Triển khai Luật Đất đai 2024

Tăng tiếp cận đất đai cho đồng bào - Cần hướng dẫn Luật cụ thể

Thúy Nhi (thực hiện) 16/05/2024 - 09:35

(TN&MT) - Để triển khai Luật Đất đai 2024, ông Trương Quốc Cần - Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi - CISDOMA đã đề xuất các kiến nghị nhằm giải quyết tồn tại liên quan đến đảm bảo quyền sử dụng đất, hướng dẫn giao đất, giao rừng, giải quyết chồng lấn…

ong-can.jpg
Ông Trương Quốc Cần - Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi

PV: Thưa ông, nhiều năm qua, tình trạng nhiều hộ DTTS trước đây có đất nhưng đã bán nên trở thành không có đất. Nguyên nhân chính do đồng bào chưa nắm rõ quy định pháp luật về đất đai. Vậy vấn đề này nên được xem xét để giải quyết như thế nào về mặt quy định pháp luật?

Ông Trương Quốc Cần: Đây đúng là một vấn đề tồn tại cần sớm giải quyết. Thời gian qua, xuất hiện một thực tế là đồng bào DTTS sau khi được Nhà nước giao đất sản xuất theo các chính sách hỗ trợ nhưng đã chuyển nhượng đất đai cho người khác hoặc cầm cố đất đai để vay vốn sản xuất, tiêu dùng… Trong số nhiều nguyên nhân của tình trạng “tái thiếu đất” là việc đồng bào DTTS không nắm được đầy đủ các quy định về đất đai, hoạt động tư vấn pháp lý còn hạn chế.

Để tăng tiếp cận thông tin và nhận thức pháp luật của đồng bào DTTS, Ủy ban An ninh lương thực của Liên hợp quốc và ổ chức Nông Lương Quốc tế (FAO) khuyến nghị giải pháp về cung cấp dịch vụ công phải cung cấp kịp thời và hiệu quả, sử dụng công nghệ và phương pháp phù hợp với địa phương; đồng thời Nhà nước và các bên liên quan khác nên xem xét các biện pháp bổ sung để hỗ trợ những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, nhóm yếu thế được tiếp cận đầy đủ đến các dịch vụ hành chính và tư pháp về đất đai.

Luật Đất đai 2024 đã đề cập vai trò của Nhà nước trong việc cung cấp các dịch vụ công về đất đai (Điều 20); trợ giúp pháp lý về đất đai (Điều 15); cung cấp thông tin bằng hình thức phù hợp với phong tục, tập quán và văn hóa truyền thống của từng dân tộc, từng vùng (Điều 18).

Các chủ trương này cần được cụ thể hóa trong các văn bản hướng dẫn và quy định về các dịch vụ công liên quan đến đất đai với các cơ chế, biện pháp đặc thù phù hợp với điều kiện của địa phương, bao gồm các hình thức cung cấp thông tin đất đai bằng ngôn ngữ địa phương với hình thức phù hợp cho người DTTS ở vùng có điều kiện khó khăn; các giải pháp nhằm điều tiết các giao dịch về đất đai, hạn chế việc nhận chuyển nhượng đất sản xuất từ đồng bào DTTS.

PV: Ở hầu hết địa bàn có đồng bào DTTS sinh sống, đất sản xuất và sinh kế của họ phần lớn đều gắn với đất rừng. Theo ông, việc giao đất, giao rừng cần được hướng dẫn cụ thể như thế nào trong các văn bản hướng dẫn Luật tới đây?

Ông Trương Quốc Cần: Hiện nay, trình tự, thủ tục giao đất gắn với giao rừng được quy định trong 2 hệ thống văn bản pháp lý về quản lý sử dụng đất (Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT) và quản lý, bảo vệ rừng (Nghị định số 156/2018/NĐ-CP). Luật Đất đai 2024 đã bổ sung một số quy định về điều kiện, trình tự giao đất với các trường hợp, theo từng thời điểm sử dụng đất khác nhau, quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng song chưa được hướng dẫn chi tiết.

Để đảm bảo việc thực thi các quy định này một cách hiệu quả đối với đồng bào DTTS, theo tôi, cần có sự rà soát lại các văn bản hướng dẫn giao đất của ngành TN&MT và giao rừng của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đó có điều chỉnh, sửa đổi và cụ thể hóa các nội dung để đưa ra hướng dẫn quy trình chung, đồng nhất và chi tiết các bước thực hiện cho việc giao đất gắn với giao rừng.

Trong hướng dẫn này, cần lồng ghép các nguyên tắc và quy định nhằm đảm bảo sự tham gia của cộng đồng trong các khâu của quy trình giao đất, giao rừng. Đối với trường hợp đất giao cho cộng đồng, nhóm hộ, cần có các hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, thủ tục, phân công trách nhiệm, cơ chế đại diện cho cộng đồng và cơ chế giải trình đối với người đại diện cộng đồng để đảm bảo việc quản lý, bảo vệ rừng được hiệu quả, đảm bảo có sự gắn bó một cách chặt chẽ và hài hòa giữa trách nhiệm cá nhân của người đại diện với cam kết chung của cộng đồng.

a1-dtts.jpg

PV: Sắp xếp lại đất đai vùng DTTS dựa trên sự đồng thuận của cộng đồng là điều kiện quan trọng để có thể tăng tiếp cận đất đai, đảm bảo công bằng, hài hòa trong phân bổ đất đai cho đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, thực tế còn tồn tại các vấn đề về chồng lấn, sai lệch hồ sơ. Vấn đề này cần giải quyết ra sao, thưa ông?

Ông Trương Quốc Cần: Nhu cầu điều chỉnh, sắp xếp lại đất đai ở vùng đồng bào DTTS đang là nhu cầu rất lớn và cấp thiết. Điều 219 quy định về góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai là một điểm mới trong Luật Đất đai 2024. Với những quy định mới được thể hiện trong Điều 219, khi triển khai vào thực tế sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang gặp phải trong thực tế để phát huy hiệu quả sử dụng đất. Đặc biệt, ở một số địa phương, chính quyền đã vận động người dân tự thỏa thuận và thực hiện việc sắp xếp lại đất đai, trong đó có việc điều chỉnh ranh giới, mốc giới để đảm bảo thống nhất giữa thực tế sử dụng và hồ sơ đất đai.

Để có thể tháo gỡ được những vướng mắc do chênh lệch giữa hồ sơ với hiện trạng sử dụng, do chồng lấn, tranh chấp mốc giới sử dụng đất trên thực tế, không thể xử lý theo từng trường hợp đơn lẻ mà cần thực hiện trong khuôn khổ một chủ trương. Ngoài ra, cần có thêm những hướng dẫn chi tiết, cơ chế giám sát để đảm bảo tính xác thực và tránh các trường hợp lợi dụng để hợp thức hóa vi phạm hay trục lợi từ chính sách.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng tiếp cận đất đai cho đồng bào - Cần hướng dẫn Luật cụ thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO