Tác nghiệp mùa này ở Tây Bắc

21/06/2018 18:35

(TN&MT) - Khi tiếng chim “bắt cô trói cột” hót vang bìa rừng là lúc đồng bào Tây Bắc lên nương tra hạt. Khi ấy, ở nhà chỉ còn trẻ con và người già. Nếu phóng viên muốn gặp để viết về nhân vật, e là rất khó, đặc biệt đối với các nhân vật điển hình trong lao động... Thời gian họ trên nương nhiều hơn ở nhà. Với họ, khái niệm về nhân vật báo chí là một thứ gì đó rất mơ hồ... Có người còn bảo: “Chụp ảnh mình rồi thì nhớ phải trả tiền mình nhá”.Họ quen với việc mấy ông Tây ba lô đi phượt nhìn thấy cảnh đồng áng, đồng bào váy áo sặc sỡ họ xin chụp ảnh và “bo” lại mấy đồng. Nên cánh phóng viên, nhà báo có hẹn họ, cũng phải “bo” như vậy thôi. Với họ số tiền đó chẳng phải là thứ lớn lao, ít nhiều không quan trọng, nhưng cái chính là họ cảm thấy mình có... “giá”.

Vợ chồng Giàng Seo Chỉnh
Vợ chồng  Giàng Seo Chỉnh
 

Một lần tôi cùng đồng nghiệp công tác tại tỉnh Điện Biên, nhân vật chúng tôi muốn gặp và phỏng vấn là hai vợ chồng chàng trai Mông tên Giàng Seo Chỉnh, người đầu tên của bản đưa cây dứa về trồng tại bản Na Sang, xã Na Sang, huyện Mường Chà, (Điện Biên). Vợ chồng Seo Chỉnh năm nay gần 40 tuổi, gốc người Lào Cai, phiêu bạt sang đất Điện Biên lập nghiệp. Nghề chính trước đây của anh là đi chăn trân và nuôi vợ con. Hai vợ chồng Seo Chỉnh không biết chữ, chỉ học viết mỗi tên của mình.

Chúng tôi biết đến Chỉnh qua câu chuyện kể của những người dân tộc Mông bán dứa dọc quốc lộ 12; người đầu tiên đưa cây dứa về trồng trên đất dốc Na Sang. Đến nay, cả huyện Mường Chà nhân rộng mô hình trồng dứa của Seo Chỉnh và nhiều huyện khác lân cận cũng học tập làm theo. Đời sống của đồng bào đổi thay, quỹ đất được canh tác triệt để... Đồng bào đã biết đưa khoa học, kỹ thuật vào trồng dứa mà chẳng qua lớp tập huấn đào tạo nào, phương thức canh tác chỉ thông qua việc “truyền miệng”.

Chúng tôi có mặt ở Na Sang lúc 8 giờ sáng đầu hạ, khi ấy gió Lào vẫn thổi ràn rạt, người đón chúng tôi là 2 đứa con của vợ chồng Seo Chỉnh, chúng đang cho trâu ăn... Nghe đâu vợ chồng anh đi nương từ lúc tờ mờ sáng.

- Bao giờ bố mẹ cháu về? – Tôi hỏi.

- Tối đấy..! – Con gái anh trả lời ngắn ngủn.

Chúng tôi viết mấy chữ để lại, hy vọng mai quay lại sẽ được gặp anh.

Hôm sau chúng tôi có mặt ở Na Sang từ 6 giờ sáng. Lại là 2 đứa trẻ hôm qua. Tôi hỏi: Hôm qua cháu có đưa thư cho bố không?

- Có..! Nhưng nó không biết chữ - Con bé bỏ lại chúng tôi đứng chưng hửng rồi đi đâu mất.

Chúng tôi nhìn nhau cười như mếu. Và không thể đợi lâu hơn, chúng tôi phải nhờ con anh dẫn đường lên nương để phỏng vấn kỳ được vợ chồng chàng trai Mông “cõng dứa lên ngàn”. Con đường dẫn lên nương dứa của vợ chồng Seo Chỉnh cũng không quá xa, phải sắn quần lội qua suối, rồi cứ đi theo đường mòn duy nhất, quãng gần 1 tiếng thì tới. Thấy bóng chúng tôi thấp thoáng phía xa, vợ chồng Seo Chỉnh ngơi tay làm cỏ ngồi trên nương nhìn xuống. Đến một chiếc chòi cạnh dưới chân núi, chúng tôi nghỉ lại chờ vợ chồng vua dứa “hạ sơn”.

Vợ chồng Seo Chỉnh cả ngày trên nương dứa, nơi có căn chòi nhỏ để mỗi khi mệt nhọc có chỗ ngả lưng và cũng là nơi để trông chừng kẻ xấu bẻ trộm khi mùa chín rộ. Thế nên, muốn tìm Seo Chỉnh thì phải lên nương.

Cả một đồi dứa bạt ngàn đang ra quả. Đôi bàn tay Seo Chỉnh có vô vàn vết sẹo không sâu nhưng vằn ngang vằn dọc lên da non trắng bệch, đưa bát nước múc lên từ khe suối mời chúng tôi. Thấm mệt, chúng tôi uống ngon lành. Vốn tiếng Việt của Seo Chỉnh không nhiều, nên khó khăn trong khi tác nghiệp. Hỏi mãi thì hai vợ chồng Seo Chỉnh lại nhìn nhau cười...

Seo Chỉnh kể mà như đánh vật với từng con chữ tiếng Việt: “Mình mới đầu mang dứa về trồng ăn chơi thôi, nhưng cứ ăn cứ ăn thì chán.. nhiều quá thì mình cho trẻ con mang bán cho người đi đường lấy tiền”. Seo Chỉnh im lặng vò đầu muốn nói gì đó lại thôi, rồi lại nhìn chúng tôi cười. Vợ Seo Chỉnh bập bõm tiếng Kinh, nói đỡ cho chồng: “Vợ chồng mình cái chữ không biết nhiều thì phải đi làm thôi... Phải đi làm mới có gạo ăn, không thì chết đấy... thế thôi”. Rồi họ quay sang nhìn nhau cười vui vẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tác nghiệp mùa này ở Tây Bắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO