Tiềm năng lớn để phát triển
Các chuyên gia thuộc Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT phân tích, ở Việt Nam, kinh tế chia sẻ chưa phát triển mạnh như ở nhiều nước nhưng cũng có tiềm năng lớn để phát triển.
Thực tế hiện nay, một số loại hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện, trong đó nổi lên ba loại hình dịch vụ kinh tế chia sẻ về dịch vụ vận tải trực tuyến (như Grab, dichung, fastgo...), dịch vụ chia sẻ phòng (như Airbnb, Travelmob, Luxstay) và cho vay ngang hàng (P2P lending). Ngoài ra, nhiều dịch vụ khác cũng đã được hình thành trên thực tế như trong dịch vụ du lịch, chia sẻ chỗ làm việc, gửi xe, chia sẻ nhân lực… Nhìn chung, các hoạt động kinh tế chia sẻ thường tập trung ở các thành phố, đô thị của Việt Nam.
Việt Nam định hướng sẽ phát triển mô hình kinh tế chia sẻ. Ảnh: TTXVN |
Kinh tế chia sẻ được nhận định sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Về bản chất, kinh tế chia sẻ là mô hình kinh doanh tận dụng lợi thế của công nghệ số, qua đó tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận một số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số. Những lợi ích này tạo ra cơ hội cho Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đồng thời cải cách bộ máy hành chính theo hướng chính phủ số và cải cách thể chế, phát triển nền kinh tế số và tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Tuy vậy, thách thức không hề nhỏ mà kinh tế chia sẻ mang lại cho Việt Nam, như làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường (quan hệ 3 bên, thay vì 2 bên trong hợp đồng kinh tế), đồng thời tạo ra xung đột lợi ích với mô hình kinh doanh truyền thống; máy móc thông minh, trí tuệ nhân tạo (AI) đang thay đổi cách làm việc của con người dẫn đến một số nghề nghiệp sẽ hoàn toàn biến mất. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng, Việt Nam là quốc gia chịu rủi ro cao nhất trong khu vực về việc làm do kinh tế chia sẻ, với tỷ lệ ước tính khoảng 70%. Dù được xem là mô hình mang đến nhiều lợi ích cho xã hội nhưng trong một giai đoạn ngắn, nhiều doanh nghiệp mới gia nhập cùng với những biến động khiến chính sách không thay đổi kịp. Khi xu thế phát triển nhanh chóng các mô hình kinh tế chia sẻ là không thể đảo ngược, việc điều chỉnh chính sách quản lý là cần thiết để khai thác điểm mạnh, đồng thời hạn chế bất cập của kinh tế chia sẻ.
Hướng đến sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường
Tại “Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ” được Thủ tướng phê duyệt năm 2019, Việt Nam đặt ra mục tiêu đảm bảo môi trường bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống; đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ. Công tác quản lý cần lường định các rủi ro và xác định trách nhiệm pháp lý của các bên tham gia mô hình kinh tế này.
Để đáp ứng mục tiêu khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường khi thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, Bộ TN&MT được Thủ tướng Chính phủ phân công tổ chức nghiên cứu đề xuất các quy định, xác định rõ trách nhiệm của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ trong việc thực hiện các yêu cầu về sử dụng, khai thác hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.
“Các chuyên gia, nhà khoa học cần chỉ ra được các cách tiếp cận phù hợp cho các mô hình kinh tế chia sẻ sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên cho giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước, giảm thiểu các nguy cơ về an ninh phi truyền thống, đặc biệt là an ninh môi trường, giảm thiểu các nguy cơ xung đột môi trường, đảm bảo công bằng và góp phần đưa đất nước đạt được các mục tiêu của phát triển bền vững đến năm 2030”.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân
Điều này xuất phát từ việc đã có nhiều nghiên cứu của các Bộ ngành và các tổ chức nghiên cứu, các chuyên gia nghiên cứu độc lập về cơ sở lý luận và thực tiễn cũng như kinh nghiệm quốc tế về mô hình kinh tế. Tuy vậy, mối quan hệ giữa các mô hình kinh tế chia sẻ hệ với tài nguyên và môi trường lại chưa được đề cập trực tiếp trong các nghiên cứu đã thực hiện. Vì vậy, Bộ TN&MT thực hiện Dự án “Nghiên cứu đề xuất các quy định, xác định rõ trách nhiệm của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ trong việc thực hiện các yêu cầu về sử dụng, khai thác hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường” là cần thiết nhằm xác định quyền và trách nhiệm của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ trong khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; dự báo các xu hướng khai thác, sử dụng tài nguyên và môi trường trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để có những điều chỉnh quy định pháp luật cho phù hợp.
Theo đó, các đơn vị trực thuộc Bộ sẽ điều tra, đánh giá nhận diện các nội dung, yêu cầu về sử dụng khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường trong mô hình kinh tế chia sẻ và xác định được các quy định pháp luật hiện hành về trách nhiệm của các bên tham gia trong quá trình này. Đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật trong việc thực hiện các yêu cầu về khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm thúc đẩy kinh tế chia sẻ phát triển theo hướng phát triển bền vững.