Đã cảnh báo sớm thiên tai trước 2 – 3 ngày
Nhận định chung về những diễn biến KTTV nổi bật trong năm 2017, ông Hoàng Đức Cường cho biết, hiện tượng ENSO ở pha trung tính trong nửa đầu năm 2017 và chuyển sang pha lạnh La Nina trong những tháng cuối năm. Các đợt rét đậm, rét hại xuất hiện với tần suất thấp và không kéo dài. Tuy vậy, nắng nóng gay gắt trên diện rộng và diễn ra kỉ lục ở nhiều nơi, không chỉ vùng núi phía tây miền Trung mà còn ở Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Thủ đô Hà Nội.
Bão và ATNĐ xuất hiện nhiều kỷ lục trên biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta chủ yếu ở khu vực Trung Bộ, trong đó có hai cơn bão mạnh là bão số 10 (Doksuri) và số 12 (Damrey). Từ giữa đến nửa cuối năm 2017, mưa lớn diện rộng và kéo dài ở Bắc Bộ, Trung Bộ gây lũ lịch sử hoặc gần mức lịch sử ở Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi kéo theo lũ quét và sạt lở đất ở nhiều nơi.
Trước diễn biến thời tiết, thiên tai nhiều bất thường, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương đã theo dõi chặt chẽ tình hình KTTV trên phạm vi cả nước và dự báo kịp thời các hiện tượng nguy hiểm. Đặc biệt, đã cảnh báo trước 2 -3 ngày khả năng xuất hiện của bão, ATNĐ, các đợt mưa lũ lớn ở tất cả các địa phương
Để thông tin kịp thời về tình hình diễn biến và các dự báo thiên tai KTTV, Trung tâm đã thường xuyên trực tiếp báo cáo với Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và tham dự các cuộc họp giao ban của văn phòng BCĐ. Trung tâm cũng phát hành các bản tin lũ, tin lũ khẩn cấp kịp thời và dự báo tương đối tin cậy diễn biến lũ trên các sông. Đặc biệt, tần suất phát tin tăng lên khi mưa lũ gây nguy cơ mất an toàn hồ chứa và ngập lụt vùng hạ lưu sông. Ngoài ra còn có các bản tin riêng cho hồ chứa, cảnh báo phạm vi ngập lụt, độ sâu ngập chi tiết tới cấp xã, huyện cho các khu vực bị ảnh hưởng.
Qua đánh giá khách quan chất lượng dự báo KTTV năm 2017 của Trung tâm, kết quả cho thấy, dự báo bão, lũ đã vượt chỉ tiêu đối với dự báo trước 12 – 24 giờ, đạt yêu cầu đối với dự báo trước 24 – 48 giờ và sai số còn lớn đối với dự báo trước 48 – 72 giờ. Các dự báo khí tượng hạn vừa, thủy văn hạn ngắn, thủy văn hạn vừa đều vượt chỉ tiêu, riêng dự báo hạn ngắn hụt chỉ tiêu 1,1%. Dự báo KTTV biển và KTTV hạn dài đều đạt yêu cầu.
Ông Cường cho biết, Trung tâm thường xuyên họp rút kinh nghiệm về công tác dự báo bão, mưa, lũ ngay sau khi kết thúc đợt dự báo để điều chỉnh, bổ sung trong các bản tin dự báo, cảnh báo tiếp theo. Đồng thời, đều đặn thảo luận trực tuyến giữa đài trung ương và các đài khu vực để nắm vững cũng như nhận định xu thế thời tiết trên cả nước. Các hội thảo khoa học nhận định lũ sớm, lũ lớn ở Nam Bộ, nguy cư ảnh hưởng hồ chưa khu vực Trung Bộ cũng đã được tổ chức. Từ tháng 10/2017, Trung tâm đã tiến hành dự báo thời tiết điểm cho 63 tỉnh/thành phố.
Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng được tiến hành khẩn trương với việc hoàn thành 3 Thông tư của Bộ TN&MT quy định kỹ thuật đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng và thủy văn; Định mức kinh tế - kỹ thuật về công tác dự báo, cảnh báo KTTV. Song song với đó, Trung tâm đã xây dựng và trình Trung tâm KTTV Quốc gia ban hành "Quy định về phân cấp trách nhiệm ban hành bản tin dự báo, cảnh báo KTTV trong điều kiện bình thường và nguy hiểm" đối với các đơn vị trong hệ thống dự báo, cảnh báo quốc gia.
Nhiều thách thức trước yêu cầu thực tiễn ngày càng cao
Trong bối cảnh thời tiết, thiên tai có nhiều diễn biến phức tạp, công tác dự báo KTTV còn gặp nhiều khó khăn, sai số lớn trong khi yêu cầu dự báo ngày càng cao về độ tin cậy, chi tiết, thời gian dự báo dài… Theo ông Cường, công nghệ dự báo hiện nay chưa dự báo được lũ quét, sạt lở đất và mới cảnh báo nguy cơ có khả năng xảy ra lũ quét tại một số vùng hoặc khu vực rộng lớn trước từ 3 – 6 giờ.
Bên cạnh đó, việc xác định cấp độ rủi ro thiên tai trong từng trường hợp cụ thể chưa thống nhất giữa Trung ương và địa phương. Dự báo diễn biến lũ, đỉnh lũ gặp khó khăn và sai số, do hạn chế trong dự báo mưa và bị tác động từ hoạt động điều tiết, vận hành của các hồ chứa thủy điện. Các đơn vị, đặc biệt là Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh chưa thực hiện triệt để việc chi tiết hóa các quy định chuyên môn, quy trình kĩ thuật về dự báo KTTV nên chưa phát huy được hiệu quả rõ rệt trong hệ thống dự báo KTTV quốc gia, cũng như chưa có nhiều công cụ hỗ trợ các đài này chi tiết hóa bản tin.
Trong năm 2018, Trung tâm tiếp tục tập trung vào nhiệm vụ theo dõi chặt chẽ tình hình KTTV, hải văn phục vụ tốt công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra trên phạm vi toàn quốc. Xây dựng hồ sơ báo cáo các hiện tượng KTTV; rà soát, hoàn thiện và hướng dẫn các Đài KTTV khu vực, đài tỉnh về các quy trình, công cụ dự báo KTTV, đặc biệt là hướng dẫn thực hiện thông tư đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo KTTV; hỗ trợ các đài nâng cao chất lượng dự báo; cải tiến bản tin với nhiều phương thức truyền thông đến cộng đồng… Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác thực hiện các quy trình, quy định, quy chế của Chính phủ, của Bộ TN&MT, của Trung tâm KTTV Quốc gia về công tác dự báo.
Pha lạnh La Nina sẽ còn duy trì trong 3 – 4 tháng đầu năm 2018, bởi vậy, Trung tâm sẽ tập trung dự báo, cảnh báo sự xuất hiện sớm của bão, ATNĐ, rét đậm rét hại ở phía Bắc, mưa trái mùa ở phía Nam, sau đó là mưa lũ tập trung ở phía Bắc khi hiện tượng ENSO chuyển về pha trung tính từ giữa năm 2018… Trong đó, chú trọng dự báo thời tiết điểm, mưa lớn định lượng và chi tiết hóa các cấp độ rủi ro thiên tai, phục vụ công tác phòng chống.
Trung tâm cũng kiến nghị Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, Bộ TN&MT đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hiện đại hóa ngành KTTV, trong đó chú trọng công tác dự báo. Để tăng cường giám sát mưa lũ theo thời hạn cực ngắn cần tăng số lượng điểm đo mưa, trước mắt cần đạt mật độ trung bình 80 km2/điểm. Thực hiện các dự án chuyên môn để từng bước nâng cao chất lượng cảnh báo các hiện tượng thời tiết thủy văn quy mô nhỏ, xảy ra nhanh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác ứng dụng công nghệ cao với các quốc gia đi đầu về KTTV…
Theo ông Lê Công Thành, Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, ngành KTTV đang có kế hoạch tăng dầy các điểm đo mưa bằng nhiều nguồn lực khác nhau. Năm 2018 sẽ đẩy mạnh công tác dự báo định lượng mưa và dự báo điểm. Ông Thành cũng đề nghị Trung tâm Dự báo tăng cường phối hợp với các đơn bị liên quan tìm ra phương án tăng các điểm quan trắc trên biển, phát triển dịch vụ KTTV hướng tới phát triển năng lượng tái tạo và có đánh giá chi phí lợi ích của thông tin KTTV…
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các phòng ban chuyên môn của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, các đơn vị thành viên của Trung tâm KTTV quốc gia đã có tham luận trình bày về những thành quả, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động dự báo, cảnh báo thời gian qua. Đại diện lãnh đạo các đơn vị phối hợp như Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia… đã có các đề xuất, kiến nghị nhằm thắt chặt quan hệ phối hợp và tăng cường trao đổi, nâng cao hiệu quả thông tin dự báo KTTV.
Nhân dịp này, các tập thể, cá nhân thuộc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đã vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống thiên tai năm 2016; Bằng khen của Bộ trưởng, Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 10 và đợt mưa lũ lớn từ ngày 10 – 14/10/2017; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TN&MT vì đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua của ngành TN&MT; Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng công trình thủy điện Lai Châu.