Theo thống kê của Bộ TN&MT, tốc độ lún trên 10cm tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2005-2017 trung bình 1,85cm/năm, với 137 mốc lún. Mức độ khai thác nước dưới đất ở những vùng sụt lún trên 10cm này trung bình 111km3 /ngày/km2 . Nguyên nhân sụt lún và suy giảm nguồn nước dưới đất do yếu tố tự nhiên và tác động từ hoạt động khai thác quá mức tài nguyên của con người. Theo đánh giá của Ủy hội sông Mê Kông, do việc xây dựng hồ chứa ở thượng nguồn, lượng bùn cát về ĐBSCL đã suy giảm nghiêm trọng, dự kiến đến năm 2020 chỉ còn khoảng 47,4 triệu tấn/năm (giảm 67% so với trước 2007), với tốc độ xây dựng hồ chứa như hiện nay, đến năm 2040 lượng bùn cát về ĐBSCL chỉ còn 4,5 triệu tấn/năm (giảm 97% so với giai đoạn trước 2007).
Từ năm 2010 tới nay, sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp và có mức độ gia tăng cả về phạm vi và mức độ nghiêm trọng. Trung bình hàng năm, xói lở đã làm mất khoảng 300 ha đất, rừng ngập mặn ven biển. Theo số liệu thống kê, hiện khu vực ĐBSCL có 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834 km. Trong đó, sạt lở bờ sông 512 điểm với tổng chiều dài khoảng 566km (chủ yếu diễn ra dọc theo sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và các nhánh chính của hệ thống kênh, rạch); sạt lở bờ biển 52 điểm với tổng chiều dài 268km. Trong số các điểm sạt lở nêu trên, theo tiêu chí về phân loại sạt lở bờ sông, bờ biển quy định tại Quyết định số 01/2011/QĐ-TTg ngày 04/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ, hiện có 57 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, tổng chiều dài 170km, gồm: bờ sông 39 điểm với tổng chiều dài 85 km, bờ biển 18 điểm với tổng chiều dài 85 km (biển Đông 15/69 km, biển Tây 3 điểm/16km). Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, mỗi năm tỉnh sạt lở khoảng 400ha, trong đó hơn 300ha là rừng phòng hộ ven biển. Cà Mau chưa hình thành tuyến đê biển, sạt lở diễn ra mạnh, khả năng chống chịu và thích ứng với nước biển dâng rất hạn chế; trong khi xâm nhập mặn ngày càng sâu, các hình thức liên kết chậm phát triển, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng. Hiện tượng bồi đã hết, lở ngày càng sâu nên tỉnh cũng đề nghị trung ương và các nhà khoa học cần nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân chính để giải quyết triệt để vấn đề này. Trong khi nguồn lực của tỉnh không đủ để đầu tư các công trình thích ứng, chống chịu trước tác động BĐKH.
Chủ động kế hoạch hành động
Phát biểu tại diễn đàn, GS Nguyễn Kim Đan, Giám Đốc Điều hành GIS HED đặt vấn đề: Phải chăng ĐBSCL đang có nguy cơ “chết dần” nếu chúng ta không chủ động thích ứng? Ông khẳng định các đập thủy điện thượng nguồn đã làm thay đổi toàn bộ nguồn nước tại vùng và cùng với 96% suy giảm bùn cát vào ĐBSCL đang đe dọa nghiêm trọng sự phát triển. Chúng ta cần tìm kiếm giải pháp tổng thể nhằm chủ động giảm thiểu rủi ro do thay đổi nguồn nước và suy giảm bùn cát ở ĐBSCL dưới tác động của BĐKH, nước biển dâng, phát triển thủy điện trên thượng lưu và sụt lún, theo quyết định 120 NQ/CP cần ưu tiên cho các giải pháp dựa theo tự nhiên, phù hợp với tự nhiên và bảo vệ môi trường tự nhiên để đảm bảo phát triển kinh tế- xã hội và cải thiện điều kiện sinh sống của người dân trong ĐBSCL.
Theo ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh đang phấn đấu để giảm các tác động của BĐKH, nỗ lực đến năm 2020 chấm dứt khai thác nước ngầm theo chủ trương của Chính phủ; đồng thời triển khai các công trình kè đê biển, cùng với các giải pháp phi công trình. Chính phủ cần có cơ chế chính sách thu hút đầu tư thực hiện các công trình thích ứng BĐKH. Vần đề đầu tư thủy lợi, nhu cầu rất lớn nên cần theo thứ tự ưu tiên nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất; đồng thời Chính phủ cần ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng, kết nối đồng bộ gắn giao thông thủy nội địa gắn với các loại hình giao thông khác để tạo kết nối giao thông liên hoàn cho vùng, thúc đẩy thu hút đầu tư vào vùng.
Là trung tâm vùng ĐBSCL, trorng thời gian qua do ảnh hưởng của BĐKH và các nguyên nhân khác, TP. Cần Thơ đang phải đối mặt với nhiều thác thức liên quan đến nguồn nước, ngập xâm nhập mặn, sạt lở. Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho rằng, hiện nay Cần Thơ đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững, do sự BĐKH và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn và một số tác động khác đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, gây nhiều hiện tượng sạt lở, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế- xã hội và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Trên cơ sở đánh giá hiện trạng nguồn nước mặt và dự báo nhu cầu sử dụng trong tương lai, TP. Cần Thơ đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương thực hiện các biện pháp quản lý bảo vệ, sử dụng nguồn nước mặt phù hợp. Về giải pháp kỹ thuật, thường xuyên điều tra đánh giá tài nguyên nước, nâng cấp mạng lưới quan trắc và theo dõi đánh giá diễn biến tài nguyên nước, xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng khai thác và sử dụng; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý.
Bên cạnh đó, nhằm kiểm soát ngập, ứng phó xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông đang ngày một gia tăng, Cần Thơ đã tăng cường theo dõi và thông báo kịp thời diễn biến tình hình mưa, lũ triều cường, trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân và cấp chính quyền biết để ứng phó. Thường xuyên kiểm tra, duy tu, sửa chữa nạo vét hệ thống tiêu thoát nước, miệng cống, hố ga để tăng khả năng tiêu thoát nước, giảm nhập; xây dựng các công trình kè chống sạt lở; cắm bảng cảnh báo sạt lở đối với những khu vực đặc biệt nguy hiểm; tuyên truyền để người dân không xây cất nhà lấn chiếm lòng sông, không khai thác cát, đất ven sông.
Thống kê của Bộ NN&PTNT, hỗ trợ các địa phương về kinh phí từ nguồn Ngân sách Trung ương, nguồn vốn vay thông qua các dự án ODA, Chương trình SP-RCC từ năm 2010 đến 2020 đã bố trí và có kế hoạch bố trí từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020 là 8.707 tỷ đồng cho các tỉnh ĐBSCL xử lý sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển với tổng số 169 công trình, trong đó: vốn ngân sách Trung ương: 7.928 tỷ đồng/155 công trình; vốn ODA, SP-RCC: 779 tỷ đồng/14 công trình.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP, đối với sạt lở bờ sông, bờ biển có 7 nội dung liên quan đến các giải pháp xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển. Về xây dựng công trình phòng chống sạt lở, năm 2018 đã hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để xử lý 29 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 33km/71km. Đến nay đã hoàn thành khoảng 27% tổng khối lượng; trong đó một số tỉnh đã cơ bản hoàn thành như Cà Mau, Bạc Liêu, song cũng còn những tỉnh chưa tổ chức triển khai thi công như An Giang, Bến Tre, Trà Vinh. Thực hiện 2 dự án: kè Thường Thới Tiền (Đồng Tháp) đã hoàn thành 50% và kè Ba Rài - Phú An (Tiền Giang) đã hoàn thành 10% từ nguồn 7 triệu USD kết dư dự án Quản lý và giảm nhẹ rủi ro hạn hán và lũ lụt tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (ADB-GMS1). Đồng thời xin chủ trương đầu tư 29 triệu USD từ dự án WB, hiện nay đang trình WB thống nhất về danh mục đối với 06 công trình phòng chống sạt lở (dự kiến WB sẽ trả lời trong tháng 6/2019) làm cơ sở để thực hiện các bước tiếp theo...
Tạo chuyển biến trong tư duy và hành động vì sự phát triển bền vững của đồng bằng
Phát biểu tại Hội nghị, Ông Carel Richter, Tổng Lãnh sự quán Hà Lan tại TP.HCM cho biết, trước những thách thức tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, chính phủ Việt Nam đã có những hành động cụ thể, quyết liệt để đưa vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển theo đúng kỳ vọng, phía Hà Lan hết sức ấn tượng và ủng hộ.
Ông Carel Richter cho rằng phía Hà Lan đã có kinh nghiệm thực tiễn để ứng phó với những vấn đề mà đồng bằng sông Cửu Long đang vướng mắc như xâm nhập mặn, sụt lún… do đó Hà Lan sẽ có những phương án, kế hoạch hỗ trợ và đồng hành cùng chính phủ Việt Nam tìm ra những giải pháp tối ưu nhất để phát triển vùng.
Phát biểu tại Hội nghị, bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, qua kết quả nghiên cứu cho thấy, bước đầu chúng ta đã nhận dạng và bước đầu một số kết quả nghiên cứu đã làm rõ một số vùng, địa phương về các vấn đề quản lý tài nguyên nước, biến đổi lượng nước, sụt lún, sạt lở bờ sông, xâm thực bờ biển và một số nơi đã chỉ ra mối quan hệ do quá trình tự nhiên, địa chất kiến tạo, tác động phát triển xã hội không phù hợp, tác động từ thượng nguồn và có những con số mang tính cảnh báo đe dọa sự phát triển bền vững ĐBSCL
Đối với những thách thức hiện nay của vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Trần Hồng Hà ghi nhận rằng, cần có những quy hoạch tổng thể, dài hạn, có tính khoa học, đồng bộ dựa trên những điều kiện có tính bền vững để biến những thách thức hiện nay thành cơ hội, tạo chuyển biến trong tư duy và hành động vì sự phát triển bền vững của đồng bằng.
Từ những yêu cầu được chỉ ra từ Nghị quyết số 120/NQ-CP rằng đồng bằng sông Cửu Long không thể phát triển bằng mọi giá mà phát triển một cách bền vững, “thuận thiên”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho ra rằng quản lý tài nguyên nước cần đưa ra những giải pháp dựa trên đa mục tiêu. Lấy tài nguyên nước làm trung tâm và tổng hợp trên toàn lưu vực bao gồm nguồn nước xuyên biên giới các nước. làm rõ nguyên nhân. Đồng thời nghiên cứu, đánh giá trên cơ sở khoa học để tiếp tục thực hiện trên tinh thần tổng thể trên toàn lưu vực và nhận định được những nguyên nhân đâu là do con người, do thủy điện, do tự nhiên, từ đó cần có ngay giải pháp cơ chế chính sách, chiến lược quy hoạch phát triển đồng bằng về lâu dài; bên cạnh đó cần áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ; thay đổi tư duy về phát triển; đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản; xây dựng hệ thống dữ liệu đồng bộ; số liệu, dữ liệu liên ngành cần sớm được thiết lập, cập nhật và hệ thống hóa; tăng cường huy động và phát triển nguồn lực cho phát triển ĐBSCL bao gồm nguồn nhân lực, tài chính, công nghệ để đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đồng ý với ý kiến của đại sứ Hà Lan là cần phải có những giải pháp ngoại giao xuyên biên giới để tìm ra các giải pháp từ các hoạt động khai thác, sử dụng nước ở phía thượng nguồn, đặc biệt là các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông.
Bộ trưởng cảm ơn sự đồng hành của chính phủ Hà Lan trong việc hỗ trợ Việt Nam trong các vấn đề của vùng đồng bằng sông Cửu Long như quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, những ý kiến đóng góp thực tiễn, khoa học tại diễn đàn sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp lại và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Hội nghị đánh giá kết quả 02 năm triển khai thực hiện nghị Quyết số 120/NQ-CP đồng thời đánh giá lại toàn diện những vướng mắc hiện nay của đồng bằng sông Cửu Long để đưa ra các giải pháp tổng thể, lâu dài và bền vững.