Tân Cương: Phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hoá trà
Từ lâu, Tân Cương được biết đến là vùng sản xuất chè nổi tiếng nhất của tỉnh Thái Nguyên. Cây chè đã tạo nên bản sắc, nét văn hóa đặc trưng cũng như giúp người dân Tân Cương làm giàu. Cũng từ cây chè, địa phương đang khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng gắn với sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Tân Cương là vùng chè nổi tiếng của Thái Nguyên, cách trung tâm thành phố khoảng 13 km về phía Tây, bao gồm 6 xã: Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, Thịnh Đức, Quyết Thắng và Phúc Hà. Từ lâu, cây chè đã trở thành cây trồng mũi nhọn, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây.
Với điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng và khí hậu, cùng với kỹ năng trồng và chế biến chè đã tạo nên chất lượng đặc biệt của vùng đất được mệnh danh là “Đệ nhất danh trà”. Vùng chè hiện có tổng diện tích hơn 1.300 ha, năng suất đạt trên 155 tạ/ha, sản lượng đạt trên 23.700 tấn/năm.
Để nâng cao giá trị sản phẩm chè, những năm gần đây, nhiều hộ dân trồng chè tại vùng chè Tân Cương đã chuyển hướng sang chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ. Hiện có khoảng 800 ha chè được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, khoảng 600 ha theo hướng hữu cơ. Các công đoạn từ trồng, chăm sóc, chế biến, đóng gói sản phẩm được đảm bảo an toàn.
Ngoài các mô hình sản xuất, chế biến theo quy mô hộ, các xã trong vùng chè đặc sản hiện có 26 mô hình sản xuất theo quy mô hợp tác xã và trên 500 tổ hợp tác, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm trà. Đến thời điểm này, vùng chè đặc sản Tân Cương đã có 17 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao đến 5 sao.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, người dân đã sản xuất nhiều dòng sản phẩm chè từ bình dân đến cao cấp với đủ mẫu mã. Bình quân mỗi kilogam chè có giá dao động từ 200-250 nghìn đồng. Cao cấp hơn có chè tôm nõn đặc sản từ 400-600 nghìn đồng/kg; chè tôm nõn cao cấp từ 800 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/kg; chè đinh có giá từ 2-8 triệu đồng/kg.
Ông Pham Tiến Sỹ - Chủ tịch UBND xã Tân Cương cho biết: Những năm qua, việc bảo tồn và phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương luôn được cấp ủy, chính quyền thành phố và các xã trong vùng chè đặc biệt quan tâm. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, các địa phương trong vùng còn chú trọng việc gìn giữ, bảo tồn và mở rộng diện tích chè trung du hiện có, bảo tồn những cây chè cổ, vườn chè cổ.
Đồng thời, xây dựng vùng sản xuất chè tập trung theo hướng an toàn hữu cơ; hình thành chuỗi liên kết sản xuất bền vững và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong chế biến chè; từng bước gắn sản xuất với phát triển du lịch cộng đồng vùng chè để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đặc biệt, các địa phương đang tích cực tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án “Bảo tồn và phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương, giai đoạn 2021-2025”
Cùng với việc sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm chè, người dân tại Vùng Chè Đặc sản Tân Cương đã mở rộng dịch vụ, phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà nhằm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách, từ đó quảng bá các sản phẩm trà, nâng cao thu nhập. Du khách đến tham quan được trải nghiệm các công đoạn từ hái chè, chế biến thành phẩm đến tìm hiểu về văn hóa trà, trải nghiệm không gian sinh vật cảnh hữu tình, vườn sinh thái nghệ thuật. Qua đó, mô hình du lịch cộng đồng tại Thái Nguyên có sức lan tỏa, tạo được sự đồng thuận của người dân tham gia làm du lịch.
Điển hình như Hợp tác xã chè Hảo Đạt, là hợp tác xã chè đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có sản phẩm chè đạt chuẩn OCOP 5 sao quốc gia. Thời gian qua, Hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư xây dựng không gian văn hóa chè gồm khu nhà gỗ dành cho du khách thưởng chè và trưng bày các sản phẩm chè; khu chế biến, sản xuất chè truyền thống.
Ngoài Hợp tác xã Chè Hảo Đạt, hoạt động du lịch cộng đồng tại Vùng Chè Đặc sản Tân Cương còn được một số hợp tác xã đang tích cực xây dựng, đón du khách tham quan trải nghiệm như Hợp tác xã chè và Du lịch Cộng đồng Tiến Yên; Hợp tác xã Tâm Chè Thái; Hợp tác xã Chè Trung du Tân Cương… Đặc biệt, các hợp tác xã đã liên kết, thành lập Liên hiệp Hợp tác xã Du lịch Cộng đồng Tân Cương.
Theo đại diện UBND TP. Thái Nguyên, với mong muốn phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, tỉnh Thái Nguyên xác định phát triển du lịch cộng đồng gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới. Việc gắn kết các giá trị văn hóa đời sống, các giá trị văn hóa cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch, một mặt làm tăng giá trị của sản phẩm du lịch, mặt khác chính là sản phẩm du lịch để thu hút du khách.
Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên cũng định hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn bền vững, sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, vừa tạo ra sản phẩm du lịch, vừa phục vụ khách du lịch (sản phẩm OCOP, hàng lưu niệm,…), góp phần cải thiện sinh kế, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người nông dân.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung phát triển các điểm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà, du lịch về nguồn theo Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Thu hút, mời gọi các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp tham gia vào du lịch cộng đồng. Huy động cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương - nguồn tài nguyên trong phát triển du lịch cộng đồng.