Tăng cường vai trò của Quốc hội trong chuyển dịch năng lượng và giảm phát thải

Khánh Ly| 22/11/2022 22:03

(TN&MT) - Ngày 22/11, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) đã phối hợp tổ chức khai mạc Chương trình Đối thoại quốc gia: “Chuyển dịch năng lượng bền vững – Quản trị, Tài chính và Công nghệ”. Đối thoại nhằm làm rõ nỗ lực của Việt Nam trong việc hiện thực hóa cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải thông qua chuyển dịch năng lượng công bằng và bền vững.

a_108807.jpg
Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội (giữa); ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội (trái); ông Guido Hildner, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam cùng chủ trì Chương trình Đối thoại quốc gia

Diễn đàn thu hút sự tham gia của gần 200 đại biểu trực tiếp và trực tuyến đến từ các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các tổ chức quốc tế. Xuyên suốt Chương trình đối thoại là những trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam trong xây dựng định hướng chiến lược và kế hoạch chuyển dịch năng lượng bền vững nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh: “Việt Nam có một nền kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm liên tục. Nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt là điện năng ngày càng tăng cao. Để đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong thời gian qua Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, trong đó đáng lưu ý là ngày 11/02/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Để thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành và địa phương đã và đang tập trung xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ có liên quan.

a7400501.jpg
Ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Chương trình Đối thoại quốc gia

Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội có vai trò quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng bền vững thông qua thực hiện các quyền lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Trong giai đoạn trước mắt, cần tập trung hoàn thiện thể chế về phát triển năng lượng, trọng tâm là nghiên cứu, đánh giá tình hình, rà soát hệ thống pháp luật phục vụ cho việc sửa đổi toàn diện Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Khoáng sản, xây dựng mới Luật Năng lượng tái tạo; thực hiện có hiệu quả giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2021 về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”.

Các đại biểu nhận định, những kết quả bước đầu của quá trình CDNL thời gian qua đã cho thấy quá trình triển khai có thuận lợi và thách thức đan xen. Trong đó, khó khăn, thách thức là chủ yếu. Các giải pháp về quản trị, trọng tâm là cơ chế, chính sách, pháp luật là yếu tố then chốt cho CDNL công bằng và bền vững. Vấn đề tài chính, công nghệ, kỹ thuật và lộ trình giảm phát thải cho các tập đoàn kinh tế hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Vấn đề hợp tác, trong đó có hợp tác quốc tế ở các cấp độ: toàn cầu, khu vực, quốc gia, địa phương, cộng đồng, giữa các ngành, lĩnh vực và các bên liên quan đóng vai trò hết sức quan trọng.

Ông Lê Quang Huy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội cho biết: Chuyển dịch năng lượng bền vững nhằm giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất nhưng vẫn bảo đảm an ninh năng lượng và giảm thiểu tác động đến phát triển kinh tế - xã hội - môi trường là một xu hướng tất yếu ở quy mô toàn cầu. Việt Nam đã kịp thời nắm bắt và bắt đầu thúc đẩy mạnh mẽ. Đây là quá trình đòi hỏi những nỗ lực rất lớn của Việt Nam cùng với sự hỗ trợ của quốc tế để giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập cả ở góc độ chính sách, quản trị, tài chính, công nghệ.

37406534(1).jpg
Hơn 200 đại biểu tham dự trực tuyến và trực tiếp

Tại phiên khai mạc diễn đàn, đại diện các cơ quan Chính phủ, GIZ và Dự án CASE đã cùng chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng trên thế giới, kinh nghiệm của Đức về chuyển dịch năng lượng bền vững; Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050 của Việt Nam; Định hướng chiến lược phát triển ngành điện, giao thông vận tải đạt mục tiêu Net-zero năm 2050; tài chính xanh; Chính sách thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam; Vai trò của năng lượng sinh học trong việc chuyển dịch năng lượng; Định giá carbon hiệu quả và bền vững cho Việt Nam...

Các chuyên gia đã đưa ra nhiều khuyến nghị nhằm hoàn thiện quy định chính sách cụ thể về tài chính, thuế, kiểm soát phát thải khí nhà kính, chuyển đổi công nghệ, đánh giá tác động đến phát triển kinh tế-xã hội). Đây là cơ sở để các cơ quan của Quốc hội, trong đó có Ủy ban KH,CN&MT tham mưu việc rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật, nhất là các luật, nghị quyết của Quốc hội và tăng cường giám sát của Quốc hội đối với các bộ, ngành của Chính phủ trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển năng lượng bền vững.

Chương trình đối thoại diễn ra trong hai ngày 22 – 23/11, thuộc khuôn khổ Dự án “Năng lượng sạch, Chi phí hợp lý và An ninh năng lượng cho các quốc gia Đông Nam Á (CASE)”, do Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu CHLB Đức (BMWK) tài trợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường vai trò của Quốc hội trong chuyển dịch năng lượng và giảm phát thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO