(TN&MT) – Lãnh đạo phòng TN&MT huyện Yên Phong khẳng định, sau khi nhận được thông tin công ty sơn Apex xây dựng nhà máy khi chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chưa có ĐTM, UBND huyện đã lập đoàn kiểm tra và yêu cầu công ty tạm dừng mọi hoạt động.
Vừa qua báo TN&MT đã đăng tải bài viết Bắc Ninh: Công ty sơn Apex xây dựng khi chưa có ĐTM phản ánh thông tin liên quan tới Công ty cổ phần Đầu tư công nghệ sơn Apex Việt Nam (công ty sơn Apex, đặt ở thôn Cầu Gạo, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) xây dựng và có dấu hiệu đưa nhà máy vào hoạt động mà chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cũng như chưa làm hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Ngay sau khi Báo phản ánh thông tin, UBND huyện Yên Phong đã thành lập đoàn xuống kiểm tra nhà máy sản xuất sơn Apex ở địa bàn thôn Cầu Gạo, xã Yên Phụ. Theo biên bản kiểm tra, nguồn gốc khu đất mà công ty sơn Apex đang sử dụng vốn được UBND tỉnh Bắc Ninh cho công ty TNHH Đầu tư xây dựng & Thương mại Quế Lâm (tiền thân của công ty sơn Apex) thuê với tổng diện tích là 1.561 m2. Mục đích cho thuê là để công ty Quế Lâm sử dụng làm kho chứa và trưng bày các sản phẩm gỗ mỹ nghệ.
Thế nhưng tại thời điểm kiểm tra, công ty sơn Apex đã cho xây dựng hàng loạt các công trình khác nhau. Cụ thể, công ty này đã dựng xưởng sản xuất sơn với diện tích khoảng 300 m2, kho chứa nguyên vật liệu khoảng 150 m2, khu văn phòng khoảng 70 m2, khu vực sân bãi khoảng 300 m2. Tổng diện tích đã xây dựng khoảng gần 1000 m2. Tuy nhiên thay vì sử dụng đúng mục đích là làm kho chứa và trưng bày các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, công ty này đã ngang nhiên xây dựng cả công trình kiên cố lẫn nhà xưởng phục vụ cho quá trình sản xuất sơn trong khi không hề làm hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Cũng tại thời điểm kiểm tra, công ty này đã nhập về gần như đầy đủ máy móc cũng như nguyên, vật liệu để sản xuất sơn. Cụ thể công ty này có: máy khuấy, máy pha sơn, máy pha màu, hơn 6 tấn nhựa, 15 tấn bột đá, 2 tấn hóa chất và các phụ gia khác … Với những điều kiện này, công ty sơn Apex dự kiến sẽ sản xuất ra khoảng 1 tấn thành phẩm/ngày. Phía công ty cũng thừa nhận vận hành sản xuất thử nghiệm từ tháng 2/2018 và đã cho ra sản phẩm.
Trao đổi với PV báo TN&MT, ông Phạm Đức Định, Phó phòng TN&MT huyện Yên Phong, Trưởng đoàn kiểm tra cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu công ty sơn Apex phải làm các thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất và trình lên các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời chúng tôi cũng yêu cầu công ty phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong thời gian đợi hoàn thiện hồ sơ, mọi hoạt động của công ty sẽ phải tạm dừng và chúng tôi giao cho UBND xã phối hợp với lực lượng công an đôn đốc, giám sát việc chấp hành của công ty đối với các nội dung mà đoàn kiểm tra đã về làm việc”.
Sự sát sao của UBND huyện Yên Phong đối với những sai phạm của công ty sơn Apex là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên có vẻ như đoàn kiểm tra lại quá “ngây thơ” khi hướng dẫn công ty này xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất để tiếp tục hoạt động sản xuất sơn. Bởi lẽ, điều 68, luật Bảo vệ môi trường quy định rất rõ những cơ sở sản xuất hoặc kho tàng có chất độc hại đối với người và sinh vật; có chất dễ cháy, dễ nổ; phát tán bụi, mùi, tiếng ồn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người; gây ô nhiễm nguồn nước thì không được đặt ở khu dân cư mà phải có đặt ở một khoảng cách an toàn, không gây tác động xấu tới cuộc sống người dân.
Không chỉ vậy, điều 68 luật này cũng nêu rõ: “Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh lượng chất thải lớn, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường phải có bộ phận chuyên môn hoặc nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường; phải được xác nhận hệ thống quản lý môi trường theo quy định của Chính phủ”.
Với những quy định cụ thể nêu trên, liệu một nhà máy sản xuất sơn - vốn phải sử dụng một lượng lớn hóa chất và phụ gia công nghiệp có thể được cấp phép cho hoạt động ngay giữa khu dân cư đông đúc hay không? Nếu không, các cấp có thẩm quyền huyện Yên Phong sẽ xử lý sai phạm của công ty này ra sao?
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc