tự động, 4 trạm Thủy văn thành lập mới. Cùng với đó, phát triển đan dày mạng lưới trạm quan trắc KTTV tự động; đặc biệt là quan trắc mưa bằng hình thức xã hội hóa ở biên giới, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, ven biển. Tiếp tục rà soát, lựa chọn và đề xuất phương án sử dụng tối đa số liệu quan trắc tự động.
Liên quan đến công tác thông tin, dữ liệu KTTV, Tổng cục định hướng nghiên cứu, xây dựng và phát triển ứng dụng KHCN và giải pháp truyền tin mới để phát triển mạng thông tin chuyên ngành, trạm quan trắc tự động; xây dựng và tổ chức thực hiện đề án “Số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu KTTV quốc gia” nhằm số hóa toàn bộ kho tư liệu KTTV, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu KTTV quốc gia tập trung, đồng bộ và hiện đại...
Cũng tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu Tăng Thế Cường chỉ rõ những nhiệm vụ kế hoạch trọng tâm năm 2020 trong lĩnh vực BĐKH. Theo ông Tăng Thế Cường, năm tới Cục tập trung điều chỉnh, bổ sung các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu có liên quan tại Luật Bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Đồng thời, thực hiện phổ biến chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu thường xuyên, liên tục; thông qua các chương trình, dự án về biến đổi khí hậu như: CTMT ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, các ngày quốc tế về bảo vệ tầng ô zôn, giờ Trái đất...
Cục trưởng Tăng Thế Cường đề xuất một số nhiệm vụ mở mới như: xây dựng hệ số phát thải khí nhà kính quốc gia; ứng dụng công nghệ viễn thám trong kiểm kê khí nhà kính; xác định tiêu chí lựa chọn các dự án ưu tiên thích ứng với biến đổi khí hậu thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH; đánh giá, xác định tổn thất, thiệt hại do BĐKH đối với Việt Nam khi nhiệt độ tăng 1,2 và 2 độ C. Đặc biệt, xây dựng quy trình kỹ thuật, quy định kỹ thuật cho các hoạt động: Đánh giá tác động của BĐKH; xây dựng, vận hành và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về BĐKH.
Về những nhiệm vụ ở lĩnh vực Viễn thám trong năm 2020, Cục trưởng Cục Viễn thám Quốc gia Nguyễn Quốc Khánh cho hay, Cục chú trọng kiểm tra công tác tổng hợp nhu cầu khai thác, sử dụng dữ liệu viễn thám của địa phương; đề xuất việc mua, trao đổi dữ liệu viễn thám trong nước và quốc tế tại Sở TN&MT 4 tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn. Bên cạnh đó, Cục cũng tập trung kiểm tra công tác quản lý, lưu trữ, bổ sung, cập nhật, công bố dữ liệu viễn thám và xây dựng cơ sở dữ liệu viễn thám của địa phương tại Sở TN&MT 4 tỉnh trên.
“Đáng chú ý, dự kiến năm 2020, Cục sẽ tiếp tục đề xuất và triển khai thực hiện một số nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ, tập trung vào các hướng nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật; cải tiến và hiện đại hóa quy trình công nghệ ứng dụng viễn thám trong quan trắc tài nguyên và môi trường, phòng chống thiên tai và BĐKH...”, ông Nguyễn Quốc Khánh nêu.
Đánh giá cao những đề xuất từ phía các đơn vị, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, việc xác định “làm để trả lời những nhu cầu thực tiễn” là cần thiết, các kế hoạch không chỉ là báo cáo mà phải trở thành các công cụ quản lý.
Đối với lĩnh vực KTTV, Thứ trưởng cho rằng, hiện nay KTTV đã phát triển tới mức không chỉ có các cơ quan của Bộ TN&MT làm, mà thực tiễn các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đang dịch vụ KTTV hết sức mạnh mẽ. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về KTTV vẫn chưa nâng cao được nhận thức của cấp chính quyền từ trung ướng tới địa phương; chưa đưa dự báo KTTV thành đầu vào của quy trình quản lý ngành ở cấp địa phương.
Thứ trưởng chỉ rõ, mặc dù quản lý nhà nước về KTTV ở cấp Trung ương đã tương đối ổn nhưng ở địa phương còn trống. Vì vậy mà hiệu quả sử dụng thông tin KTTV phục vụ công tác phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế xã hội chưa đạt được. Trong khi đó, định hướng “xã hội hóa” ngành KTTV còn thiếu hành lang pháp lý.
“Do vậy, công tác quản lý nhà nước về KTTV cần củng cố hơn. Tổng cục KTTV phải tăng cường làm việc với địa phương để nắm bắt thực tiễn KTTV đang thay đổi nhanh chóng ở các địa phương”, Thứ trưởng yêu cầu.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng lưu ý ngành KTTV lưu ý cảnh báo rủi ro thiên tai vì hiện nay, với sự phát triển kinh tế, bức tranh rủi ro thiên tai thay đổi liên tục theo thời gian.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ sở dữ liệu dùng chung, Thứ trưởng đề nghị KTTV, BĐKH, viễn thám phải thực sự quyết liệt để có được cơ sở dữ liệu chung. Thực tế ở mỗi lĩnh vực chúng ta đều có dữ liệu nhưng nó vẫn nằm rải rác, phân mảnh. “Dù có dữ liệu mà vẫn phân mảnh thì không thể trở thành Chính phủ điện tử được”, Thứ trưởng nói.
Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành một lần nữa đề nghị “tất cả các lĩnh vực KTTV, BĐKH và viễn phám phải có cách nhìn nhận mới, căn cứ khoa học vừa đủ nhưng căn cứ thực tế phải đầy ắp”.