Sáng 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thống nhất tăng thuế suất tài nguyên với nhiều mặt hàng thuộc nhóm tài nguyên kim loại, không kim loại và nước....
Tiếp tục phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng nay (10/12), các đại biểu đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 về việc ban hành biểu thuế suất thuế tài nguyên.
Theo đó, tại Tờ trình trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đề xuất tăng mức thuế suất tài nguyên với một loại mặt hàng: Sắt - khung thuế suất cho phép áp dụng là 7-20%, thuế suất hiện hành 12%, đề nghị tăng lên 14%.
Titan- khung thuế suất được phép áp dụng là 7-20%, thuế suất hiện hành 16%, đề nghị tăng 18%; Vàng - khung thuế suất cho phép từ 9-25%, thuế suất hiện hành 15% cũng đề nghị tăng lên 17%.
Bạch kim, bạc, thiếc- khung thuế suất 7-25%, thuế suất hiện hành 10%. Tuy nhiên, để phù hợp với việc tăng mức thuế suất đối với măng-gan, đề nghị tăng mức thuế suất thuế tài nguyên đối với bạch kim, bạc, thiếc từ 10% lên 12%. Đá hoa trắng, cát - khung thuế suất 5-15%, thuế suất hiện hành 9%, đề nghị cho phép tăng lên mức trần 15%...
Theo Bộ trưởng Tài chính, việc rà soát điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên đối với từng nhóm, loại tài nguyên cho phù hợp nhằm tăng cường quản lý Nhà nước trong việc khai thác, đảm bảo nguồn thu NSNN trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.
Đồng tình với Tờ trình do Bộ trưởng Tài chính đưa ra, đại diện Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị quyết vì qua gần 2 năm thực hiện, đến nay một số mức thuế suất chưa thực sự góp phần thúc đẩy việc sử dụng tiết kiệm và khuyến khích chế biến sâu đối với các loại tài nguyên, khoáng sản.
Các nhóm kim loại, không kim loại và nước thiên nhiên sẽ bị tăng thuế
Thảo luận tại buổi làm việc, đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, đối với khoáng sản không phải kim loại, nếu tính tăng công suất khai thác lên thì phải tính đến cả việc tác động.
Ví dụ, việc khai thác cát đen đang ảnh hưởng đến môi trường, đời sống người dân, nếu bây giờ tăng nhu cầu khai thác lên càng khuyến khích cho khai thác cát lậu.
“Nguồn thu không đáng bao nhiêu nhưng phải bỏ rất nhiều tiền ra kè bờ bao cho nên không nên tăng khai thác cát đen”, ông Phúc đề nghị.
Đồng tình với Chính phủ cần phải có Nghị quyết mới thay thế nghị quyết cũ, đại biểu Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng, khi muốn giảm hút thuốc lá chúng ta dùng chính sách thuế để giảm hút thuốc hoặc khi muốn điều tiết một vấn đề gì chúng ta đều dùng chính sách tăng thuế. Tuy nhiên, phải điều hành và quản lý tốt.
“Không thể anh quản lý không tốt anh đòi không tăng thuế. Quản lý nhà nước phải nghiêm, phải xử lý được tất cả vấn đề đặt ra và phải dùng chính sách thuế để điều tiết, nếu không câu chuyện này còn phải nói dài dài”, bà Mai nói.
Tuy nhiên, bà Mai cho rằng, cần phải khuyến khích tài nguyên rừng, phải có chính sách để người trồng rừng sống được. “Nếu cuộc sống người ta gắn với rừng mà không sống được với rừng người ta sẽ sống bằng cái gì?”,bà đặt câu hỏi.
Đại biểu Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, với vấn đề rừng, khi nói không chỉ nói về vấn đề kinh tế nếu chỉ nói về kinh tế là thất bại ngay. Vấn đề rừng còn là vấn đề bảo tồn. Tất cả các vấn đề này đều liên quan đến con người.
Phát biểu kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đa số ý kiến đều đồng tình phải ban hành nghị quyết để điều chỉnh, thay đổi thuế suất với tài nguyên. Nội dung thay đổi đồng ý mức tăng thuế suất với các nhóm không kim loại, kim loại và nước thiên nhiên. Tuy nhiên, xem xét không để ảnh hưởng đến sản xuất.
Ngay phiên thảo luận sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bỏ phiếu thống nhất thông qua Nghị quyết sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 về việc ban hành biểu thuế suất thuế tài nguyên.
Nghị quyết này sẽ có hiệu lực từ 1/7/2016.
Theo Infonet