Sức bật từ tích tụ ruộng đất

08/01/2019 09:23

(TN&MT) - Luật Đất đai 2013 được ban hành đã có nhiều nội dung đổi mới quan trọng trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nói chung, thúc đẩy quá trình tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp nói riêng.

T4
Nhiều địa phương có những giải pháp thiết thực giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tích tụ ruộng đất. Ảnh: MH

Hiệu quả lớn

Luật Đất đai 2013 đã quy định theo hướng nâng thời hạn sử dụng đất đối với đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân từ 20 năm lên 50 năm; đồng thời, để thúc đẩy quá trình tích tụ đất đai đã mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân không được vượt quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp.

Cùng với đó, nhiều địa phương đã có những giải pháp thiết thực giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tích tụ ruộng đất. Đơn cử, tại tỉnh Hà Nam, với hình thức Nhà nước (chính quyền cấp huyện, xã...) thuê đất của nhân dân, sau đó, chính quyền cấp tỉnh cho doanh nghiệp thuê lại. Thời gian thuê đất 20 năm, mức giá cho doanh nghiệp thuê bằng mức giá chính quyền thuê với người dân.

Từ hình thức đó, đến nay, Hà Nam đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đã tích tụ 375,5 ha. Có 2 khu nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Lý Nhân đã đi vào hoạt động với diện tích 202,3 ha. Giải quyết việc làm cho trên 400 lao động nông thôn, với mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng. Dự án Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Công ty Vineco với 179,1ha - sau khi đi vào hoạt động, đã tạo việc làm ổn định cho 250 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 4 - 6 triệu đồng/người/tháng...

Cả nước hiện có 5 mô hình sử dụng đất nông nghiệp hiện nay, cụ thể là mô hình trang trại của hộ gia đình, cá nhân; mô hình hợp tác xã; tổ hợp tác; mô hình doanh nghiệp và mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Tính đến thời điểm 1/7/2016, trên phạm vi cả nước có tổng số 2.262 cánh đồng lớn, trong đó, Đồng bằng sông Hồng có 705 cánh đồng, chiếm 31,2%; khoảng 619.000 hộ nông dân tham gia sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn.

Còn tại tỉnh Ninh Bình, xác định ứng dụng khoa học kỹ thuật là khâu then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp nhanh, bền vững, ngày 26/10/2016 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU và ngay sau đó, ngày 14/12/2016, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 37 về “Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”. Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 37, toàn tỉnh Ninh Bình đã có 270 mô hình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm được hỗ trợ với tổng kinh phí 75 tỷ đồng. Trong đó, có 49 mô hình, dự án ứng dụng công nghệ cao (năm 2017 là 27 mô hình, dự án và 9 tháng năm 2018, đã triển khai 22 mô hình, dự án). Các mô hình, dự án được triển khai ở tất cả các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản...

Riêng với Thái Bình, thời gian qua, tỉnh và các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bằng nhiều cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, đến nay, tổng diện tích đất canh tác được tích tụ là 1.977,6ha, trong đó, quy mô từ 2ha trở lên là 1.811,3ha, từ 5ha trở lên là 1.220,8ha, từ 10ha trở lên là 874,6ha. Hầu hết, các mô hình tích tụ bước đầu được đánh giá có hiệu quả hơn từ 1,5 - 2 lần so với sản xuất thông thường khi chưa được tích tụ nhờ áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tiết kiệm chi phí đầu tư, kiểm soát được đầu vào và đầu ra của sản phẩm. Chương trình cánh đồng lớn luôn được các địa phương quan tâm xây dựng. Năm 2018, toàn tỉnh có 128 xã triển khai được 185 cánh đồng lớn với tổng diện tích 15.312,34ha, trong đó, chủ yếu là cánh đồng lúa (14.616ha).

Nhân diện thách thức

Tính đến nay, cả nước mới có khoảng 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm gần 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Nếu tính riêng các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất nông lâm sản và thủy sản, số doanh nghiệp giảm xuống chỉ còn trên 1%, tương ứng với khoảng 7.600 doanh nghiệp. Kéo theo đó, vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp cũng đạt rất thấp với khoảng 8 - 10% tổng nguồn vốn đầu tư toàn ngành kinh tế; trong đó, đầu tư sản xuất trực tiếp chỉ chiếm 1%.

Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam cho biết, quá trình thực hiện thí điểm tích tụ ruộng đất, còn một số trường hợp đối tượng tích tụ ruộng đất nhằm mục đích đầu cơ, hay có tình trạng một số hộ dân đã đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp và những hộ kinh doanh vật tư phân bón,... Tuy vậy, vấn đề vướng mắc vẫn là chính quyền các cấp chưa được phép thuê đất của dân rồi cho doanh nghiệp thuê lại vì Luật Đất đai năm 2013 không quy định các cấp chính quyền được thuê quyền sử dụng đất của dân.

Hiện nay, cả nước có 4.030 nghìn ha đất lúa với hơn 19 triệu thửa đất, diện tích đất trồng lúa phân tán và manh mún làm giảm hiệu quả sử dụng đất, khó khăn cho ứng dụng khoa học và công nghệ, cơ giới hóa đồng ruộng dẫn đến năng suất thấp, hiệu quả sử dụng đất không cao đặc biệt là làm giảm khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, Luật Ngân sách cũng không cho phép ứng tiền ngân sách để trả tiền thuê đất của dân sau đó thu của doanh nghiệp nhiều lần để hoàn trả. Thêm nữa là quy định về hạn điền đã hạn chế việc các hộ dân đứng ra tích tụ, tập trung đất đai (không được quá 10 lần).

Đại diện Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Hòa Bình cho biết, do có địa hình phức tạp, đất sản xuất nông nghiệp đã giao cho các hộ dân tại tỉnh Hòa Bình rất manh mún, không thuận lợi cho sản xuất quy mô lớn là nguyên nhân khiến cho quá trình tích tụ đất đai gặp nhiều trở ngại. Đặc biệt, khó khăn nhất hiện nay chính là nằm ở cơ chế thỏa thuận. Cụ thể, việc phải thỏa thuận với nhiều hộ dân để đảm bảo quy mô diện tích, có trường hợp doanh nghiệp thỏa thuận được đến 90% hộ dân nhưng nếu chỉ 10% hộ không đồng thuận, coi như “sụp đổ” dự án. Trong khi rủi ro khi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp lại không hề thấp, nên doanh nghiệp còn e ngại.

Rà soát, sửa đổi cho phù hợp

Tại họp báo quý IV/2018, ông Đào Trung Chính, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ rà soát, đánh giá những bất cập, tồn tại về chính sách, pháp luật liên quan đến đất đai làm cản trở việc tích tụ, tập trung đất đai như: Quy định về hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; chế độ quản lý sử dụng đất trồng lúa... để thể chế hóa cụ thể ý kiến chỉ đạo của Ban Chấp hành TƯ qua quá trình sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành TƯ Khóa XI trong Luật sửa đổi, bổ sung một điều của Luật Đất đai năm 2013 cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Đồng thời, nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cụ thể trình tự, nội dung thực hiện các phương thức, mô hình tích tụ, tập trung đất đai vào quý III/2019. Đề xuất đề án thí điểm các phương thức, mô hình tích tụ đất đai để phát triển nông nghiệp tập trung, hiện, pháp luật chưa có quy định; ban hành chính sách khuyến khích tập trung đất đai thông qua hình thuê đất để sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Bộ sẽ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định. Trên cơ sở đó, thực hiện công bố công khai quỹ đất nông nghiệp, nhu cầu chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất. Từ đó, hình thành quỹ đất nhằm chủ động kêu gọi đầu tư, cùng với doanh nghiệp tổ chức xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức bật từ tích tụ ruộng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO