Chương trình hợp tác phát triển du lịch khu vực Tây Bắc mở rộng được Lãnh đạo 8 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang ký kết tháng 6/2010 tại thị trấn Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, dưới sự chủ trì của Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng cục Du lịch. Trong 8 năm qua, sự phối hợp chặt chẽ của các tỉnh tham gia vào chương trình hợp tác, hoạt động du lịch trong khối 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đã thu được những kết quả nhất định, thể hiện cụ thể trong các hoạt động hợp tác trên 4 lĩnh vực: Cơ chế chính sách, phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá và phát triển nguồn nhân lực.
Trong năm 2018, du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đã có nhiều khởi sắc. Tổng lượng khách đến với 8 tỉnh Tây Bắc là hơn 20 triệu lượt, trong đó gần 2 triệu khách quốc tế; doanh thu đạt gần 23.000 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 9% so với kế hoạch.
Các tỉnh đã tập trung phát triển nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương như: Sơn La với Lễ hội Trà Mộc Châu, Lễ hội Xoài Yên Châu; Yên Bái với sản phẩm du lịch mạo hiểm dù lượn “Bay giữa mùa vàng” và “Bay trên mùa nước đổ”; Lào Cai với sản phẩm du lịch “Sắc hoa Tây Bắc”, “Lễ hội hoa đỗ quyên” tổ chức trên khu vực Cáp treo Fansipan; Điện Biên với sản phẩm du lịch quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, Lễ hội Thành Bản Phủ, Lễ hội đua thuyền đuôi én…
Công tác xúc tiến quảng bá du lịch cũng được 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng quan tâm thực hiện với nhiều hoạt động; các tỉnh đã tổ chức đoàn công tác tham dự Hội nghị xúc tiến du lịch Việt Nam - Bắc Lào tại Luông Pha Băng (Lào), khảo sát, trao đổi kinh nghiệm, triển khai các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực du lịch tại các tỉnh Bắc Lào… Các tỉnh Tây Bắc mở rộng cũng có nhiều hoạt động trong hợp tác phát triển nhân lực du lịch địa phương, tổ chức nhiều sự kiện nổi bật, triển khai các hoạt động đối ngoại và hoạt động thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch.
Dù đã đạt dược một số kết quả đáng ghi nhận nhưng phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế các địa phương; việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch chưa đồng bộ; giao thông kết nối tới các điểm du lịch chưa thuận lợi; nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; các sản phẩm du lịch mang tính chất liên vùng chưa hình thành rõ nét, kém đặc trưng và thiếu tính kết nối, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn…
Trong năm 2019, Ban Chỉ đạo chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng sẽ tăng cường hoạt động liên kết phát triển du lịch; xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Đặc biệt là việc hợp tác phát triển sản phẩm du lịch của 8 tỉnh, trong đó có các hoạt động như tổ chức cuộc thi ảnh đẹp du lịch Tây Bắc năm 2019; xây dựng, hình thành tuyến du lịch đường thủy liên hồ trên sông Đà qua các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu; thực hiện các nội dung đã ký kết, thống nhất với các tỉnh Bắc Lào về phát triển du lịch. Bên cạnh đó, các tỉnh cũng tăng cường hoạt động hợp tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch. Chú trọng công tác hợp tác phát triển nhân lực du lịch địa phương. Trong đó sẽ tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch theo tiêu chuẩn nghề Việt Nam; tổ chức các lớp đào tạo về kỹ năng kinh doanh du lịch cộng đồng…