Tăng cường năng lực thích ứng quốc gia hướng tới phục hồi bền vững

Thủy Nguyễn| 25/02/2022 15:49

Sáng 25/2, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức Hội nghị quốc tế: “Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ngay sau Phiên họp toàn thể đã diễn ra Phiên thảo luận với chủ đề “Phục hồi xanh và tự cường”.

Việt Nam cam kết theo đuổi tiến trình phục hồi xanh và bao trùm

Trong những năm qua, nhân loại đã trải qua “khủng hoảng kép” do biến đổi khí hậu, suy thoái hệ sinh thái tự nhiên, đại dịch Covid-19, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, sản xuất kinh doanh trên phạm vi toàn cầu. Nguyên nhân xuất phát từ mô hình phát triển thiếu bền vững kéo dài hàng thế kỷ của nhân loại, làm suy thoái các hệ sinh thái tự nhiên, làm cho khí hậu biến đổi nhanh với cường độ cao.

Chính vì vậy, phục hồi xanh sau đại dịch Covid-19, mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” (net-zero), chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo cùng với bảo vệ, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên hiện đã trở thành xu thế tất yếu của thời đại.

Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước với tầm nhìn chiến lược, nhãn quan nhạy bén đã nắm bắt kịp thời xu thế này và có những quyết sách rất kịp thời với việc Việt Nam tích cực tham gia các sáng kiến toàn cầu tại Hội nghị COP26, nổi bật là cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ; giảm phát thải mê-tan toàn cầu; chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; hành động thích ứng toàn cầu…

Với tinh thần “lời nói đi đôi với việc làm”, ngay sau Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam với nhiệm vụ trọng tâm là đề xuất cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi và tận dụng các cơ hội huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng tái tạo.

img_5942_1_resize.jpg
Toàn cảnh Phiên thảo luận với chủ đề “Phục hồi xanh và tự cường”

Cũng ngay sau COP26, Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và các lĩnh vực khác có liên quan như điện lực, đất đai… để từng bước đồng bộ hành lang pháp lý cho ứng phó với biến đổi khí hậu.

Triển khai kế hoạch hành động net-zero

Phát biểu tại Phiên thảo luận, thay mặt lãnh đạo Bộ TN&MT, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng đề cương Đề án triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, trong đó, Bộ đã đề xuất 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm triển khai kết quả Hội nghị COP26, bao gồm: Đổi mới thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; Chuyển đổi năng lượng và công nghiệp; Hạ tầng xây dựng và giao thông; Nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; TN&MT; Thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức; An sinh xã hội, chuyển đổi công bằng và Ngoại giao khí hậu.

img_5939_resize1111(2).jpg
Thứ trưởng  Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại Phiên thảo luận với chủ đề “Phục hồi xanh và tự cường”

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành đang tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục, tạo thuận lợi để đưa các dòng vốn tài chính, tín dụng net-zero của các định chế tài chính, tổ chức tín dụng quốc tế vào Việt Nam; thu hút các dự án net-zero của các tập đoàn quốc tế, tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam.

Trong đó, trọng tâm là rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu net-zero; Hoàn thiện cập nhật Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Rà soát, hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045; Xây dựng kế hoạch triển khai Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; kế hoạch thực hiện giảm 30% khí mê-tan; Hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư vào Việt Nam triển khai các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng tái tạo… Đồng thời, tích cực nghiên cứu để có thể sớm trở thành thành viên của Cơ quan Năng lượng Tái tạo quốc tế (IRENA) và Liên minh Năng lượng Mặt trời quốc tế (ISA).

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu; điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, ít phát thải khí nhà kính và chống chịu tốt trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; Cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam phù hợp với lộ trình đạt mục tiêu net-zero vào năm 2050.

Thúc đẩy phát triển mạnh điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, điện gió trên đất liền; Xem xét đề ra chính sách để loại bỏ điện than; Điều chỉnh lại các mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh; Xây dựng lộ trình để nhanh chóng chuyển đổi phương tiện giao thông sang sử dụng điện; Tập trung xây dựng và phát triển thị trường các-bon trong nước, kết nối với thị trường khu vực và thế giới; xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon và hạn ngạch phát thải khí nhà kính, nghiên cứu đề xuất hình thành Quỹ Giảm phát thải khí nhà kính.

Thứ trưởng Lê Công Thành cũng vui mừng cho biết, những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Ngay trong những ngày đầu của Năm mới Nhâm Dần, Việt Nam đã chào đón những vị khách quốc tế quan trọng: Chủ tịch COP26, Ngài Alok Sharma; Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ngài Frans Timmermans;….

Ứng phó với biến đổi khí hậu cùng với phục hồi sau đại dịch COVID-19 và phục hồi hệ sinh thái tự nhiên cần phải đặt trong bối toàn cầu với cách tiếp cận toàn diện, tổng thể. Đây không phải là việc một quốc gia riêng lẻ có thể làm được, mà cần có sự hợp tác, chung tay của mọi quốc gia, dân tộc. Trong đó, người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và là chủ thể hành động.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Lê Công Thành kêu gọi các quốc gia, các tổ chức quốc tế cùng hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu với giải quyết khủng hoảng do dịch bệnh và suy giảm hệ sinh thái. Đồng thời, mong muốn các quốc gia, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, định chế tài chính tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch hành động net-zero và tăng cường năng lực thích ứng quốc gia.

Tại Phiên thảo luận, các nhà lãnh đạo và học giả hàng đầu trên thế giới đã chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia trong việc thúc đẩy thay đổi chính sách, tài chính và thể chế để có thể phục hồi kinh tế xanh, sạch và bao trùm từ đại dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường năng lực thích ứng quốc gia hướng tới phục hồi bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO