Sức hút Công viên Địa chất toàn cầu

23/01/2017 00:00

(TN&MT) - Sau Công viên Địa chất (CVĐC) toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), một số địa phương như: Cao Bằng, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Gia Lai đã thành lập CVĐC cấp tỉnh và đang trong quá trình điều tra, nghiên cứu bổ sung về tiềm năng di sản địa chất, xây dựng hồ sơ trình UNESCO để được xem xét, công nhận là CVĐC toàn cầu. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trò chuyện thú vị cùng PGS. TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất & Khoáng sản về chủ đề này.

PGS. TS Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất & Khoáng sản
PGS. TS Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất & Khoáng sản

PV: Ông có thể chia sẻ về tác động của danh hiệu “CVĐC Toàn cầu của UNESCO” đến Cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung sau khi khu vực này được công nhận năm 2010.

Ông Trần Tân Văn: Câu hỏi này rất thú vị vì thực ra chính UNESCO cũng quan tâm tìm hiểu ở rất nhiều khu vực khác trên thế giới. Theo cảm nhận của chúng tôi, tác động của danh hiệu này đến Cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung là rất lớn. Chỉ cần so sánh các số liệu thống kê về hoạt động du lịch giữa Hà Giang và tỉnh láng giềng Cao Bằng - nơi vốn được coi là có nhiều điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều để phát triển du lịch so với Hà Giang (Cao Bằng có nhiều di tích quốc gia/quốc gia đặc biệt, nhiều danh lam thắng cảnh, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên..., điều kiện giao thông, khí hậu, sinh hoạt (ví dụ nước sạch), nhiều cửa khẩu quốc gia...

Khoảng 10 về trước, du lịch Cao Bằng vượt trội hơn nhiều so với Hà Giang. Con số khách du lịch đến Cao Bằng hàng năm thường lớn hơn so với Hà Giang từ 20.000 - 100.000 lượt. Nhưng kể từ khi CVĐC được thành lập trên Cao nguyên đá Đồng Văn năm 2009 và được công nhận là CVĐC toàn cầu năm 2010, hoạt động du lịch ở vùng đất này đã khởi sắc hơn rất nhiều. Năm 2013, tổng số du khách đến Hà Giang đã bằng với Cao Bằng và từ đó đến nay, thường xuyên vượt Cao Bằng khoảng 100.000 lượt người. Quan trọng hơn, trong khi khách quốc tế đến Cao Bằng vẫn ổn định trong khoảng 5% tổng số du khách,  đối với Hà Giang con số đó đã đạt 16 - 20%, thậm chí 25 - 30%.

Những khác biệt này cũng được thể hiện rất rõ ngay trong các quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của những địa phương này. Trong khi mục tiêu đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của Cao Bằng khá khiêm tốn, cả về tổng số du khách lẫn tỷ lệ khách quốc tế, tức là chỉ đến năm 2030 mới đạt 1 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế vẫn chỉ chiếm 5%, Hà Giang tỏ ra trẻ trung hơn rất nhiều, phấn đấu đến năm 2020 trở thành khu du lịch quốc gia, đạt 1 triệu lượt khách, trong đó 30% là khách quốc tế.

Hà Giang còn được hưởng khá nhiều lợi ích khác từ danh hiệu quốc tế này, thí dụ như nhận được nhiều hơn sự quan tâm của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương. Một loạt quy hoạch đã được xây dựng và phê duyệt, thí dụ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2030; quy hoạch phát triển du lịch, quy hoạch xây dựng vùng; quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học... Nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm... đã và đang được triển khai.

Ngoài ra, còn nhận được nhiều hơn đầu tư từ các tổ chức quốc tế, khối doanh nghiệp tư nhân, kể cả các tập đoàn lớn, trong các dự án về sản xuất điện, khách sạn, nhà hàng…

Bên cạnh đó, rất nhiều sáng kiến đã được khởi xướng từ chính cộng đồng địa phương, như Lễ hội hoa tam giác mạch, các sản phẩm du lịch từ loài hoa này, sản phẩm du lịch con đường Hạnh Phúc... Công tác tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng được chú trọng, các kiến thức đại chúng về di sản địa chất và công viên địa chất đã và đang được đưa vào trường học...

PV: Thưa ông, liệu Cao Bằng và các địa phương khác có nhận thức được những tác động này?

Ông Trần Tân Văn: Không chỉ nhận thức, nhiều địa phương đã và đang tích cực tìm đến Hà Giang để chia sẻ, học tập kinh nghiệm. Hồi tháng 6/2016, khi Hà Giang phối hợp với UBQG UNESCO Việt Nam, Bộ TN&MT, KHCN, GDĐT, VHTT&DL... tổ chức Hội thảo quốc gia về “Xây dựng mạng lưới CVĐC quốc gia và mô hình quản lý CVĐC tại Việt Nam”, đã có đến hơn 100 đại biểu, trong đó, có đại diện lãnh đạo UBND 10 tỉnh trong cả nước đến tham dự. Một số địa phương như Quảng Ngãi, Đắk Nông, Gia Lai đã thành lập CVĐC cấp tỉnh và đang trong quá trình điều tra, nghiên cứu bổ sung về tiềm năng di sản địa chất (DSĐC), xây dựng hồ sơ trình UNESCO để được xem xét, công nhận là CVĐC toàn cầu.

Cũng tại Hội thảo kể trên, các địa phương đã thống nhất chủ trương thành lập Mạng lưới CVĐC Việt Nam. Đồng thời, Bộ TN&MT đang xây dựng dự thảo trình Chính phủ cho phép thành lập Hội đồng DSĐC và CVĐC quốc gia, từ đó, hướng dẫn các địa phương xây dựng hồ sơ công nhận các DSĐC và CVĐC quốc gia - một nhu cầu có thể nói là đang hết sức cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực phát triển bền vững, bảo tồn thiên nhiên, sử dụng hợp lý tài nguyên, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, tỉnh Cao Bằng đã thành lập CVĐC Non Nước Cao Bằng từ cuối tháng 12/2015 và đã xây dựng, trình hồ sơ lên UNESCO ngày 28/11/2016 vừa qua. Một số địa phương khác, như Đắk Nông và Gia Lai có lẽ cũng có kế hoạch trình hồ sơ lên UNESCO vào năm 2017.

PV: Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng - nghe có vẻ rất thi vị, nhưng liệu có nằm quá gần và quá giống Cao nguyên đá Đồng Văn của tỉnh Hà Giang không, thưa ông?

Ông Trần Tân Văn: Đây cũng chính là câu hỏi rất xác đáng mà Mạng lưới CVĐC toàn cầu của UNESCO đặt ra đối với Cao Bằng. Theo chúng tôi cảm nhận, các nhà khoa học đã giúp chính quyền và cộng đồng địa phương trả lời các câu hỏi này một cách thuyết phục. CVĐC Non nước Cao Bằng có diện tích hơn 3.000km2, cách Cao nguyên đá Đồng Văn khoảng 200km. CVĐC Non Nước Cao Bằng là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc Tày và Nùng và một số dân tộc khác như: HMông, Dao, Kinh, Sán Chảy... với một nền văn hóa dân tộc đậm đà bản sắc. Khu vực này đồng thời cũng có giá trị về lịch sử, đa dạng sinh học rất cao, với Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén, Khu bảo tồn loài/sinh cảnh vượn Cao Vít Trùng Khánh...

Đặc biệt là về các giá trị di sản địa chất, kết quả điều tra, nghiên cứu nhiều năm đã thu thập được nhiều bằng chứng cho thấy, CVĐC Non Nước Cao Bằng hoàn toàn xứng đáng trở thành một CVĐC toàn cầu của UNESCO với đầy đủ các tiêu chí như sự có mặt phong phú, đa dạng của các DSĐC, trong đó, nhiều DSĐC có giá trị và ý nghĩa quốc tế.

Phần lớn CVĐC Non Nước Cao Bằng là một diện lộ karst rộng lớn tới gần 2.000km2, gồm một số cao nguyên đá vôi tuổi từ Devon đến Permi, liên tục nhưng phân dị ở những khoảng độ cao khác nhau, từ 1.200 - 1.000m xuống đến 600 - 400m asl. Diện lộ karst này, cùng với Cao nguyên đá Đồng Văn là những phần tiếp nối điển hình về phía Đông Nam của miền karst Nam Trung Quốc - di sản thiên nhiên (DSTN) thế giới. Vì thế, khu vực này đương nhiên cũng có các giá trị nổi bật toàn cầu, đại diện cho các vùng karst nhiệt đới ẩm. Khác với các diện tích karst của Trung Quốc hoặc Cao nguyên đá Đồng Văn, CVĐC Non Nước Cao Bằng thể hiện một cách rõ nhất một chu trình tiến hóa karst hoàn chỉnh từ karst sơ khai, non trẻ đến trưởng thành và già, đặc biệt là các cảnh quan karst ở giai đoạn trưởng thành và già.

Mặc dù, ở một phần nhỏ diện tích vẫn có những địa hình karst trẻ dạng dãy, chưa phân ra các lũng, đỉnh, nơi quá trình xâm thực sâu vẫn đang chiếm ưu thế, phát triển các hang đứng và rất khan hiếm nước mặt, nhưng nhìn chung ở CVĐC Non Nước Cao Bằng rất phổ biến các dạng địa hình karst trưởng thành dạng cụm đỉnh lũng, đến karst già dạng tháp rời nổi cao, rời rạc trên các thung lũng, cánh đồng karst rộng, phẳng, liên thông với nhau ở sát mực cơ sở xâm thực địa phương. CVĐC Non nước Cao Bằng, vì thế, ngay cả ở phần lớn những diện lộ karst thì cũng rất sẵn đất và nước mặt - nét tương phản rõ rệt với Cao nguyên đá Đồng Văn ở tỉnh Hà Giang. CVĐC Non nước Cao Bằng, cộng với thảm thực vật còn được bảo tồn khá tốt, thể hiện sự phì nhiêu, dịu dàng, ướt át, bổ sung một cách hoàn hảo cho sự khô khát, mạnh mẽ, dữ dội, của Cao nguyên đá Đồng Văn.

Với việc hình thành CVĐC Cao Bằng, Cao nguyên đá Đồng Văn - CVĐC toàn cầu UNESCO - đã không còn lẻ loi trong nỗ lực cổ vũ cho mô hình CVĐC ở miền Bắc Việt Nam nói riêng cũng như Việt Nam nói chung. 2 CVĐC là sự bổ trợ, bổ sung rất có giá trị cho nhau, cùng góp phần để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực giữa chúng (các huyện phía Đông Hà Giang và phía Tây Cao Bằng) cũng như trên toàn miền Đông Bắc Việt Nam và miền Nam Trung Quốc.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nhị Giang (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức hút Công viên Địa chất toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO